Theo tờ Korea Times, Quốc hội Hàn Quốc đang xem xét miễn trừ nghĩa vụ quân sự bắt buộc với các thành viên BTS. Việc này gây tranh luận suốt thời gian qua. Nhiều người hoài nghi việc miễn nghĩa vụ quân sự cho BTS vì những thành công họ làm được trên thị trường quốc tế là thiếu công bằng.
Chủ đề này một lần nữa trở thành tiêu điểm gây tranh cãi trong những ngày giữa tháng 4 khi Hạ nghị sĩ Sung Il Jong của Đảng Quyền lực Nhân dân - người giữ chức thư ký điều hành cho Ủy ban Quốc phòng Quốc hội - nói với đài MBC việc miễn nghĩa vụ quân sự cho BTS đang được thảo luận.
BTS xứng đáng được miễn nghĩa vụ quân sự?
Ông Sung Il Jong cho biết quốc hội đang nhanh chóng xem xét dự luật để cung cấp cơ sở pháp lý cho BTS. Hạ nghị sĩ Seong Il Jong giải thích: "Giành huy chương vàng Olympic có tác dụng thúc đẩy kinh tế khoảng 259 tỷ won. Trong khi đó, việc giành vị trí đầu tiên trên Billboard có tác động thúc đẩy kinh tế 600 tỷ won một giây. BTS đã đứng đầu trong 17 tuần cho đến nay và nhóm đang mang lại lợi ích quốc gia khoảng 56.000 tỷ won (khoảng 45,5 tỷ USD)".
Ông Sung Il Jong nói: “Vì đây là vấn đề liên quan đến công bằng và lợi ích quốc gia nên tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ sự bất đồng nào giữa đảng cầm quyền và phe đối lập”. Ông Sung Il Jong cho biết hai đảng chính có lập trường tích cực về dự luật.
BTS có nhiều tuần đứng đầu bảng xếp hạng Billboard. |
Dự luật có thể được thông qua trong một kỳ họp quốc hội đặc biệt được ấn định sẽ triệu tập vào tháng này, trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae In kết thúc (tháng 5). Phát biểu của Sung Il Jong được đưa ra hai ngày sau khi HYBE - công ty giải trí đứng sau BTS - yêu cầu hội đồng sớm đưa ra kết luận về vấn đề này.
HYBE tuyên bố trong một cuộc họp báo ở Las Vegas rằng các thành viên gặp khó khăn khi lên kế hoạch cho tương lai vì vấn đề nhập ngũ chưa được quyết định. Nếu dự luật không được thông qua, Jin - thành viên lớn tuổi nhất của nhóm - phải nhập ngũ vào tháng 12 tới.
Giám đốc Truyền thông Lee Jin Hyung của HYBE khẳng định: "Những thay đổi gần đây trong vấn đề nghĩa vụ quân sự của các thành viên khiến chúng tôi rất khó để phỏng đoán. Điều đó khiến việc các thành viên gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch cho tương lai".
Theo luật, tất cả nam giới Hàn Quốc có thân hình cân đối trong độ tuổi từ 18 đến 28 phải phục vụ ở quân đội trong khoảng hai năm.
Cuộc thảo luận xung quanh việc miễn nhập ngũ của BTS lần đầu tiên được đề cập vào tháng 9/2020, khi họ trở thành nhóm nhạc Kpop đầu tiên ra mắt ở vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ với ca khúc Dynamite. Ngay cả Tổng thống Moon Jae In sau đó cũng cảm ơn các ca sĩ vì đã nâng cao "niềm tự hào về Kpop".
Các chính trị gia cũng phản ứng nhanh chóng. Một số nhà lập pháp sau đó đã đệ trình đề xuất sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự để cho phép các nghệ sĩ nhạc pop có thành tích lớn ở nước ngoài được hoãn nghĩa vụ quân sự.
Vào tháng 12/2020, Quốc hội thông qua một dự luật cho phép các nam nghệ sĩ văn hóa đại chúng được công nhận trên toàn cầu hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Việc này giúp họ quản lý sự nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, với thành tích đứng đầu Billboard hay là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được đề cử Grammy của BTS, nhiều người cho rằng nhóm xứng đáng được miễn chứ không chỉ là hoãn nghĩa vụ quân sự.
Dư luận tranh cãi
Theo luật hiện hành, những người từng đoạt huy chương Olympic và các nhạc sĩ cổ điển đoạt giải thưởng quốc tế cũng được miễn nghĩa vụ quân sự. Họ được ghi nhận đóng góp trong việc nâng cao danh tiếng của đất nước ở nước ngoài.
Nhóm nhạc gặp khó khăn vì dự luật nghĩa vụ quân sự chưa được quyết định. |
Ví dụ, cầu thủ bóng đá Hàn Quốc Son Heung Min - người đang chơi cho Tottenham Hotspur của giải Ngoại hạng Anh - được miễn trừ nhập ngũ vào tháng 9/2018 sau khi đội tuyển quốc gia Hàn Quốc đánh bại Nhật Bản để giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao châu Á.
Trước thành công của BTS, nhiều người cho rằng việc miễn nhập ngũ chỉ áp dụng với các vận động viên và nhạc sĩ cổ điển là thiếu công bằng. Theo đó, luật cần được sửa đổi để áp dụng với cả ca sĩ đại chúng. Hiện tại, văn hóa đại chúng Hàn Quốc đang có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tầm vóc toàn cầu của quốc gia. Vào năm 2018, Viện nghiên cứu Hyundai ước tính chỉ riêng BTS đã tạo ra hiệu quả kinh tế 4,14 nghìn tỷ won (3,54 tỷ USD) cho nền kinh tế Hàn Quốc hàng năm.
"Nếu ai đó hỏi liệu thành tích của BTS có ngang bằng với huy chương vàng Olympic hay không, tôi sẽ trả lời có", một tài khoản ủng hộ việc miễn nghĩa vụ quân sự cho nhóm. Người này viết thêm: "Mọi người nên biết điều đó trừ khi họ là những kẻ ngốc nghếch".
Một người khác cho biết BTS "có tác động rất lớn đến lợi ích kinh tế của quốc gia". Tuy nhiên, nhiều người có quan điểm ngược lại. Họ cho rằng việc miễn trừ nhập ngũ cho các ngôi sao nhạc pop là đi ngược hoàn cảnh xã hội hiện nay. Xã hội hiện tại hướng tới sự công bằng, đặc biệt với nam thanh niên ở độ tuổi 20.
Trước đó nhiều sao Hàn đã bị chỉ trích vì né tránh nghĩa vụ quân sự. PSY nổi tiếng với bản hit toàn cầu năm 2012 Gangnam Style nhưng đến nay vẫn bị chỉ trích vì bỏ bê nhiệm vụ khi thực hiện nghĩa vụ vào năm 2007. Cựu ca sĩ người Mỹ gốc Hàn Yoo Seung Joon bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc từ năm 2002. Anh này bị cáo buộc bỏ quốc tịch Hàn Quốc để tránh phục vụ trong quân đội.
"Những người này đã đóng góp công ích gì? Họ đã cứu đất nước chúng ta khỏi chiến tranh ư?", một người phản đối việc miễn nghĩa vụ cho BTS bày tỏ. Một số thậm chí cho rằng nên hủy bỏ sự ưu ái với cả các vận động viên lẫn nhạc sĩ.