Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tái hiện vùng giải phóng ở 'đất thép' Củ Chi

Nằm trong Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, khu tái hiện vùng giải phóng thể hiện kiến trúc nhà cửa, cuộc sống, sinh hoạt, chiến đấu giai đoạn 1961-1972.

Công trình tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi thuộc Khu di tích địa đạo Củ Chi, TP HCM được xây dựng trên diện tích 38,5 ha. Hiện có 3 không gian được đưa vào hoạt động, phục vụ khách tham quan từ năm 2003.  
Không gian đầu tiên khi vào vùng giải phóng tái hiện lại thời điểm chiến tranh đặc biệt vào những năm 1961-1964. Khu này giới thiệu cuộc sống của người dân trong vùng mới giải phóng với khí thế, sự lạc quan, hăng hái tham gia phong trào cách mạng của người dân "Đất thép thành đồng" Củ Chi. 
Vào khu giải phóng, du khách sẽ có một cảm nhận rất thật, như được sống trong khung cảnh xưa, với những hình ảnh về cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập, sinh hoạt của người dân và cán bộ, chiến sĩ du kích trong vùng giải phóng Củ Chi. Trong ảnh: 3 người dân Củ Chi đang trên đường đi đào địa đạo phục vụ chiến đấu.
Trạm thông tin nằm giữa trung tâm, nơi thông tin về tiến độ đào địa đạo, thông báo về tình hình tòng quân và chiến đấu bằng bảng và loa, kẻng. Gần đó là nhà của gia đình trung nông, nơi bí thư, hội phụ nữ, an ninh xã đang họp bàn về tình hình chiến đấu và sản xuất của địa phương.
Căn nhà lá nhỏ nhắn bày trí đơn sơ, trên vách treo khẩu súng, chính diện sau bàn thờ trên vách có lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cho biết người chồng làm du kích xã đang tiếp nhận thanh niên đăng ký tòng quân. Bên gian bếp là các loại thúng, rổ, sàng, nia, đồ đánh bắt cá... của gia đình. Bình thường hai vợ chồng lo việc nhà, sản xuất, khi giặc càn thì chồng xách súng ra giao thông hào chặn giặc.
Không gian tái hiện lại thời điểm chiến tranh cục bộ vào những năm 1965-1968, là lúc cuộc chiến tranh đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng Củ Chi. Tất cả sự sống đều bị bom đạn tàn phá, nhưng quân dân Củ Chi trong cuộc chiến đấu giữ gìn mảnh đất quê hương với tinh thần quật khởi, lạc quan vào thắng lợi, luôn vững vàng. Quân và dân Củ Chi luôn hành động với khẩu hiệu "vừa sản xuất, vừa chiến đấu". Trong ảnh: Tái hiện hình ảnh chiến sĩ quân giải phóng cùng người dân hăng hái sản xuất nông nghiệp.
Quang cảnh sản xuất, bình yên trên cánh đồng Củ Chi, của một làng quê đặc trưng vùng Đông Nam bộ.
Hình ảnh tượng sáp tái hiện những phụ nữ của "đất thép" trong trang phục áo bà ba đặc trưng Nam bộ, đội mũ tai bèo đang trồng rau, tăng gia sản xuất trong vùng giải phóng. 
Khu họp chợ với những dãy nhà được làm bằng gỗ, tre, lợp mái tranh tái hiện hình ảnh người dân, du kích đi lại, mang các loại hàng hóa, nông sản tới trao đổi, mua bán, ăn uống như thường ngày… Quang cảnh chợ có quán cà phê, hủ tiếu, tiệm hớt tóc, sửa xe...
Khách tham quan sẽ có dịp cảm nhận như đang được sống trên mảnh đất Củ Chi anh hùng, kiên cường vào thời gian không xa với làng xã chiến đấu, với hệ thống địa đạo nhiều tầng, nhiều lớp làm quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hoà khiếp sợ.
Phía trước một căn nhà vách đất, mái tranh là hình ảnh 2 người đàn ông đang rèn nông cụ sản xuất, chế tạo vũ khí sau khi thu gom các loại vũ khí, mảnh bom đạn của địch. Bên trong nhà là một phụ nữ đang vót những chiếc chông nhọn sắc để làm bẫy bảo vệ vùng giải phóng.
Qua tới khu vực trường học là tiếng trẻ đọc bài ê a từ một gian lớp. Lớp học vách đất, mái tranh, không cửa, được bao quanh bởi giao thông hào. Cô giáo đứng bên bảng đen, phía dưới chừng 10 chiếc bàn với đám học trò nhỏ. Cô và trò được làm bằng tượng sáp, một buổi học được phục dựng bằng âm thanh, hành động rất sống động khi cô giáo giảng bài học trò giơ tay đứng phát biểu.
Trong khu khu tái hiện vùng giải phóng có một hình ảnh đặc biệt, lực lượng vũ trang và nhân dân Củ Chi chào mừng nhà báo Wilfred Burchett người Australia tới thăm và ở với du kích trong địa đạo năm 1963. Wilfred Burchett là nhà báo của những cuộc chiến, ông ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ. Ông là phóng viên phương Tây hiếm hoi từng sống cùng với bộ đội Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc và chiến trường miền Nam trong hai cuộc chiến tranh của người Việt Nam chống lại quân đội Pháp và Mỹ. 
Không gian tái hiện lại vùng trắng ở Củ Chi của những năm 1969-1972, phản ánh cuộc chiến tranh đến đỉnh cao của sự ác liệt. Nơi đây tái hiện hình ảnh của vùng đất Củ Chi trở thành khu tự do oanh kích. Quân đội Mỹ đã ném xuống hàng trăm tấn chất độc hóa học, hàng trăm ngàn tấn bom, đạn pháo để tàn phá vùng đất này, biến nơi đây thành một vùng đất trắng hoang tàn không nhà, không cửa, không còn sự sống trên mặt đất… chỉ có những xác xe tăng, máy bay, xe quân sự, xe ủi nằm chỏng chơ. Cuộc sống và sinh hoạt của quân dân du kích Củ Chi và các đơn vị lực lượng võ trang được chuyển xuống lòng đất. Ảnh: diadaocuchi.com.vn.

Lê Quân

Bạn có thể quan tâm