Hương nhu là cây sống lâu năm cao từ 1-2 m, thân vuông, có lông, hóa gỗ ở gốc, khi còn nhỏ 4 cạnh thân màu nâu tía, còn 4 mặt thân màu xanh nhạt, lúc về già trở thành màu nâu.
Cây hương nhu có mùi thơm rất dễ chịu, thường ra hoa vào độ tháng 5-7. Người ta thu hái lúc đang ra hoa hoặc bắt đầu kết quả. Toàn thân cây (trừ rễ) được dùng làm thuốc tươi hoặc phơi khô.
Đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: HQ. |
Trong Y học cổ truyền, hương nhu khí hơi ôn, vị tân, không độc. Công hiệu của loại cây này là làm tan độc khí nóng ở bì phu, giải tán được chỗ bí kết ở tâm phúc. Sách cổ nói rằng hương nhu thuộc kim và thủy, có công năng điều hòa từ trên xuống dưới. Ở trên, nó thanh được phế khí, chữa được chứng nắng, trừ được phiền nhiệt và chứng phế uất khiến cho trọc khí bóc lên gây hôi miệng.
Hương nhu cũng chữa được chứng má cam, hạ lợi tiểu tiện, tiêu thủy thũng, khoan được trường vị tiêu hóa thức ăn, hạ được khí xuống. Với những chứng đau bụng, thổ tả, hương nhu cũng là một vị thuốc cốt yếu. Người bị đứt tay chân, tay, lấy ngay lá hương nhu nhai nhuyễn, đắp vào chỗ đau rất nhanh khỏi. Dùng lá hương nhu nấu nước tắm gội vừa sạch vừa thơm.
Khi cây đang có hoa, người dân có thể cắt lấy bỏ gốc rễ, chỉ dùng hoa lá phơi ở chỗ mát cho khô, kiêng sấy, để lâu dùng dần theo các cách sau:
- Chữa cảm lạnh (đi mưa bị nhiễm lạnh): 500 g hương nhu tía, 200 g bạch biển đậu (đậu ván trắng) sao qua, 200 g hậu phác tẩm gừng nướng, tất cả đem tán nhỏ trộn đều. Pha với nước sôi uống dần, mỗi lần dùng từ 8 – 10 g. Ngày uống 2 lần sau mỗi bữa ăn. Một liệu trình từ 2 – 3 ngày.
- Chữa cảm nắng, tiêu chảy, nôn mửa hay ăn quá nhiều thức ăn sống lạnh vào mùa hè: 12 g hương nhu, 9 g mộc qua, 9 g tía tô (cành và lá) dùng sắc nước uống trong ngày.
- Đối với cảm nắng mùa hè có các triệu chứng đau đầu, nôn, ớn rét, tim hồi hộp, phát sốt, tiêu chảy, tiểu tiện vàng đỏ và miệng khát: Dùng 12 g hương nhu, 12 g cát căn, 12 g dấp cá (ngư tinh thảo), 12 g điền cơ hoàng (nọc sởi), 8 g thạch xương bồ, 4 g mộc hương sắc uống.
- Trị cảm sốt nhức đầu: Một nắm lá hương nhu tươi mang giã nhỏ, cho nước sôi vào vắt lấy nước uống, phần bã đắp lên đầu, trán và thái dương. Trường hợp bị sốt có mồ hôi dùng thêm 200 g sắn dây tươi giã nhỏ vắt nước uống.
- Trị hôi miệng: Lấy 10 g hương nhu cùng 200 ml nước sắc nước súc miệng (ngậm) 2 lần/ngày vào sáng sớm và trước khi đi ngủ. Dùng liên tiếp trong 15 ngày.
- Chữa phù thũng, không mồ hôi, tiểu tiện đỏ: 9 g hương nhu, 12 g ích mẫu thảo, 30 g bạch mao căn (rễ cỏ tranh) mang sắc nước uống như trà trong ngày. Dùng liên tiếp từ 10 ngày trở lên.