Rau má có nhiều tên gọi trong dân gian như tích tuyết thảo, liên tiền thảo, địa tiền thảo, mã đề thảo, lão công căn, băng khẩu uyển, thổ tế tân...
Theo các sách thuốc cổ, rau má có vị đắng, tính hàn, vào được ba kinh Can, Tỳ và Thận, có công dụng thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng giải độc.
Rau thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tiết tả về mùa hè, bệnh lỵ, vàng da do thấp nhiệt, sỏi đường tiết niệu, tiện huyết, khái huyết, thổ huyết, đau mắt đỏ, viêm họng, dị ứng mẩn ngứa, nhọt độc, tổn thương do sang chấn, bỏng...
Rau má có rất nhiều tác dụng chữa bệnh. Ảnh: Aquariumcarebasics. |
Dưới đây là một số cách dùng rau má chữa bệnh:
- Vàng da do thấp nhiệt: rau má 30-40 g, đường phèn 30 g, sắc uống.
- Tiêu chảy: rau má 30 g sắc với nước vo gạo uống hàng ngày.
- Tiểu ra máu: rau má và ích mẫu thảo mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.
- Táo bón: rau má 30 g giã nát đắp vào rốn.
- Bệnh sởi: rau má 30-60 g, sắc uống.
- Áp xe vú giai đoạn đầu: rau má và vỏ quả cau lượng bằng nhau sắc uống, nếu pha thêm một chút rượu để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
- Nhọt độc: rau má tươi rửa sạch, giã nát đắp lên tổn thương hoặc rau má tươi 30-60 g, sắc uống.
- Lở loét vùng lưng: rau má tươi rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt hòa với bột gạo nếp thành dạng hồ rồi bôi lên tổn thương.
- Chấn thương phần mềm gây sưng nề: rau má tươi 20-30 g giã nát, vắt lấy nước hòa với một chút rượu uống.
- Lở loét ống chân: rau má tươi giã nát, đắp lên tổn thương.
- Đau mắt đỏ: rau má tươi rửa sạch, giã nát, đắp lên vùng mạch ở lằn chỉ cổ tay (thốn khẩu) hoặc rau má tươi rửa thật sạch, ngâm thuốc tím rồi giã nát, ép lấy nước lọc kỹ nhỏ mắt 3-4 lần trong ngày (hiện nay không nên dùng vì vấn đề vô trùng).
- Viêm họng và viêm amidan: rau má tươi 60 g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước hòa với một chút nước ấm, uống từ từ.
- Ho gà: rau má 100 g, thịt lợn gầy 30 g, nấu chín chia ăn hai lần trong ngày.
- Các chứng xuất huyết: rau má tươi 30-100 g sắc uống hoặc giã nát vắt lấy nước cốt uống.
- Giải ngộ độc thuốc hoặc thực phẩm: rau má tươi giã nát vắt lấy nước uống, có thể pha thêm một chút đường phèn.
- Hành kinh đau bụng, đau lưng: rau má khô tán bột, mỗi ngày uống hai thìa cà phê gạt ngang.
- Giải nhiệt trị rôm sẩy, mẩn ngứa, mát gan lợi tiểu: rau má tươi 30-100 g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống hàng ngày hoặc dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi hòa đường uống.
Lưu ý, rau má có tính lạnh nên những người mắc các chứng bệnh thuộc thể hư hàn không nên dùng.