Một khu vực tại tỉnh Kherson (Ukraine) ngập trong biển nước. Ảnh: Reuters. |
Ở hạ nguồn, dù nước lũ sẽ sớm rút hết ra Biển Đen, nhiều làng mạc, thị trấn ven bờ sông Dnepr sẽ không thể sinh sống cho đến khi một con đập mới được xây dựng. Hàng nghìn ngôi nhà đã, đang và sẽ bị nước lũ cuốn trôi, cùng với nhiều loài động vật - cả gia súc của người dân lẫn động vật hoang dã.
Nước lũ quét sạch bề mặt nhiều hòn đảo và vùng đầm lầy ngập nước, gây ra tác động về mặt sinh thái. Phải mất nhiều năm - thậm chí là nhiều thập kỷ nữa - các quần thể động thực vật mới có thể phục hồi hoàn toàn, theo Guardian.
Các bãi mìn bị cuốn trôi
Với dung tích lên tới 18 tỷ mét khối nước, Kakhovka là một trong những hồ chứa thủy điện có dung tích lớn nhất thế giới, theo ông Mohammad Heidarzadeh - giảng viên kiến trúc và xây dựng dân dụng tại Đại học Bath (Anh).
“Rõ ràng việc con đập bị phá hủy sẽ để lại hậu quả to lớn và lâu dài về sinh thái, cũng như tác động tiêu cực tới môi trường, không chỉ với Ukraine mà còn với các nước láng giềng và cả khu vực”, ông Heidarzadeh nhận định.
Nước từ hồ chứa tràn xuống hạ nguồn sau khi đập Nova Kakhovka bị vỡ. Ảnh: Planet Labs/Reuters. |
Nước lũ không chỉ cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn và các loài sinh vật, mà còn cả hàng chục nghìn quả mìn khi nhiều khu vực bị ảnh hưởng là tiền tuyến trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Không thể biết được chúng sẽ trôi ra biển hay dừng lại ở làng mạc, thị trấn hay nông trại nào phía hạ nguồn.
Tại tỉnh Mykolaiv, một tổ chức tình nguyện đã dọn dẹp mìn dọc sông Inhulets, phụ lưu của sông Dnepr, trước khi lũ tràn về. Theo bà Jasmine Dann, quản lý của tổ chức tại Mykolaiv, các quả mìn sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng người dân khi họ quay trở về nhà hoặc canh tác trên vùng đất màu mỡ gần sông.
“Đội ngũ phá mìn của chúng tôi thường xuyên vượt sông để tới các bãi mìn. Tuy nhiên, nếu mức nước tăng cao sau khi đập vỡ sáng nay, các khu vực đó sẽ bị cô lập và chúng tôi không thể tiếp tục dọn mìn”, bà Dann nói.
Thượng nguồn thiếu nước
Trái ngược lại với lũ lụt ở hạ nguồn, khu vực thượng nguồn con đập giờ đây trở nên thiếu nước. Khi mực nước hồ thủy điện Kakhovka đang giảm mạnh, trong vài ngày tới, hoạt động của các máy bơm tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - nằm cách con đập khoảng 200 km về phía thượng nguồn - sẽ bị ảnh hưởng.
Các máy bơm có nhiệm vụ lấy nước từ hồ để làm mát lõi lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu đã qua sử dụng. Do sáu lò phản ứng đều đã ngừng hoạt động và nhà máy có bể chứa nước làm mát lớn phục vụ các tình huống khẩn cấp như vậy, trong thời gian tới nhà máy sẽ vẫn an toàn - miễn là hồ chứa nước không bị tác động.
Người dân Kherson sơ tán sau khi đập vỡ. Ảnh: Reuters. |
Thêm vào đó, các thành phố phụ thuộc nước sinh hoạt vào hồ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Các vùng nông nghiệp xung quanh cũng chịu cảnh tương tự. Chỉ cần mực nước giảm 1 m, nguy cơ khô hạn đã hiển hiện.
Tác động sẽ không chỉ dừng lại ở Ukraine mà còn lan ra khắp thế giới, khi quốc gia này xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp quan trọng như lúa mì, ngô, dầu hướng dương hay đậu nành.
Hồ Kakhovka “là trái tim của một trong những hệ thống tưới tiêu lớn nhất châu Âu” và lượng nước từ hồ “giúp trồng trọt 80% rau củ của Ukraine, cũng như một tỷ lệ đáng kể hoa quả và nho”, viện nghiên cứu nông nghiệp EastFruit đánh giá.
Một trong những khu vực sẽ chịu ảnh hưởng là bán đảo Crimea, nơi Nga kiểm soát từ năm 2014. Con kênh dẫn nước tới Crimea lấy nước từ sông Dnepr ngay phía trên con đập.
Do các hồ chứa tại Crimea đã tích đầy nước trong những tháng qua, khủng hoảng sẽ chưa lập tức xảy ra. Tuy vậy, trong những năm tới, nguồn nước cung cấp cho Crimea sẽ bị đe dọa.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.