Hang Lèn Hà là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt với bao thử thách khó khăn, gian khổ và hy sinh của cán bộ chiến sĩ Trạm cơ vụ A69, thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 134 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm cơ vụ A69 vào ngày 2/7/1972. Các anh, các chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân, dâng trọn cuộc đời để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, chúng ta thường nói về Con đường Trường Sơn vận chuyển, tiếp tế cho miền Nam mà ít người nói về Con đường Trường Sơn của thông tin liên lạc. Bác Hồ lúc sinh thời từng nói rằng: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác Cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”.
Nhiều chiến sĩ đã dâng tuổi thanh xuân, dâng trọn cuộc đời để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam. |
Nhiều chuyên gia cũng chia sẻ rằng: “Không có thông tin thì không có chỉ huy. Không có Trạm A69 thì không có chỉ huy vào chiến trường”.
Thông tin liên lạc quan trọng là vậy nên các Trạm thông tin thường xuyên là trọng điểm bắn phá của kẻ địch. Thế nhưng, bằng tinh thần yêu nước và khát khao cống hiến sức mình cho đất nước, bất chấp mọi hiểm nguy, nhiều chàng trai, cô gái tình nguyện viết đơn lên đường ra trận, gia nhập Trạm cơ điện A69 đóng tại Hang Lèn Hà, Quảng Bình. Đến với trạm đầu tuyến lửa A69 mỗi chiến sĩ đều “coi dây như ruột, coi cột như xương, coi thông tin là mạch máu” kiên trì bám trụ đảm bảo thông tin được xuyên suốt.
Vào lúc 13h ngày 2/7, trong lúc một bộ phận cán bộ, chiến sĩ đang lau chùi, sửa chữa khí tài, một bộ phận tăng gia sản xuất và một bộ phận đang chuẩn bị bữa ăn thì máy bay địch ập đến. 2 chiếc máy bay B57 từ biển hùng hổ lao vào ném bom A69. Chỉ trong vài phút ngắn ngủi, 1500m đường dây bị đứt nát và 13 chiến sĩ hy sinh.
13 chiến sĩ thông tin hy sinh cùng một lúc vào ngày 2/7/1972 |
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và 44 năm sự kiện Lèn Hà, để tưởng niệm những người con anh dũng đã ngã xuống, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ thực hiện chương trình mang tên Alo, Đây là A69. Chương trình diễn ra tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình và được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 3/7 trên kênh VTV1.
Alo, Đây là A69 là một chương trình được thực hiện theo một cách mới mẻ, chưa từng có trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam kết hợp nhiều hình thức thể hiện như phim truyền hình tương tác, talk show, phóng sự và trình diễn nghệ thuật.
Trong đó những cảnh phim truyền hình phục dựng lại cuộc sống, chiến đấu và hy sinh của những chiến sĩ Trạm A69 là xương sống kết nối mạch chương trình để từ đó những phần trò chuyện hay phóng sự sẽ dần mở ra câu chuyện xúc động, đầy ám ảnh về những con người cụ thể gắn với “sự kiện Lèn Hà” 2/7/1972. Mỗi người trong số họ cũng mang trong mình một ước mơ, khát vọng hạnh phúc sau khi chiến tranh kết thúc.
Đó là, chiến sĩ Trần Văn Xây, một ngày trước khi hy sinh, anh nhận được tin vợ đã sinh con trai. Chưa được nhìn mặt con một lần, anh đã ngã xuống.
Chiến sĩ Chu Thị Mạnh, vào chiến trường khi mới 15 tuổi và hy sinh khi vừa tròn 16. Không đủ tuổi đáng lẽ không được nhập ngũ nhưng cô gái ấy trèo lên cây dọa tự tử nếu không được đi bộ đội.
Hình ảnh nữ chiến sĩ được tái hiện trên truyền hình. |
Chiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, 16 tuổi nhập ngũ mang theo trong balo là chiếc khăn quàng đỏ và con búp bê nhỏ. Cô còn trẻ con đến độ đêm đêm không ôm búp bê là không ngủ được. Nghe tin cô chuẩn bị nhập ngũ, bố Lan Anh – đang ở chiến trường – xin về phép để gặp con gái. Nhưng khi ông ra đến ga cũng là lúc Lan Anh lên tàu ra đi. Nhìn hình ảnh bố dần mờ xa trên sân ga, cô gái nhỏ tìm mọi cách để gọi mà bố vẫn không nghe thấy.
Chiến sĩ Vũ Thị Lan với lời hẹn ước về quê tổ chức đám cưới. Năm 1972, cô Lan vừa tròn 22 tuổi – độ tuổi được xem xét ra quân về quê lập gia đình. Một ngày trước khi hy sinh, cô Lan còn trò chuyện với người yêu đang ở Trạm A10 ngoài Hà Nội hẹn nhau, sau này đất nước thống nhất, nếu cả hai còn sống sẽ về ra mắt gia đình và nên vợ nên chồng. Ngày 2/7 hôm đó, chỉ 1 ngày trước khi ra quân, cô đổi ca với một đồng nghiệp và rồi vĩnh viễn ra đi.