Theo lời nhạc sĩ Hoàng Vân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạy Sử ở trường Thăng Long cùng anh trai của ông hồi Pháp thuộc. "Nhà tôi và nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một chút gọi là họ hàng hơi xa xa, bà con người Đồng Hới" - nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân. |
Với riêng cá nhân nhạc sĩ, có một kỷ niệm đến giờ vẫn nhớ mãi đó là có một lần chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với ông là: "Đi học về nếu không có gì thì viết tiếp những bài về Quảng Bình nhé". Lúc đó nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ biết nói: "Vâng ạ".
Bởi theo nhạc sĩ Hoàng Vân trước đó ông là bộ đội cùng với Trần Ngọc Sương, Ngô Sỹ Hiển. 3 người được Tổng cục chính trị gọi về để đi học ở nước ngoài. Và khi về rồi ông mới biết trong danh sách đề cử đó có bác Võ Nguyên Giáp.
"Lúc đó mặc dù tôi không phải là nhạc sĩ nhưng đã được mọi người biết đến bài Hò kéo pháo. Tôi có nghe một số người nói lại rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói nhất định phải cho tôi và một số đồng chí khác về để đi học nước ngoài. Và sau đó tôi mới thành nhạc sĩ" - nhạc sĩ Hoàng Vân bùi ngùi nhớ lại.
Nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ: "Khi tôi viết xong bài hát Hò kéo pháo tôi có phải là nhạc sĩ đâu, là bộ đội. Nhưng bác Giáp thấy bài hát hay mới bảo phải phổ biến trên tất cả các mặt trận. Còn bài Quảng Bình quê ta ơi cũng thế thôi. Lúc đó tôi đang ở trong Quảng Bình rồi, cũng đã vào nhà bác Giáp nhiều lần".
Nghe ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" qua giọng hát của NSND Thu Hiền. |
Tác giả ca khúc Hò kéo pháo xúc động nói bà xã của ông đọc báo chí và có nói lại cho ông biết về thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe ca khúc Quảng Bình quê ta ơi hàng ngày trong những ngày nằm trên giường bệnh. Cá nhân nhạc sĩ thấy rất cảm động về tình cảm mà Bác Giáp dành cho ca khúc này.
"Tôi năm nay đã 85 tuổi, nói chuyện với bạn thế này lúc nghe được lúc không. Mấy hôm nay sức khỏe lại yếu quá. Chứ đáng ra tôi phải ăn mặc quần áo tử tế để lên viếng bác Giáp một chút nhưng chân hiện nay không đi được, đi phải có người dìu" - nhạc sĩ Hoàng Vân nghẹn ngào.