Trên thực tế, tất cả các bộ phận của cây thông (lá, hoa, quả, rễ, nhựa…) đều có thể sử dụng làm thuốc và mỹ phẩm.
Theo Đông y, lá thông (tùng diệp) có vị đắng, tính ấm, có tác dụng trừ phong thấp, sát trùng, chống ngứa, kích thích tóc mọc nhanh. Có thể sử dụng để chữa các chứng phong thấp, khớp xương đau nhức, ngứa đầu, ngứa da, cước khí (phù do thiếu vitamin B1) và làm đen râu tóc.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, nước sắc lá thông có tác dụng chống lão suy, có tác dụng kéo dài tuổi thọ trên động vật thí nghiệm, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.
Tinh dầu lá thông có tác dụng kháng khuẩn, có thể phòng ngừa cảm cúm và chữa viêm phế quản mãn tính. Hiện tại lá thông là nguyên liệu quan trọng trong công nghệ mỹ phẩm, thường được dùng để chế ra các mỹ phẩm dưỡng tóc và da.
Dưới đây là một số “mỹ phẩm thiên nhiên” mà bạn có thể tự chế biến từ lá thông, để bảo vệ sức khỏe và giữ gìn vẻ đẹp.
- Rượu thuốc trừ gàu, chống rụng tóc: Lá thông 500g, lá trắc bách diệp 200g, gừng tươi 100g, ngâm trong 3 lít rượu từ 15 đến 30 ngày. Dùng bông thấm rượu thuốc bôi lên toàn bộ da đầu, sau đó mát xa nhẹ, ngày 2-3 lần. Có tác dụng kích thích mọc tóc, chống rụng tóc, sát trùng, chống ngứa và trừ gàu rất tốt.
- Thuốc viên làm đen tóc: Dùng lá thông 200g, lá trắc bách diệp 150g, huyền sâm 100g. Tất cả nghiền thành bột mịn làm thuốc bột uống, hoặc luyện với mât ong làm thành viên to cỡ hạt ngô. Hàng ngày, tối trước khi đi ngủ uống 10-12g, chiêu thuốc bằng rượu ấm hoặc nước sắc đậu đen. Đây là bài thuốc cải tiến từ một phương thuốc cổ trong sách “Thái bình thánh huệ phương”, có tác dụng bổ âm huyết và làm cho tóc râu đen mượt.
- Chữa mất ngủ: Dùng lá thông 10 - 15g, thảo quyết minh (hạt muồng ngủ, sao cháy đen) 8g, sắc nước uống trong ngày.
- Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Dùng lá thông 30g, thái ngắn, sắc kỹ, lọc lấy nước, thêm 30 - 50g gạo, nấu cháo ăn trong ngày.
- Chữa trĩ hoặc âm nang lở loét, chảy nước: Dùng lá thông 50 - 100g, sắc lấy nước đặc, đổ vào chậu, chờ nước nguội, ngâm giang môn hoặc âm nang, ngày ngâm 2-3 lần, mỗi lần 30 phút.
- Chữa viêm da do lội nước: Dùng lá thông, lá ngải cứu, hai thứ lượng bằng nhau, ngâm rượu, lấy rượu thuốc bôi vào những chỗ da có bệnh.