Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại nơi nhà cho người chết có thể đắt hơn bất động sản hạng sang

Những tòa nhà đặt tro cốt người đã khuất ở Hong Kong đang nhanh chóng hết chỗ dù có giá đắt hơn đáng kể so với bất động sản hạng sang.

Các nghĩa địa ở Hong Kong đang ngày càng khan hiếm vị trí trống. Ảnh: CNN.

Tại tháp Shan Sum cao 12 tầng ở Hong Kong, một không gian diện tích không lớn hơn hộp đựng giày có giá tới 53.000 USD. Địa điểm này không dành cho những cư dân bình thường, thay vào đó, đây là nơi yên nghỉ dành cho những người đã khuất, theo CNN.

Nơi yên nghỉ đắt đỏ

Tòa tháp cao tầng Shan Sum có thiết kế hình quạt uốn lượn, các không gian lưu trữ tro cốt được lá đá cẩm thạch. Đây là địa điểm đặt tro cốt của 23.000 người. Ngay cả tại nơi được mệnh danh là thành phố đắt đỏ nhất thế giới, mức giá 53.000 USD/lô vẫn được coi là không hề dễ chịu.

Bên cạnh các suất đặt hũ tro đơn, khách hàng có thể lựa chọn những vị trí đặt 2 hũ tro có giá 76.000 USD. Thậm chí, có những lựa chọn dành cho cả dòng họ lên tới 8 hũ tro với giá 430.000 USD.

Mỗi vị trí đặt tro cốt tiêu chuẩn có diện tích 1 m2. Với giá 53.000 USD, không gian tại tháp Shan Sum đắt hơn đáng kể so với những bất động sản đắt đỏ nhất tại Hong Kong. Ví dụ, một biệt thự tại khu vực The Peak sang trọng được đấu giá hồi tháng 3 ở mức 32.000 USD/m2.

hong kong nha o anh 1

Tháp Shan Sum ở Hong Kong. Ảnh: CNN.

Thế nhưng, tháp Shan Sum vẫn chưa phải là địa điểm đắt đỏ nhất dành cho người đã khuất tại Hong Kong.

Theo Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong, địa điểm đắt nhất là một khu tổ hợp ở vùng ngoại ô Phấn Lĩnh. Mỗi vị trí đặt tro cốt có giá 660.000 USD, chưa bao gồm phí quản lý ít nhất 25.000 USD cho bảo trì và phụ phí.

Tuy vậy, những "lăng mộ" do tư nhân quản lý như Shan Sum không bảo đảm nơi yên nghỉ lâu dài cho người đã khuất. Tro cốt chỉ có thể được cất giữ tại đây trong khoảng thời gian giấy phép hoạt động của cơ sở này do chính quyền Hong Kong cấp.

Giấy phép thường chỉ có thời hạn 10 năm và quá trình thẩm tra cấp phép tốn nhiều thời gian. Giấy phép hoạt động của Shan Sum có thời hạn tới 2033.

Trong tiếng Hoa, Shan Sum có nghĩa là "trái tim nhân từ". Nơi đây không đơn giản chỉ là chỗ để đặt tro cốt của người đã khuất.

Ulrich Kirchhoff, kiến trúc sư là tác giả của tòa nhà, cho biết tòa nhà có 20% diện tích là không gian mở, cùng sân thượng, những ban công lộng gió, vườn cây, giúp tạo ra không gian thoáng đãng cho gia đình tới thăm người thân ở thế giới bên kia.

Tòa nhà cũng được thiết kế phù hợp với thẩm mỹ Á Đông, cấu trúc cao tầng lượn sóng mô phỏng các nghĩa địa truyền thống của Trung Quốc. Sham Sun được xây trên một sườn đồi cao hợp với phong thủy.

Tòa nhà được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như máy hút ẩm, hệ thống điều hòa. Sham Sun có ứng dụng điện thoại cho phép gia đình đặt trước lịch để mang đồ cúng tới cho người thân.

Tại Sham Sun, các tầng được chia để dành cho từng tôn giáo khác nhau. Ví dụ tại tầng dành cho người theo đạo Phật và tín đồ của Quan Âm, không gian được thiết kế với những góc nhỏ thoáng mát và nhiều ánh sáng.

Tại tầng dành cho người không có tín ngưỡng, mỗi ngăn để tro cốt được thiết kế với mái nhà kiểu Trung Quốc, cửa đôi được trang trí hình đồng tiền vàng tượng trưng cho sự sung túc của cuộc sống sau cái chết.

Nhu cầu ngày càng cao

Tháp Sham Sun là đứa con tinh thần của Margaret Zee, nữ doanh nhân đã ngoài 70 tuổi hiện điều hành quỹ từ thiện xã hội. Người phụ nữ cho biết tưởng nhớ tới người đã khuất là điều rất quan trọng trong văn hóa Trung Quốc, vì thế nhiều người sẵn sàng chi không tiếc tiền.

"Hành trình cuối cùng của người thân không chỉ là để họ đi về thế giới bên kia, mà còn là để chúng ta, những người bị bỏ lại dương thế, tiễn biệt họ. Chúng ta không chỉ chôn cất, chúng ta mang tới sự bình yên cho những người đã đi xa", bà Zee nói.

Nữ doanh nhân cho biết năm 2007, khi tìm nơi tổ chức lễ tưởng niệm và chôn cất người chồng quá cố, bà gặp nhiều khó khăn bởi khi đó không có đủ diện tích ở Hong Kong. Đây là nguyên nhân thôi thúc bà hành động.

hong kong nha o anh 2

Bên trong tháp Shan Sum. Ảnh: CNN.

Tại Hong Kong, chênh lệch giữa cung và cầu đã khiến giá bất động sản tăng cao ngất ngưởng, điều này ảnh hưởng tới cả những nơi đặt tro cốt của người chết.

Dù hơn 90% người Hong Kong lựa chọn hỏa táng, không gian dành cho người đã khuất cũng đang ngày càng chật chội. Một phần nguyên nhân bởi thay vì rải tro cốt người thân, người Hoa thường muốn có một địa điểm đặt tro cốt để họ tới thăm viếng, thờ cúng.

Trong 10 năm trở lại đây, Hong Kong có khoảng 46.000 người chết mỗi năm. Các "lăng mộ" vì thế khó có thể tăng kịp đáp ứng tình hình thực tế.

Hiện chỉ có dưới 135.000 điểm đặt tro cốt trống tại các cơ sở do chính quyền quản lý. Giá thuê là khoảng 300 USD/vị trí trong 20 năm, tuy nhiên sự cạnh tranh cho những nơi này rất khốc liệt. Nhiều gia đình đã đăng ký danh sách chờ để có những địa điểm đặt tro cốt này.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ 2017, chính quyền Hong Kong đã cấp phép cho 14 địa điểm do tư nhân điều hành bảo quản tro cốt.

Cuộc chiến đất hiếm giữa Mỹ và Trung Quốc

Mỹ đang tìm nhiều cách vực dậy ngành công nghiệp đất hiếm, vốn có ý nghĩa rất quan trọng với các sản phẩm công nghệ cao, sau nhiều năm nguồn cung lệ thuộc vào Trung Quốc.

Vì sao Fed liên tục tăng lãi suất nhưng vẫn không thể đè bẹp lạm phát

Lạm phát tại Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển đang tỏ ra khó kiểm soát hơn so với những thời kỳ biến động trước đây, dù các ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm