Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài sản trên xe hơi biến mất trong 20 giây

Ít ai biết rằng, tội phạm trộm cắp tài sản trên xe hơi ở Việt Nam đã âm thầm cập nhật những thủ đoạn vốn chỉ có ở nước ngoài.

8h ngày 16/1, một người phụ nữ dừng chiếc Honda Civic bên lề đường Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) để đưa con vào lớp học.

Khi chủ xe vừa khuất tầm nhìn, một thanh niên nhanh chóng áp sát chiếc xe. Một tiếng động mạnh vang lên, kính hông xe vỡ vụn. Đúng lúc đó, 2 bảo vệ đang làm nhiệm vụ gần đó phát hiện đã hô hoán nên tên trộm phải bỏ chạy, không kịp đem theo chiếc túi xách để trên ghế lái.

Tại hiện trường, cửa kính bên hông xe đã vỡ vụn, thủ phạm để rớt lại một chiếc vam phá khóa hình chữ T (chuyên dùng để phá khóa xe máy), đầu nhọn hoắt.

Vụ việc khi được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đã gây nên một "cơn bão" trên các diễn đàn dành cho những người đi xe hơi trên cả nước. Hàng trăm bình luận và chia sẻ trên mạng đã lộ một sự thật trần trụi và đáng lo ngại: đây không phải là vụ việc đầu tiên từng xảy ra.

Chiếc Honda Civic của chị T. bị đập vỡ kính, nhưng may mắn chưa bị mất đồ.

Theo chia sẻ của các thành viên trên diễn đàn Otofun, trước đó vài ngày, một người phụ nữ đón con tại một trường tiểu học trên đường Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng trở thành nạn nhân của loại tội phạm mới này. Đáng tiếc, người phụ nữ này đã bị kẻ trộm lấy đi một chiếc túi, trong đó có 1 điện thoại và 12 triệu đồng.

Một thành viên khác trên diễn đàn này cho biết thêm, theo thông tin người này nắm được nhưng chưa được kiểm chứng, cũng đã có 3 vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn một trường tiểu học tại Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội).

Một điều tra viên (ĐTV) có thâm niên đấu tranh với các ổ nhóm trộm cắp cho phóng viên biết, hành vi trộm cắp tài sản trên ôtô bằng cách mở trộm cửa xe ở Việt Nam không còn là loại tội phạm mới.

Nhưng việc đập vỡ kính để trộm cắp tài sản đã gây bức xúc, vì nó tạo ra tâm lý khá "sốc" đối với nạn nhân và dư luận khi chứng kiến cửa kính xe hơi (vẫn là một tài sản khá lớn đối với người dân) bị đập vỡ vụn.

"Đây là thủ đoạn manh động, nhưng theo nhận định ban đầu, kẻ trộm không phải là dân trộm đồ trên xe hơi chuyên nghiệp. Khi mang "đoản" đi "ăn hàng" xe máy, có cơ hội, chúng nhanh chóng ra tay", ĐTV này nhận định.

"Nhưng cũng không loại trừ khả năng sau khi trót lọt được 1-2 lần, những đối tượng này sẽ trở thành một băng nhóm trộm đồ trên xe hơi chuyên nghiệp. Việc tấn công vào phụ nữ đưa đón con đi học vào lúc sáng sớm chứng tỏ chúng đã nghiên cứu rất kỹ càng thói quen của các bậc phụ huynh, cũng như tâm lý của những người lái xe là phụ nữ".

Theo phân tích của ĐTV này, đặc thù của các bậc phụ huynh đưa con đi học vào buổi sáng là khá vội vã, để còn tranh thủ kịp đến chỗ làm. Trong khi đó, mặt bằng của các trường mẫu giáo và tiểu học hiện nay ở các thành phố lớn không đủ để có chỗ đỗ xe an toàn.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh thường tranh thủ đỗ xe tại một góc nào đó rồi tất tả đưa con vào lớp. Chỉ cần một góc khuất hợp lý, và phụ huynh đang vội vã không còn chú tâm quan sát đến chiếc xe hơi, 15-20 giây là quá đủ cho một tên trộm phá cửa kính lấy tài sản trong xe.

Không những thế, phần lớn phụ nữ lái xe hơi đưa con đi học đều là những người có điều kiện kinh tế. Bản thân chiếc túi xách của họ sử dụng đã là một tài sản không nhỏ, chưa kể đến tiền bạc, đồ trang sức, điện thoại, ví và phụ kiện… ở bên trong.

Hơn nữa, phụ nữ khi bắt gặp người khác đang trộm cắp tài sản của mình thường có phản xạ không tốt, hoặc sợ hãi, hoặc đang vướng con nhỏ, khiến cho kẻ phạm tội có thể ung dung tẩu thoát mà không gặp phải bất cứ sự truy đuổi nào.

Qua quá trình công tác lâu năm, bản thân ĐTV này đã không ít lần đấu tranh với những tay trộm ranh mãnh, đã kịp thời "cập nhật" những công nghệ mở cửa xe hơi từ nước ngoài, bằng những dụng cụ không ai ngờ đến.

Những "siêu trộm" không còn cần đến những bộ vam phá khóa cầu kỳ và dễ lộ khi bị kiểm tra hành chính nữa. Công cụ phạm tội đã được đơn giản hóa đến mức không ai ngờ tới: một đoạn dây giày, một chiếc móc áo bằng nhôm, một miếng nhựa plastic cắt ra từ túi đựng hồ sơ, thậm chí từ một quả bóng tennis cũ hay quả bóng nhựa trị giá vài ngàn đồng…

Chỉ với một thanh inox dẹt như thế này, cửa xe sẽ được mở trong vòng 20 giây.

Với những chiếc xe hơi đời cũ, hoặc đời mới nhưng vẫn sử dụng công nghệ cũ, có chốt khóa lộ ra trên kính lái, những "siêu trộm" giải quyết vấn đề chỉ vẻn vẹn trong vòng 15 giây!

Trong tay một sợi dây giày, "siêu trộm" chỉ cần thắt một nút thòng lọng ở giữa đoạn dây, kéo miếng cao su nẹp phía trên cửa, lồng sợi dây vào, hai tay cầm hai đầu dây kéo mạnh xuống. Sợi dây sẽ chạy men theo khe cửa xuống đúng tầm chốt cửa. Xoay nhẹ sợi dây, nút thòng lọng sẽ vướng vào chốt cửa. "Siêu trộm" chỉ cần kéo ngược lên là khóa cửa đã mở.

Loại chốt cửa bên trong dạng tròn, không có mấu để móc dây… cũng không làm khó được kẻ trộm đồ. Chỉ với một quả bóng tennis hoặc bóng nhựa được khoét một lỗ tròn nhỏ, chúng sẽ ốp phần lỗ khoét đó vào ổ khóa xe. Một cú dập mạnh vào quả bóng, phần hơi bị ép đột ngột sẽ tác động vào ổ bi, khiến cho chốt cửa tự động bật lên.

Đối với những chiếc xe hơi có hệ thống chốt cửa được đưa sâu về phía trước, đồng thời nằm âm vào hốc của tay nắm mở cửa, những "siêu trộm" sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhưng cũng không đáng kể, chỉ chừng 30 giây! Một chiếc tua-vít được kê vào để cạy phía trên cánh cửa, tạo ra một khe hở. Chiếc móc áo bằng nhôm được duỗi thẳng ra đưa vào móc tay nắm cửa trung tâm ở ghế lái rồi giật khẽ: hệ thống khóa đã bị vô hiệu hóa.

Những "siêu trộm" ở Việt Nam còn có một điều kiện thuận lợi vô cùng "khách quan": hệ thống báo động cảm ứng khi có người lạ chạm vào xe của những chiếc xe đời mới, hiện đại thường được chính chủ nhân của chiếc xe chủ động tắt đi.

Nguyên nhân rất đơn giản: với điều kiện chỗ đỗ chật hẹp ở các thành phố lớn, với mật độ giao thông dày đặc ở Việt Nam, việc đỗ một chiếc xe ở bên đường rồi kích hoạt hệ thống cảnh báo có người lạ chạm vào xe, thường là đem lại cho chủ xe… sự phiền toái!

Chiếc xe sẽ liên tục nháy đèn và kêu inh ỏi, và chủ xe sẽ trở nên "kỳ dị" trong mắt mọi người vì đã gây ra tiếng động lớn. Hơn nữa, nếu chẳng may chủ xe không có mặt ở gần đó, khả năng hết ắc-quy và phải gọi xe cứu hộ  là… rất cao.

Trong trường hợp cuối cùng, khi nhìn thấy tài sản có giá trị hiện ra trong tầm mắt, mà thời gian quá gấp rút, hoặc không có tay nghề mở cửa, những kẻ trộm manh động sẵn sàng đập vỡ cửa kính bên hông của xe để nhanh chóng lấy đồ.

Đối với chủ xe, những tấm kính bao xung quanh chiếc xe tưởng chừng như rất an toàn và vững chãi. Nhưng thực ra, đó chỉ là...  trong tưởng tượng! Đối với những tên trộm, kính xe hơi không khác gì một thứ đồ chơi, có thể đập vỡ trong nháy mắt.

Bản chất, hệ thống kính bên và kính sau của xe hơi được chế tạo bởi những tấm kính an toàn gia nhiệt (tempered). Chúng được chế tạo bằng cách nung nóng chảy rồi làm lạnh thật nhanh. Quá trình này tạo ra một loại kính có độ chịu lực gấp 10 lần kính thông thường, và khi bị vỡ, nó tạo ra những mảnh vụn không có cạnh sắc, đảm bảo sự an toàn cho người ngồi trên xe.

Nhưng loại kính an toàn này cũng có điểm chí mạng: kẻ trộm chỉ cần dùng một vật nhọn tác động lên mặt kính tạo điểm nứt, rồi lấy cùi chỏ thục mạnh, tấm kính sẽ vỡ tan tành.

Sự tham lam của những tên trộm trước những món đồ để trong xe, nhiều khi chẳng hề đáng giá, đã khiến cho khổ chủ nhiều khi dở khóc dở cười, khi kính xe bị đập vỡ tan tành, và tiền sửa xe còn lớn gấp hàng chục lần số đồ bị mất. 

Vì vậy, bất kỳ món đồ nào có thể sử dụng được, từ vật có giá trị như hệ thống định vị GPS cho tới những thứ lặt vặt như bao thuốc, chiếc bật lửa, thậm chí vài chục cent tiền lẻ… đều phải được cất kỹ khuất khỏi tầm mắt khi đỗ xe, dù nhanh hay lâu. Chỉ cần sơ sểnh để lộ ra, cửa kính xe sẽ vỡ tan tành, và món đồ sẽ biến mất trong tay những người vô gia cư nồng nặc mùi men, hay những tên trộm chuyện nghiệp…

Khi xe hơi trở thành một thứ phương tiện giao thông phổ cập ở Việt Nam, chắc chắn tội phạm trộm cắp liên quan sẽ không chỉ dừng ở chuyện mất gương chiếu hậu, logo hay cần gạt mưa… Hiểu rõ, cảnh giác và đề phòng trước loại tội phạm không mới, nhưng chưa bùng phát này, sẽ giúp cho các chủ xe tránh được những tình huống đáng tiếc.

Chiếc Honda Civic của chị T. bị đập vỡ kính, nhưng may mắn chưa bị mất đồ.
Chiếc Honda Civic của chị T. bị đập vỡ kính, nhưng may mắn chưa bị mất đồ.
Chiếc Honda Civic của chị T. bị đập vỡ kính, nhưng may mắn chưa bị mất đồ.

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/hosointepol/2014/3/82621.cand

An ninh thế giới

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm