Ông Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục tại Australia - nói về đề xuất bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi sách giáo khoa: "Tôi không phủ nhận giá trị nghệ thuật và sự thành công trong phong cách viết của nhà văn Nam Cao. Nhưng ở góc độ giáo dục, khi dạy trong chương trình lớp 11, tác phẩm có thể tác động tiêu cực đến học sinh, khiến các em dễ bị tiêm nhiễm cái xấu".
Quan điểm này của tác giả bị nhiều chuyên gia, giáo viên phản đối. Trả lời Zing.vn, ông Hiền cho rằng quan điểm ngược số đông nên được coi trọng và cần hỏi ý kiến học sinh.
- Nhận được nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo" khỏi sách giáo khoa, cảm xúc của ông như thế nào?
- Đa số dư luận không đồng tình với ý kiến của tôi, hầu hết đó là quan điểm của nhà văn, thầy cô dạy văn hoặc người yêu văn. Một bộ phận ý kiến và quan trọng nhất mà chúng ta bỏ quên chính là học sinh (không phải học sinh chuyên văn).
Tác giả Nguyễn Sóng Hiền là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục tại ĐH Newcastle (Australia). Ảnh: NVCC. |
Tôi rất tiếc vì hiện không có mặt ở Việt Nam, nếu không trước khi nêu quan điểm trên báo chí, tôi sẽ làm cuộc thăm dò ý kiến đối với học sinh lớp 11 và lớp 12 - những người đã và đang đọc tác phẩm này - để xem sự tác động của nó đến các em như thế nào?
Điều rút ra sẽ là trả lời của các câu hỏi: Các em học được cái gì? Điều gì đọng lại ở các em sau khi học nó? Giá trị giáo dục của nó là gì? Em nghĩ gì về hành động cầm dao giết Bá Kiến của Chí? Nếu gặp hoàn cảnh tương tự khi bị ai đó đẩy vào đường cùng, em nghĩ hành động giống Chí là cần thiết không?
Chúng ta nên thăm dò quan điểm của học sinh ở trường dân lập và công lập, không phải học sinh chuyên, sẽ có những nhận định và đánh giá chính xác hơn.
- Sau rất nhiều ý kiến phản đối, trong đó PGS Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa mới - ví đề xuất này là “đốt đền do vụng về và ngớ ngẩn”, ông vẫn bảo lưu quan điểm của mình?
- Tôi quan điểm một xã hội tiến bộ phải hướng tới sự tôn trọng những ý kiến khác nhau, thậm chí có thể đi ngược với cách nghĩ chung của số đông. Thực tế những cái mới, quan điểm mới đi ngược, chống đối tư duy truyền thống, đều dễ nhận sự phản kháng ban đầu.
Quay ngược lại quá khứ, nhà bác học Galile đã bị dân chúng treo cổ khi cho rằng Trái Đất quay. Sau này, thế giới phải thừa nhận nó là hình tròn. Cuộc sống là vậy, nếu không có những cá nhân dũng cảm đi tìm cái mới, thậm chí hiến thân mình vì bảo vệ những quan điểm và lý lẽ trái ngược với số đông, thế giới này sẽ đi về đâu?
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm nên bỏ tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa lớp 11 với thông điệp: “Giáo dục là cuộc sống” như nhà triết học, tâm lý học và nhà cải cách giáo dục vĩ đại John Dewey từng nói.
Cuộc sống có bao giờ đứng yên, nó vận động và thay đổi từng ngày, giờ. Vì vậy, một nền giáo dục tiến bộ cần phải thay đổi và bắt kịp những biến động của cuộc sống. Nếu giáo dục xa rời cuộc sống, không phản ánh thực tiễn, đó là nền giáo dục kinh viện, lạc hậu của thế kỷ trước.
- Điều gì khiến ông có niềm tin vào suy nghĩ “đi ngược số đông” của mình là đúng? Là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục, ông có thể chia sẻ quan điểm giáo dục của mình qua đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo"?
- Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cách mạng công nghệ thông tin, nơi mà thế giới phẳng hơn bao giờ hết. Việc tiếp cận tri thức của nhân loại trở nên bình đẳng. Chỉ đơn giản một cái click trên màn hình máy tính, bạn có thể nhìn thấy cả thế giới. Giáo dục vì vậy cũng phải được thay đổi để bắt kịp sự tiến bộ.
Sẽ có nhiều kiến thức và nội dung giảng dạy không còn phù hợp cách nhận thức, suy nghĩ của lớp trẻ. Chúng ta cần phải cân nhắc để thay thế nó, bổ sung kiến thức, tri thức phù hợp xu thế và nhận thức mới của các em.
Nó đặt ra yêu cầu cấp bách hơn đối với các nhà quản lý và thầy cô, khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung hay chương trình nào vào giảng dạy cần có cái nhìn thấu đáo, toàn diện hơn, xem nó có phù hợp đòi hỏi cuộc sống hiện tại không? Có tác động tiêu cực tới tâm lý và nhận thức các em không? Có giúp các em trong cuộc sống thực tế không?
Đừng bao giờ vì giá trị hàn lâm của kiến thức mà chúng ta bỏ quên và xem nhẹ những giá trị giáo dục đối với các em.
Một nền giáo dục dân chủ thật sự cần phải khai phóng bao gồm khai phóng cả tư duy và tư tưởng. Nếu chúng ta chỉ quẩn quanh với cách nhìn, tư duy cũ và luôn tự ru ngủ mình những giá trị truyền thống, làm sao có thể thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Nói về đề xuất của tác giả Nguyễn Sóng Hiền, TS Trịnh Thu Tuyết - nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội - nêu quan điểm tiến bộ trong văn học có khác với tiến bộ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Những thành tựu của khoa học thời kỳ trước sẽ trở nên lạc hậu và có thể bị đào thải bởi sự xuất hiện thành tựu khoa học thời kỳ sau ưu việt hơn.
Riêng văn học nghệ thuật, tác phẩm đã được khẳng định giá trị sẽ tồn tại vĩnh hằng. Những giá trị đích thực sẽ luôn được làm mới trong tầm đón nhận của mỗi thời đại nối tiếp.
TS văn học Phạm Hữu Cường cho rằng cần phải giữ lại tác phẩm của Nam Cao trong chương trình. Giáo viên giảng như thế nào để học sinh hiểu đúng tác phẩm, bởi trước đó, nó từng bị hiểu sai nhiều lần chứ không phải chỉ bây giờ. Dù như thế nào, tác phẩm này vẫn mang những giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
Giáo viên Trịnh Văn Quỳnh, THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, nêu quan điểm: Đề xuất của tác giả Nguyễn Sóng Hiền tưởng như hợp lý, logic. Tuy nhiên, dùng văn hóa, chuẩn mực đạo đức và pháp luật của thời hiện đại để phán xét câu chuyện của xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ đã là một sự không phù hợp.