Cận ngày thi THPT quốc gia, các đối tượng cho thuê thiết bị gian lận thi cử vẫn ngang nhiên giao dịch với khách hàng, tăng giá dịch vụ. Trong đó, giá thuê tai nghe siêu nhỏ đã tăng thêm 100.000 đồng/ngày.
Lần theo địa chỉ quảng cáo trên mạng, chúng tôi liên hệ với đối tượng có cửa hàng nằm trên phố Kim Mã. Trong vai người đi mua tai nghe cho kỳ thi diễn ra ngày mai, chúng tôi trao đổi với người đàn ông về sản phẩm này.
Theo đúng mô tả được đăng trên mạng, bộ sản phẩm gồm hai tai nghe không dây, chỉ nhỏ bằng đầu bút bi, 2 cục pin 9V, micro siêu nhỏ và một bộ phát sóng truyền tín hiệu.
Người bán hàng hướng dẫn, để sử dụng thiết bị, đầu tiên thí sinh cần nhét hạt tai nghe vào sâu trong tai. Tiếp đó, cắm giắc của thiết bị vào điện thoại, đeo máy phát cảm ứng vòng quanh cổ và giấu tất cả vào trong quần áo. Người bên ngoài phòng thi dùng một điện thoại khác, gọi đến số máy của thí sinh. Thí sinh bấm vào nút micro siêu nhỏ được giấu gần phía cổ để thực hiện hành vi trao đổi với bên ngoài.
Khi chúng tôi bày tỏ lo sợ việc giám thị phát hiện, người bán hàng cam kết đây là sản phẩm tuyệt đối an toàn, thiết bị được giấu bên dưới quần, giám thị không được phép kiểm tra, trừ khi tại điểm thi có thiết bị dò sóng chuyên dụng. Sau khi rời khỏi phòng thi an toàn, thí sinh chỉ cần dùng một thanh sắt để hút hạt tai nghe ra khỏi lỗ tai.
Thiết bị được giao bán tràn lan trên mạng. |
Bên cạnh việc quảng cáo công dụng của sản phẩm, người này còn tư vấn cho thí sinh cách qua mặt giám thị phòng thi. "Đừng viết tất cả các thời gian, hãy dừng lại và giả vờ bạn đang suy nghĩ. Đừng nhìn vào các giám thị như một người có cái gì đó che giấu", người này nói.
Sản phẩm được quảng cáo trên mạng với mức giá cho thuê 400.000 đồng/ngày. Liên hệ sát ngày thi, mức giá tăng lên 500.000 đồng.
Thông tin gây nhiễu
Trước mỗi kỳ thi, mạng Internet lại xuất hiện những thông tin chào bán tai nghe siêu nhỏ, thuốc tăng cường trí nhớ hay những tài liệu không chính thống như đề tiên tri, mẹo thi trắc nghiệm,...
Khác với đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT công bố, những "đề tiên tri" trên mạng thường có xu hướng thu hẹp quá mức nội dung ôn tập. Những bộ đề tiên tri này thường được phát tán từ trang web của các trung tâm giáo dục, luyện thi.
Cách gọi "đề tiên tri" với mục đích câu khách khiến nhiều sĩ tử hiểu nhầm đây là những câu hỏi sẽ có trong đề chính thức. Bên cạnh đó, việc nhiều trung tâm cùng phát tán đề tiên tri với nội dung khác nhau khiến cho sĩ tử hoang mang và ảnh hướng xấu đến tâm lý ôn thi.
Đề tiên tri môn Vật lý của một trung tâm giáo dục tại Thanh Hóa. |
Đề thi tiên tri xuất hiện tràn lan trên mạng. Nhiều thí sinh còn in thành tài liệu để tiện cho việc học "tủ". |
Trước thực trạng vẫn còn nhiều thông tin nhiễu sát ngày thi, Bộ GD&ĐT đã có trao đổi, phối hợp các lực lượng an ninh để hạn chế tối đa những thông tin này.
Đối với những thiết bị như tai nghe siêu nhỏ, Bộ đã nhắc nhở các hội đồng thi tăng cường tập huấn giám thị để phát hiện thiết bị bằng cách quan sát những động tác bất bình thường của thí sinh trong quá trình làm bài thi.
Bên cạnh đó, mỗi thí sinh cũng cần nhận thức rõ những nguy hại từ các sản phẩm này. Tránh thông tin "nhiễu" khiến mất tập trung, tạo tâm lý không tốt trước kỳ thi.