Trong suốt 40 năm qua (1974-2014) các đoàn học sinh giỏi Toán Việt Nam thường nằm trong topten tại các kỳ Olympic Toán học quốc tế, với 52 huy chương vàng. Những thành tích xuất sắc và đầy ấn tượng đó thật sự rất đáng trân trọng và tự hào. Bởi nó không chỉ khẳng định khả năng tư duy của người Việt mà còn khuyến khích tinh thần học tập, góp phần phát triển đất nước.
Ông Phan Phương Đạt, người liên tiếp giành huy chương IMO trong hai năm 1987 và 1988. Hiện ông là Phó hiệu trưởng ĐH FPT. |
Và để tiếp mạch những chia sẻ của những tài năng Toán học từng tham gia IMO ngày ấy bây giờ, PV đã có cuộc trao đổi với ông Phan Phương Đạt, người liên tiếp giành huy chương IMO trong hai năm 1987 và 1988. Hiện, ông là Phó hiệu trưởng ĐH FPT.
- Một số ý kiến cho rằng, những thế hệ vàng này chưa đóng góp xứng tầm cho đất nước với tài năng thực có sau những thành tích được cả thế giới công nhận? Ông nghĩ sao về điều này?
- Nhận định “xứng tầm” hay không thực ra mang tính chủ quan của người đánh giá, cho nên rất khó bình luận. Cá nhân tôi, qua những gì mình nhìn thấy ở bản thân và các anh chị, bạn hay các đàn em về sau, cùng là những thành viên IMO thì thấy mọi người đều thành công cả.
Việc thi toán ở bậc phổ thông chứng tỏ các học sinh đi thi có tiềm năng nhất định, tuy nhiên không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc họ sẽ phải trở thành nhân tài này nọ.
Ông Phan Phương Đạt từng là cựu học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.
Từng hai năm liên tiếp giành huy chương Olympic Toán học quốc tế. Cụ thể là Huy chương Đồng năm 1987 và huy chương Bạc năm 1988.
Ông tốt nghiệp ngành Toán ứng dụng và sau đó lấy tấm bằng Phó tiến sỹ xuất sắc tại ĐHTH Kishinhov (Moldova).
- Trong số những thành tích đạt được tại các kỳ IMO, 9 người đạt điểm tuyệt đối và 6 người từng 2 lần liên tiếp giành được HCV. Có thể kể đến một số gương mặt xuất sắc như: Ngô Bảo Châu, Lê Bá Khánh Trình, Lê Hùng Việt Bảo… Nhưng nhiều người vẫn đặt thắc mắc tại sao đến thời điểm này nền Toán học của Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng tầm?
- Lại một nhận định chủ quan về khái niệm “xứng tầm”. Thực tế mình đang ở đâu thì đó chính là “tầm”, làm sao lại có chuyện không xứng?
Cá nhân tôi thấy chả có lý do gì mà nền Toán học Việt Nam phải đứng cao hơn nơi nó đang đứng. Tất nhiên, thực tế là nến Toán học nước nhà đang phấn đấu vượt lên cao hơn, nhưng không có nghĩa là kém hơn cái “đáng phải có”.
- Trong những nguyên nhân, có phần nào do việc nước ta luyện “gà nòi” xong rồi lại bỏ ngỏ sau đó, khiến những tài năng không có cơ hội phát triển đúng mức có thể?
- Ngày xưa thì có, vì có nhiều người bị hạn chế về cơ hội học tập, ví dụ không được đi học nước ngoài vì lý do lý lịch. Nhưng ngày nay cơ hội ngày càng nhiều, nên nhiều khả năng các bạn trẻ sẽ có cơ hội thành công hơn.
Giờ đây, các bạn ấy có thể được học ở những trường Đại học hàng đầu thế giới như ở Mỹ, Pháp, Nhật,… Cùng đó là có những cơ hội được làm việc với những tài năng xuất sắc nhất thế giới.
- Nhiều ý kiến cho rằng điều kiện làm việc và cơ hội phát triển bản thân ở nước ngoài hơn hẳn ở Việt Nam. Vậy tại sao ông lại quyết định công tác ở quê hương?
- Lựa chọn sinh sống và làm việc ở đâu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, phần quan trọng trong đó không liên quan đến điều kiện làm việc. Cá nhân tôi thấy mình ở Việt Nam thì tốt hơn nên ở, chứ cũng chẳng so sánh gì nhiều. Cũng có thể không biết chừng vài năm nữa lại không làm việc tại Việt Nam nữa.
Tôi nghĩ rằng, thời đại toàn cầu hóa như hiện nay, có lẽ không nên quá quan tâm đến chuyện làm việc ở ngay nước mình hay là nước ngoài.
- Hiện đang là Phó giám đốc Đại học FPT, có nghĩa là xác định không theo hướng nghiên cứu Toán học, ông có chia sẻ gì về lựa chọn của mình?
- Ngay từ khi đi thi Toán quốc tế tôi đã nhận thấy mình không có đủ đam mê để tiếp tục theo đuổi ngành Toán. Cho nên đã quyết định chọn theo hướng khác. Sau đó thì công việc nó lại tiếp tục lái mình đi, đến giờ bản thân mình cũng không hiểu tại sao. Vì không biết mình thích làm gì, nên tôi đành chọn cách thích việc mình đang làm.
- Theo ông, với những thành công chúng ta đạt được trên trường quốc tế, chúng ta đã có thể hài lòng và thấy xứng đáng so với tiềm năng thực tế của nước ta?
Nếu ý bạn là về những thành công đạt được trong việc tham gia những kỳ thi Toán quốc tế, thì tôi nghĩ cứ duy trì như hiện nay là được. Còn nếu nói về phát triển và đạt thành tựu trong nghiên cứu Toán học thì tất nhiên ai chả muốn nước nhà có nhiều thành tựu hơn. Tôi tin rằng với ảnh hưởng của việc hội nhập thế giới phần nào sẽ giúp các bạn trẻ sẽ tỏa sáng hơn hẳn các lứa đàn anh.