Khi nhắc đến nghề y, mọi người thường nghĩ ngay đến chiếc áo blouse trắng. Thậm chí, một số còn cho rằng bệnh viện chính là nơi gắn liền với gam màu sáng này.
Vậy bạn có bao giờ tự hỏi tại sao chiếc áo đại diện cho nghề cao quý lại mang màu trắng khi các bác sĩ phải liên tục làm việc trong môi trường dễ bám bẩn?
Từ đen chuyển sang trắng
Thời xưa, y học được xem là lĩnh vực của phù thủy, pháp sư và thầy lang, những người không được đào tạo chính thống. Họ chỉ mặc quần áo bình thường ngay cả khi thực hiện phẫu thuật trong phòng mổ.
Theo Stale, chiếc áo choàng trắng dài đến gối bắt nguồn từ trang phục của những nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm và chính thức được sử dụng vào đầu thế kỷ XX.
Hình ảnh chiếc áo blouse sơ khai nhất được các bác sĩ mặc vào thế kỷ XV. Ảnh: duncan1980. |
Trước blouse trắng, áo choàng đen được dùng trong phòng xét nghiệm sinh học, vi trùng học nhằm giúp mọi người dễ nhìn thấy bụi bẩn. Giai đoạn này, phương pháp chữa bệnh còn sơ đẳng nên tỷ lệ tử vong do bệnh tật và dịch cao. Vì vậy, các bác sĩ cùng thống nhất chọn màu đen để bày tỏ sự tôn trọng đối với người chết.
Các nhà khoa học còn phát minh ra nhiều loại thuốc và phương pháp chữa bệnh nhưng bác sĩ áp dụng không đem lại hiệu quả. Do đó, người dân ngày càng mất lòng tin vào những người làm nghề y.
Với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, các phương pháp trong y học được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ tử vong giảm dần, sức khỏe con người được nâng cao. Lâu dần, màu đen khiến mọi người liên tưởng đến sự buồn bã. Do đó, các bác sĩ bắt đầu chuyển sang mặc áo blouse trắng và quần dài từ năm 1915.
Ngoài ra, chiếc áo trắng cũng tạo ra cảm giác yên tâm hơn cho các bệnh nhân, giúp đảm bảo môi trường vô trùng và xoa dịu tâm lý. Màu trắng cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho cuộc sống, sự tinh khiết.
Áo blouse chuẩn phải có cổ bẻ danton, cài cúc giữa, dài hoặc ngắn tay, chiều dài ngang gối. Ngoài ra, phía trước áo còn có 3 túi, phía sau xẻ giữa tới ngang mông...
Ngày nay, kate Mỹ, kate Itlay là những loại vải được chọn để may áo blouse vì có tác dụng thấm hút mồ hôi nhanh, mềm mịn, tạo sự thoải mái và bền.
Các diễn viên Hàn Quốc đảm nhận vai bác sĩ thường trông trẻ trung nhờ biết kết hợp trang phục bên trong. Ảnh: SBS. |
Tranh cãi chưa hồi kết
Đến nay, việc sử dụng áo trắng trong ngành y vẫn không nhận được sự ủng hộ từ nhiều người. Họ cho rằng màu trắng rất dễ bám bẩn và là biểu tượng xa lánh sự tôn nghiêm của ngành y.
Trong khi đó, một số người làm trong nghề vẫn ủng hộ màu trắng vì cho rằng nó giúp họ thấy trách nhiệm hơn, khiến bệnh nhân thoải mái.
Trên thế giới, việc mặc áo choàng trắng vẫn được các sinh viên y, bác sĩ coi trọng, bởi họ coi đó là bước khởi đầu.
Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát, hầu hết bệnh nhân tin tưởng bác sĩ hơn nếu họ mặc áo blouse trắng, thay vì quần áo bình thường hay màu tối.
Trùng tên với trang phục phụ nữ
Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu ăn mặc của con người cũng tăng cao. Ngày nay, áo blouse còn là tên gọi khác của chiếc áo sơ mi nữ không ôm sát cơ thể, có chi tiết ren, đường xếp ly, tay phồng hay loe điệu đà.
Những kiểu áo blouse dần được biến đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ảnh: bookmischief. |
Lâu dần, kiểu áo này càng được nâng cấp, biến đổi để phù hợp với nhịp sống hiện đại. Những chiếc áo đơn giản, truyền thống nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch vốn có, tôn lên vẻ đẹp nhẹ nhàng của phái đẹp.
Trong năm 2019, hội chị em liên tục lăng xê kiểu áo tay bồng hay cổ dựng. Nó còn mang tính ứng dụng cao khi giúp họ phối dễ dàng cùng quần hoặc váy, phù hợp với môi trường công sở hay sự kiện quan trọng.