Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tại sao các kim loại nặng như chì lại có trong thức ăn cho trẻ nhỏ?

Việc kim loại nặng như chì có nhiều trong thức ăn trẻ em khiến nhiều người lo lắng. Các chuyên gia khuyên bố mẹ cho trẻ ăn bột yến mạch, đậu, chuối và tránh cà rốt, khoai lang.

Hàm lượng chì cao được phát hiện trong nhiều thực phẩm cho trẻ nhỏ. Ảnh: iStock.

Theo New York Times, gần đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Mỹ) đã lập kế hoạch mới nhằm loại bỏ hàm lượng chì lớn khỏi thực phẩm dành cho trẻ em như khoai lang nghiền, nước sốt táo và ngũ cốc khô. Hành động này là một phần trong dự định loại bỏ kim loại nặng khỏi thực phẩm của trẻ nhỏ.

Trong nhiều năm, các chuyên gia chuyên nghiên cứu về y tế công cộng, người tiêu dùng và chính phủ tiết lộ ngũ cốc, gạo và các mặt hàng khác dành cho trẻ nhỏ, kể cả sản phẩm từ thương hiệu lớn, đều có mức độ thạch tín đáng lo ngại.

Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ gói gọn trong trách nhiệm của các nhà máy sản xuất thức ăn trẻ em. Các kim loại như cadmium và thủy ngân thường xâm nhập vào cây trồng khi cây vẫn đang bám sâu vào đất, hút chất dinh dưỡng từ đất bị ô nhiễm hoặc từ các hợp chất tự nhiên.

Cách kim loại nặng xâm nhập vào thực phẩm ngay từ đầu

Mưa rửa trôi chất ô nhiễm từ các nhà máy, bãi rác, lô thức ăn gia súc hoặc từ khí thải ôtô trên đường vào hồ, sông và suối.

Theo Laurie Beyranevand, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp và Hệ thống Thực phẩm tại Đại học Luật Vermont, những chất gây ô nhiễm này có thể tồn tại trong nước ngầm, các dòng tưới tiêu và làm ô nhiễm cây trồng hoặc đất.

kim loai nang anh 1

Kim loại nặng xuất hiện trong nước bị ô nhiễm. Sau khi nông dân dùng nước này tưới cây, chúng sẽ ngấm vào đất và cây trồng. Ảnh: iStock.

Arthur Villordon, giáo sư chuyên về trồng khoai lang tại Đại học Louisiana, cho biết một số kim loại xuất hiện tự nhiên trong đất. Nhưng những loại khác có thể xâm nhập vào cây trồng qua một số loại phân bón và thuốc trừ sâu. Với thực vật như rau xanh, kim loại nặng đặc biệt dễ bị tồn đọng trong trong lá, rễ hoặc quả.

Evelyn Rusli, đồng Giám đốc điều hành của Yumi, công ty thực phẩm trẻ em từng thử nghiệm rộng rãi các thành phần và sản phẩm của họ, nói việc cây trồng hấp thụ kim loại nặng từ đất ô nhiễm không phải lý do duy nhất.

Kim loại nặng còn có thể xâm nhập vào thức ăn trẻ em thông qua các chất phụ gia như hỗn hợp vitamin tăng cường.

Tại sao điều này gây lo ngại cho trẻ sơ sinh?

Kim loại nặng vốn không tốt cho người lớn, nhưng chúng lại càng có hại hơn với trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi lớn rất nhanh. Ở giai đoạn này, chúng phát triển các hệ cơ quan quan trọng của cơ thể và đặt nền móng cho sức khỏe tim mạch, miễn dịch và não bộ suốt đời.

Vì trẻ em nhỏ hơn nhiều so với người trưởng thành, một ít chất độc cũng có thể gây hại. Chúng cũng chuyển hóa chất độc kém hiệu quả hơn so với người lớn. Ví dụ, theo Học viện Nhi khoa Mỹ, chỉ một lượng chì nhỏ đã ảnh hưởng đến hành vi, IQ và thành tích học tập của trẻ.

Chúng ta nên tránh những sản phẩm nào?

Các loại thực phẩm có hàm lượng kim loại nặng thấp nhất bao gồm đậu Hà Lan, đậu xanh, bí đỏ và chuối. Báo cáo cho biết đậu, trứng và thịt mềm trong thức ăn trẻ em là nguồn cung cấp protein có hàm lượng kim loại thấp.

kim loai nang anh 2

Những nhà nghiên cứu khuyên chúng ta ăn nhiều đậu vì loại cây này có mức kim loại nặng thấp nhất. Ảnh: iStock.

Một gợi ý khác là hãy ăn nhiều loại trái cây và rau quả thay vì phụ thuộc nhiều vào cà rốt và khoai lang vì 2 loại thực phẩm này có mức độ nhiễm kim loại nặng cao.

Thực phẩm có được thử nghiệm trước khi tung ra thị trường không?

Mặc dù một số công ty thực phẩm có theo dõi mức độ độc tố trong sản phẩm, họ không bắt buộc phải báo cáo kết quả cho người tiêu dùng hoặc liệt kê chúng trên nhãn sản phẩm.

FDA có yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm đảm bảo sản phẩm của họ an toàn nhưng FDA lại đặt rất ít giới hạn thực tế cho các chất độc cụ thể.

kim loai nang anh 3

Thực tế, giới hạn về lượng kim loại nặng trong thực phẩm trẻ em vẫn chưa được quy định nghiêm ngặt. Ảnh: iStock.

FDA đã đặt ra lệnh “giới hạn hành động” đối với arsen vô cơ trong ngũ cốc gạo bán trên thị trường cho trẻ sơ sinh. Họ cũng đề xuất giới hạn đối với chì trong nước trái cây.

Tuy nhiên, những giới hạn này giống như những giới hạn trước đó về lượng chì trong thức ăn trẻ em: Chúng không đặt ra một tiêu chuẩn nghiêm ngặt nào. Thay vào đó, họ cứ như tạo ra các hướng dẫn để các nhà sản xuất thực phẩm tự nguyện tuân theo.

Nếu FDA phát hiện một công ty có lượng kim loại nặng vượt quá mức cho phép, FDA có thể thực thi hành động cưỡng chế như thu hồi sản phẩm, tịch thu thực phẩm hoặc đề nghị truy tố hình sự.

Làm gì để loại bỏ kim loại khỏi thực phẩm?

Tiếc thay rửa sạch sản phẩm cũng không thể khiến kim loại nặng trôi khỏi thức ăn. Nhưng các nhà khoa học cho biết có những kỹ thuật nông nghiệp giúp làm giảm mức độ kim loại thấm vào cây trồng.

Nông dân có thể kiểm tra đất và sử dụng các cánh đồng bị ô nhiễm để trồng các loại cây không có xu hướng hấp thụ kim loại, chẳng hạn đậu.

Bà Beyranevand, ở Đại học Luật Vermont, cho biết nông dân cũng có thể dùng những cánh đồng có đất không đạt tiêu chuẩn để trồng hoa oải hương hoặc các loại cây trồng không ăn được.

kim loai nang anh 4

Chuyên gia đề xuất nông dân trồng hoa hoặc các loại cây không dùng làm thực phẩm ở những khu đất nhiễm kim loại nặng. Ảnh: iStock.

Nông dân đang cố gắng giảm độc tố bằng cách trồng các loại cây như hoa hướng dương và cây bạch dương vì chúng hút tạp chất ra khỏi đất rất hiệu quả. Sau đó, họ sẽ vứt cây đi.

Theo báo cáo của Healthy Babies Bright Futures, các chuyên gia nông nghiệp đang nghiên cứu hàng trăm loại thực vật mà con người ăn để xác định loại nào ít có khả năng chứa kim loại nặng nhất.

Mục Sức khỏe giới thiệu cuốn Ăn gì không chết. Cuốn sách là một khảo cứu của bác sĩ Michael Greger sau khi ông xem xét tỉ mỉ 15 nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chết trẻ ở Mỹ để giải thích tại sao can thiệp dinh dưỡng và lối sống có thể giúp ta khỏe mạnh hơn, ví dụ như mối liên hệ giữa thịt gà và ung thư tuyến tụy, hoặc bệnh tiểu đường và đậu.

Nhiều chất độc trong đất có thể gây hại cho tim

Kim loại nặng, thuốc trừ sâu và nhiều chất độc hại khác trong đất có thể gây các bệnh tim mạch, đột quỵ và loạn nhịp tim.

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm