Sau khi kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, TAND TP.HCM đã phát hành Bản án và đăng công khai lên Cổng thông tin của tòa.
Ngoài mức án cụ thể của từng bị cáo, tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ hơn 30.081 tỷ đồng cho 35.824 người bị hại. Ngoài ra, bị cáo Lan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 30,2 tỷ đồng.
Đối với việc phong tỏa và ngăn chặn giao dịch tài khoản mở tại các ngân hàng, tại phiên tòa, các bị cáo Lan, Trương Vincent Kinh và Nguyễn Hữu Hiệu đề nghị dùng toàn bộ số dư trong tài khoản để khắc phục hậu quả. Nhận định việc yêu cầu trên là tự nguyện, không trái quy định pháp luật, nên HĐXX ghi nhận và tiếp tục duy trì phong tỏa tài khoản để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Lan trong toàn bộ vụ án.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tại phiên tòa, bị cáo Lan đề nghị HĐXX hủy bỏ phong tỏa đối với các tài khoản và sổ tiết kiệm cho 2 con gái là Chu Duyệt Hằng và Chu Duyệt Phấn. Tuy nhiên, theo HĐXX, 3 tài khoản tiết kiệm liên kết với 3 sổ tiết kiệm có tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng do bà Chu Duyệt Hằng đứng tên đã được giải quyết theo Bản án sơ thẩm 157 (giai đoạn 1), nên tòa không xem xét giải quyết trong vụ án này.
Đối với 7 tài khoản do bà Chu Duyệt Phấn đứng tên có tổng số tiền gần 47 tỷ đồng và 7 tài khoản do ông Trương Lập Hưng (cháu bị cáo Lan) đứng tên với tổng số tiền hơn 64 tỷ đồng, cơ quan điều tra hiện chưa xác minh làm rõ nguồn gốc. Do đó, HĐXX giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C03) tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Với tài khoản của bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Lan), HĐXX xét thấy quá trình điều tra, xét xử bị cáo đã nộp khắc phục toàn bộ hơn 33 tỷ đồng liên quan đến hành vi “Rửa tiền”. Bị cáo này cũng không có nghĩa vụ bồi thường dân sự liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo khác. Do đó, HĐXX đã hủy bỏ lệnh phong tỏa tài khoản của bị cáo Chu Lập Cơ.
Đối với tài khoản đứng tên em trai bị cáo Lan là ông Trương Mễ mở tại Ngân hàng Eximbank có số dư 10 tỷ đồng, HĐXX nhận định quá trình điều tra chưa đủ căn cứ xác định tài sản trên liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo. Đồng thời, vợ ông Trương Mễ là bị cáo Ngô Thanh Nhã cũng không có nghĩa vụ bồi thường trong vụ án này và bị cáo cũng đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả 10 tỷ đồng. Vì thế, HĐXX đã hủy bỏ việc ngăn chặn giao dịch đối với tài khoản của ông Mễ.
Liên quan đến các tài sản của 3 người đã chết gồm các ông bà Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Nguyễn Tiến Thành (cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt) và Nguyễn Ngọc Dương (cựu Tổng giám đốc, Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula và Công ty CP phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam), hiện cơ quan điều tra chưa xác minh, làm rõ nguồn gốc tài sản. Do đó, HĐXX kiến nghị C03 tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản của 5 bị can bị truy nã trong giai đoạn 1 (gồm Đinh Văn Thành, Nguyễn Thị Thu Sương, Chiêm Minh Dũng. Trầm Thích Tồn và Nguyễn Lâm Anh Vũ), hiện cơ quan điều tra đã tiến hành ngăn chặn 33 tài khoản ngân hàng và 31 bất động sản.
Trong quá trình chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử, một số cá nhân liên quan đã cung cấp tài liệu thể hiện các tài sản trên đã được chuyển nhượng lại cho nhiều người khác hoặc đang thế chấp tại ngân hàng. Thời điểm chuyển nhượng, thế chấp là trước, trong thời gian các bị cáo làm việc tại Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này chưa được C03 làm rõ. Vì vậy, HĐXX kiến nghị C03 tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.