Tại hội thảo bàn chuyện tự học, tự nghiên cứu của giáo viên thầy Huỳnh Văn Thế (Trường THPT Măng Thít, Vĩnh Long) trao đổi, giáo viên nhận thấy điều mình nghiên cứu không mang lại lợi ích trực tiếp cho bản thân. Ngoài ra, do thói quen thụ động, chờ đợi tập huấn, chỉ đạo từ lãnh đạo nên GV không quen tự tìm tòi, nghiên cứu. Ở trên nói xuống, nhiều vấn đề không hợp lý, họ cũng gật đầu làm theo một cách rất máy móc
Nhiều giáo viên bậc tiểu học, THCS cũng góp tiếp nói chuyện giáo án nhiều thứ vụn vặt hơn bậc THPT. Mỗi năm họ lại phải tập huấn một kiểu, cái cũ phải chỉnh sửa hoặc thay mới nên chuyện copy trên mạng rồi chỉnh sửa cũng chẳng hiếm.
Công việc của giáo viên hiện nay được thầy Thế đúc kết "Giáo án của giáo viên phổ thông thật khủng khiếp".
Nguyên nhân do đâu?
Hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) Nguyễn Tùng Lâm đồng cảm, giáo viên có quá nhiều việc, họ có đủ loại giáo án phải soạn. Lãnh đạo thì thường cứ trên chỉ đạo sao dưới làm vậy dẫn tới triển khai công việc máy móc, thụ động.
Ảnh minh họa. |
Hiệu phó một trường THPT tại TP.Hải Phòng bổ sung: “Giáo án không chỉ 2 cột hoạt động của giáo viên và học sinh mà còn phải bổ sung những gì giáo viên ghi lên bảng. Như vậy là quá chi tiết, không cần thiết.
Chuyện họp hành một tuần anh phải sinh hoạt chuyên môn một lần, hàng tháng họp tổng kết. Nếu là đảng viên anh phải thêm một cuộc nữa. Chưa kể trường vẫn hay họp khi có hoạt động đột xuất vì hay có thanh kiểm tra… Ở Việt Nam là thế, lúc nào cũng sính hội họp, bàn bạc mà có khi chả làm gì”.
“Rồi năm nào cũng sáng kiến kinh nghiệm (SKKN). Sao mà lắm thế? Vì muốn là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên anh phải có SKKN. Giáo viên trông vào đồng lương. Muốn sớm được nâng lương ngoài chuyên môn giỏi cũng phải có SKKN. Bởi thế nên việc sao chép, xào nấu SKKN của nhau tràn lan, không kiểm soát được. Sáng kiến viết xong về cơ bản là…để đó, không áp dụng được mấy” – lời vị hiệu phó.
Lãnh đạo sở cần giải quốc gia, quốc tế
Vẫn theo lời Hiệu phó THPT tại TP Hải Phòng: “Nếu là người dạy chính, muốn có nhiều học trò buộc phải nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tự học tự nghiên cứu và có thể tạo thương hiệu thì công lao động cũng được trả tương xứng nên chuyện than thở cũng bớt đi.
Nhưng với những người dạy phụ họ phải làm nhiều công việc, lương èo uột lại phải kiêm nhiệm nhiều khối lớp, phân công thiếu hợp lí dẫn tới cảm giác ngột ngạt, không có động lực phấn đấu hay tự rèn luyện”.
Còn Hiệu phó một trường THPT chuyên tại miền Bắc phụ thêm: “Vẫn biết theo nghề dạy là ít tính tới thu nhập cao nhưng giáo viên chúng tôi áp lực rất lớn. Lãnh đạo sở không cần anh báo cáo kết quả đỗ đại học là bao nhiêu nữa. Cái đó phải hiển nhiên rồi. Họ cần ở giải quốc gia, quốc tế”.
Giáo án tự chọn tuần chỉ 1 tiết, giáo án hướng nghiệp chủ nhiệm phải làm với 2 tiết/tháng, trái buổi thì có thù lao dạy thêm nên theo một số giáo viên và nhà quản lí chỉ cần có kinh nghiệm là dễ dàng xử lí được, có thời gian tập trung cho chuyên môn và tự học.
“Là thầy phải tham gia các hoạt động xã hội, ngoài cung cấp kiến thức còn phải giáo dục nhân cách cho học sinh. Để đáp ứng chất lượng, chuyện giáo viên phải làm việc ở cường độ cao là tất yếu” – Giám đốc sở GD-ĐT Bắc Ninh Nguyễn Đức Bưởi lý giải.
Tuy nhiên ông Bưởi cho rằng, về chế độ đãi ngộ, chính sách cho giáo viên là điều mà công cuộc đổi mới sắp tới phải nghiên cứu.
Hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm gợi ý: “SKKN không nhất thiết ai cũng cần hoặc năm nào cũng có nhưng là thầy hàng năm anh phải biết tự tổng kết, rút kinh nghiệm cho chính mình. Việc đi dự giờ để học hỏi từ đồng nghiệp là quan trọng. Đã xác định theo nghề giáo thì không thể kỳ vọng mình được nhàn hạ”.