Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tai nạn chực chờ trong trường mầm non

Một phụ huynh có hai con đang ở lứa tuổi mầm non tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết chưa bao giờ chị thấy sợ những cuộc điện thoại từ giáo viên trường của con như dạo gần đây.

Trong nửa đầu năm nay, hàng loạt vụ tai nạn xảy ra đối với trẻ mầm non ngay trong trường học - môi trường ngỡ là an toàn nhất. Bên cạnh những tai nạn té gãy tay, chân hay phỏng nước sôi thì thương tâm nhất là vụ học sinh mầm non tại quận 9, TP.HCM bị cánh cửa tủ thư viện đè gây tử vong trong lúc đi tham quan.

Người lớn sơ suất, trẻ con lãnh đủ

Ở quận 3 (TP.HCM), chỉ trong vòng hai tháng qua đã xảy ra một vụ trẻ gãy xương đòn và ba trẻ bị phỏng thức ăn ngay trong trường mầm non. Nguyên nhân đều do sự chủ quan, sơ suất của người lớn.

Ban giám hiệu các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM tham quan, học tập kinh nghiệm bố trí đồ chơi, thiết bị dạy học tại Trường mầm non Bé ngoan, Q.1, TP.HCM.
Ban giám hiệu các trường mầm non trên địa bàn TP.HCM tham quan, học tập kinh nghiệm bố trí đồ chơi, thiết bị dạy học tại trường mầm non Bé ngoan, quận 1, TP.HCM.

Chị A., mẹ một trong ba trẻ bị phỏng, kể: “Tôi đang đi làm thì nhận điện thoại của giáo viên nói bé bị phỏng phải vào viện. Tôi đơ người, chạy tới nơi nhìn con chỉ biết khóc và cầu trời. Bé bị phỏng thức ăn ở ngay ngực, vết phỏng khoảng một bàn tay người lớn. Sau sáu ngày nằm viện, bé được về nhà. Gia đình coi đây là chuyện xui rủi nên cũng không trách ai, chỉ mong nhà trường cẩn thận hơn”.

Theo chị A., chị rất kỹ tính, trước khi gửi con đã tham quan, tìm hiểu trường rất kỹ, từ nhà bếp đến nhà tắm, phòng học rồi mới quyết định. Chị gửi con từ hồi 18 tháng tuổi và cho biết trường chăm sóc con rất tốt, khi gặp chuyện chị rất bất ngờ vì lại có thể xảy ra tai nạn như vậy.

Tai nạn xảy ra rất nhanh khi các bé đang tập văn nghệ ở sân, cô cấp dưỡng đẩy xe thức ăn qua hành lang đến các lớp học, xe bị trật bánh, nồi thức ăn đổ xuống và văng trúng người ba bé đang chạy ở gần đó. Sau vụ việc, nhà trường đã túc trực tại bệnh viện để lo cho học sinh, đồng thời rút kinh nghiệm sâu sắc về tai nạn trên.

Trước đó, dư luận chưa hết bàng hoàng trước vụ việc một trẻ mầm non bị cánh cửa tủ thư viện làm bằng bêtông đè chết

Khi được giáo viên đưa đi tham quan trường tiểu học ở quận 9. Câu hỏi đặt ra là tại sao một công trình tiềm ẩn nguy cơ tai nạn như vậy lại được đưa vào sử dụng, tại sao không ai phát hiện mức độ nguy hiểm của cánh cửa được thiết kế rất nặng nhưng cũng rất lỏng lẻo, có thể rơi bất cứ lúc nào? Câu trả lời là từ trước đến nay chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm cho những đơn vị được cử kiểm tra cơ sở vật chất, thiết bị ở trường học để chỉ ra những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn. Đến khi có tai nạn xảy ra thì... chuyện đã rồi.

Bà Lê Minh Loan, trưởng Phòng GD - ĐT quận 9, cho biết: “Sau vụ việc quận đã có văn bản chỉ đạo các trường kiểm tra toàn bộ trang thiết bị, công trình ở trường học, báo cáo những thiết bị xuống cấp, có nguy cơ gây tai nạn, trong đó có cả công trình Nhà nước và công trình xã hội hóa từ các nguồn khác nhau. Đặc biệt là những thiết bị, công trình được treo trên cao, không an toàn, không được bảo vệ... Trước đó, quận cũng rút kinh nghiệm và kiểm điểm về sự việc xảy ra ở tất cả các khâu liên quan. Ngoài việc trường báo cáo, phòng giáo dục cũng sẽ có bộ phận chuyên môn đi kiểm tra, thẩm định lại những công trình có nguy cơ gây tai nạn”.

Nhìn đâu cũng thấy nguy cơ

Sở GD - ĐT TP.HCM đã thống kê những tai nạn thường xảy ra trong trường mầm non, trong đó có những tai nạn tiềm ẩn từ những thiết bị tưởng chừng rất an toàn: tai nạn do kệ đồ chơi đổ vào người, đập đầu vào các cạnh sắc nhọn của tủ, gãy tay khi chơi cầu trượt, chấn song cầu thang có khoảng cách rộng và có thanh ngang (trẻ dễ trèo lên và té), phỏng do nồi canh nóng, ngạt do nuốt, ngậm bóng, bi...

Cuối tháng 5 vừa qua, Sở GD - ĐT TP.HCM đã làm việc tại nhiều trường mầm non để kiểm tra việc bố trí các trang thiết bị dạy học, đồ chơi, thiết bị giáo dục thể chất... Theo ghi nhận của phòng giáo dục mầm non, hiện nhiều trường mầm non do thiếu sân chơi, không gian chật hẹp nên phải tận dụng các ngách, hành lang để bố trí sân chơi, thiết bị vận động cho trẻ. Nhiều sân chơi nằm sát bãi để xe máy, nguy cơ trẻ bị phỏng ống bô xe có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Đồ chơi được đặt gần các kệ, tủ của trẻ, dễ dẫn đến tai nạn va đập vào tủ.

Mặt khác, ở khá nhiều trường chưa phân khu trò chơi cho trẻ dẫn đến trẻ nhỏ chơi chung với trẻ lớn, trẻ tập xe đạp chơi chung với trẻ đá bóng... cũng dễ gây tai nạn xô ngã. Sở đã tập huấn chuyên đề đổi mới trang thiết bị giáo dục thể chất cho trường mầm non theo hướng an toàn hơn, khuyến khích trẻ học tích cực và đa dạng hơn đến tất cả trường mầm non trên địa bàn thành phố.

Những mối đe dọa chính đối với trẻ

Theo đề tài “Một số tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em trong trường mầm non, nguyên nhân và giải pháp” của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, với những trường hợp trẻ trên 1 tuổi tử vong, 25% là do bệnh, 75% còn lại là do tai nạn. 

Khi khảo sát với giáo viên ở trường mầm non, kết quả cho thấy 86,5% tai nạn thường gặp là do té ngã; 11,3% do nghẹt, tắc đường thở; 4,5% do vật sắc nhọn; 2,3% do ngộ độc, ngạt nước... Đề tài cũng chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ gặp tai nạn là cơ sở vật chất, đồ chơi, đồ dùng không đảm bảo an toàn, hiểu biết của giáo viên về các nguyên nhân, cách phòng tránh, sơ cấp cứu trẻ còn thiếu và do tỉ lệ trẻ đông, khả năng quan sát, kiểm soát của giáo viên bị hạn chế.

 

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/612656/tai-nan-chuc-cho-trong-truong-mam-non.html

Theo Lưu trang (Tuổi trẻ)

Bạn có thể quan tâm