Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tai biến sản khoa: 70% do quy trình

Trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tai biến sản khoa thì có hai là không thể biết trước được.

Thời gian qua, nhiều vụ tai biến sản khoa xảy ra làm một số bà mẹ, trẻ em tử vong. Phía gia đình, người thân hoang mang, lo lắng và nhiều khi phản ứng có phần tiêu cực với ngành y. Đâu là nguyên nhân mấu chốt của vấn đề tai biến sản khoa, giải quyết nó như thế nào? Bác sĩ-chuyên khoa II (BS-CKII) Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Từ Dũ  (TP.HCM), nhấn mạnh: “Ông bà ta thường nói “chửa cửa mả”, tức là cửa đi đẻ và cửa mồ sát bên nhau. Nói điều này để thấy rằng sức khỏe bà mẹ và trẻ em rất đặc biệt và nhạy cảm”.

Ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Thưa BS, thời gian qua liên tục xảy ra nhiều vụ tai biến sản khoa gây tử vong cho các bà mẹ và trẻ em. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu gây ra các ca tai biến này thì chưa được một cơ quan chức năng nào giải thích rõ với dư luận…

BS-CKII Trần Ngọc Hải (ảnh): Nghiên cứu các ca tai biến sản khoa cho thấy có ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho sản phụ là do băng huyết sau sinh, thứ hai là tiền sản giật - sản giật và thứ ba là thuyên tắc ối. Gần đây nhiều trường hợp tử vong còn kèm theo các bệnh lý nội khoa như viêm gan, rối loạn đông máu, các bệnh lý về tim mạch… Những bệnh lý này thường “ngủ yên” rất khó phát hiện, đến lúc sinh nó mới bùng phát.

BS-CKII Trần Ngọc Hải.

BS-CKII Trần Ngọc Hải.

- Xin BS giải thích rõ hơn về ba nguyên nhân bệnh lý hàng đầu nói trên, có cách nào phòng ngừa không?

Nguyên nhân thứ nhất là băng huyết sau sinh, chiếm 2/3 các ca tử vong ở bà mẹ. Nguyên nhân chính là do đờ tử cung. Thông thường, tử cung bà mẹ khi trẻ sinh ra sẽ co lại. Tuy nhiên, vì lý do nào đó tử cung không co được khiến máu chảy ra. Nguyên nhân khác là do rách tử cung, đứt mạch máu hay nhau bám chặt vào vết mổ cũ (nhau cài răng lược). Băng huyết sau sinh trong sản khoa được gọi là tai nạn sét đánh, bất ngờ và rất nặng. Khi chảy máu ồ ạt nếu không có đủ máu và nhân lực cùng phương tiện sẽ rất khó cứu.

Hơn hai năm trước, chị Nguyễn Thị Hải Yến (Phan Rang, Ninh Thuận) đã được bác sĩ báo cho gia đình chuẩn bị lo hậu sự vì bị nhau cài răng lược, băng huyết nhưng may mắn chị đã được cứu sống.

Hơn hai năm trước, chị Nguyễn Thị Hải Yến (Phan Rang, Ninh Thuận) đã được bác sĩ báo cho gia đình chuẩn bị lo hậu sự vì bị nhau cài răng lược, băng huyết nhưng may mắn chị đã được cứu sống.

Thứ hai là tiền sản giật - sản giật. Nguyên nhân gây tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén) là cao huyết áp do thai kỳ. Tiền sản giật gây tổn thương não và kèm theo hội chứng “heo” - vàng da, mắt, giảm tiểu cầu và rối loạn chức năng gan, phổi, suy đa cơ quan và có thể tử vong. Còn sản giật là tai biến của tiền sản giật, cũng gây tình trạng nhồi máu phổi, xuất huyết não, vỡ gan, rối loạn đông máu, suy thận… dẫn đến tử vong. Nhưng tiền sản giật có thể theo dõi được trong quá trình mang thai bằng khám định kỳ.

Thứ ba là thuyên tắc ối. Rất nhiều người nhà bệnh nhân hỏi: “Con tôi tốt, vợ tôi khỏe mạnh và vừa nói chuyện với tôi đây nhưng vừa vào phòng sinh thì chết…”. 90% của tai biến trên là do thuyên tắc ối. Đó là do nước ối chui vào mạch máu mẹ, lên phổi và gây tắc hệ thống huyết mạch ở phổi và tử vong. Theo WHO, tỉ lệ thai phụ bị thuyên tắc ối xảy ra là 1/20.000-30.000 ca sinh nhưng tỉ lệ tử vong đến 70%-90%. Đây là tai biến không ai biết trước được. Nó có thể xảy ra trước, trong và sau sinh. Hiện tại chưa có biện pháp nào phòng ngừa. Việc cứu được con hay không thì tùy theo điều kiện của từng bệnh viện.

Cần xem lại hệ thống khám, chữa bệnh

- Nhưng có nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân kiện vì cho rằng bệnh nhân tử vong là do sự tắc trách của nhân viên y tế?

Có sự cố xảy ra do tay nghề BS, do lỗi hệ thống (quy trình quản lý, quy trình chuyên môn khám, chữa bệnh) hoặc xảy ra tắc trách do BS chủ quan, không quan tâm đến bệnh nhân… Khi đối diện với mỗi ca tai biến, ngành y đều có hội đồng chuyên môn để điều tra và kết luận. Kết luận hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi xảy ra sự cố thì vấn đề hệ thống cần phải được xem xét trước vì nó chiếm tới 70%, còn lại yếu tố con người (sự tuân thủ của nhân viên y tế trong việc thực hiện các quy định) chiếm 30%.

- Sau các ca tai biến sản khoa, ngành y tế đưa ra kết luận đa số chưa làm hài lòng bệnh nhân, thậm chí có ý “bao che” cho nhau. BS nghĩ thế nào về nhận định này?

Đứng vai trò, vị trí người bệnh tôi cũng có băn khoăn và cũng đặt câu hỏi này. Thật ra khi có một ca tai biến xảy ra thì ngành y mang ra mổ xẻ một cách quyết liệt nhưng mục đích là để không lặp lại sai lầm chứ không phải để trừng phạt. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, phi công của Nhật khi hết đạn thì lao xuống biển vì không hoàn thành nhiệm vụ. Gần hết chiến tranh thì nước Nhật hết phi công giỏi, không có sự kế thừa. Còn phi công Mỹ hết đạn thì họ trở về căn cứ để đào tạo, huấn luyện trở lại cho các thế hệ sau.

Tại BV Từ Dũ nói riêng và các cơ sở điều trị khác nói chung không có văn hóa trừng phạt. Vì các vấn đề đều được phân tích rõ ràng bằng khoa học. 70% sai lầm là do lỗi hệ thống chưa hoàn thiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người chưa được đào tạo hết sức bài bản. Ở đây không bàn đến vấn đề y đức. Còn nếu người thầy thuốc đó vi phạm về y đức thì chắc chắn họ sẽ phải sớm bị loại ra khỏi ngành.

Xin cám ơn BS.

Số ca tử vong bà mẹ, trẻ em giảm dần

Do sự bùng nổ của truyền thông, nhất là Internet, các thông tin về tai biến sản khoa nhanh chóng đến với công chúng, tạo cảm giác tình hình tai biến gia tăng. Thực tế tỉ lệ tai biến sản khoa vẫn nằm trong mức cho phép.

Năm 1990, tỉ lệ tử vong của bà mẹ mang thai là 233/100.000 ca sinh. Đến năm 2010, tỉ lệ tử vong giảm xuống còn 68/100.000 ca sinh. Mục tiêu thiên niên kỷ phấn đấu đến 2015, tỉ lệ mẹ chết còn 58,3/100.000 ca sinh. Trong khi các nước phát triển hiện là 14/100.000 ca sinh.

Trong 10 năm qua, tỉ lệ trẻ em ở Việt Nam chết dưới một tuổi từ 58/10.000 ca sinh xuống còn 23/10.000 ca sinh và dự kiến sẽ kéo xuống còn 19/10.000 ca sinh vào năm 2015.

Có một tỉ lệ nhất định về tai biến

Trong ngành y có một tỉ lệ tai biến nhất định, đang xảy ra và tồn tại cùng lúc điều trị. Dù làm giỏi như Mỹ nhưng vẫn còn có những ca tai biến. Do vậy khi xảy ra tai biến, người nhà hãy bình tĩnh hợp tác với ngành y tế để cùng nhau giải quyết vụ việc. Riêng ngành y tế vẫn phải tiếp tục phấn đấu đào tạo bác sĩ giỏi chuyên môn và nâng cao thái độ, y đức.

BS-CKII Trần Ngọc Hải

http://plo.vn/suc-khoe/tai-bien-san-khoa-70-do-quy-trinh-516180.html

Theo Duy Tính/ Pháp luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm