Sau mùa 2 được đánh giá thất bại về chuyên môn lẫn hiệu ứng khán giả, nhà sản xuất Giọng hát Việt mùa 3 thể hiện quyết tâm vực dậy. Thực tế, trong những tập đầu tiên, chương trình đã tạo độ nóng nhất định nhờ sự xuất hiện của “dàn huấn luyện viên trong mơ” - Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Tuấn Hưng và Thu Phương. Hàng loạt thí sinh được xây dựng cá tính và câu chuyện riêng hấp dẫn...
Tuy nhiên, càng vào sâu, đặc biệt tới vòng Live show, chương trình đang bị “đuối” dần. Điều này không khó lý giải bởi giữa hàng loạt chương trình giải trí, một cuộc thi - nơi thí sinh phong độ trồi sụt, thất thường, huấn luyện viên ngại góp ý thẳng thắn, chất lượng âm thanh không được đảm bảo, dĩ nhiên rất khó giữ được sức hút.
Thí sinh giảm phong độ?
Ở vòng Giấu mặt, Giọng hát Việt 2015 thành công trong việc tìm kiếm hàng loạt gương mặt nổi trội, từ nhân tố mới mẻ cho đến những cái tên quen thuộc như Kimmese, ca nương Kiều Anh, “cô gái vừa ăn vừa hát” - Phượng Vũ, hiện tượng mạng - Vicky Nhung… Tuy nhiên, thay vì thể hiện sự tiến bộ, cống hiến những màn trình diễn bùng nổ, họ lại có dấu hiệu xuống dốc.
Ví dụ điển hình “bản sao Mỹ Tâm” – Bảo Uyên. Gây sốt vòng Giấu mặt với màn trình diễn Arirang Alone, cô gái 16 tuổi sỡ hữu giọng ca thiên phú được xem là phát hiện “đáng đồng tiền bát gạo”. Tuy nhiên, trái ngược kỳ vọng, càng đi sâu, cô càng để lộ nhiều khiếm khuyết. Trong vòng Live show, Bảo Uyên luôn nhận ưu ái khi được giao các ca khúc hay, dàn dựng hoành tráng, đầu tư kỹ về hình ảnh... nhưng phần thi của cô lại thiếu cảm xúc, mắc nhiều lỗi chênh, phô. Trong vòng Đối đầu, việc Bảo Uyên vượt qua Trương Ny cũng gây nhiều tranh cãi.
"Bản sao Mỹ Tâm" dần đánh mất phong độ. |
Một trường hợp tương tự là “cô gái vừa ăn vừa hát” - Phượng Vũ. Sở hữu giọng hát tình cảm và đầy sức hút, nhưng càng vào trong, các tiết mục của cô càng thiên về diễn, tính giải trí quá đậm. Mr. Đàm cho rằng cần thiết phải như vậy để thí sinh chứng tỏ sự đa phong cách. Tuy nhiên, khi Phượng Vũ đang chật vật để thay đổi, cũng là khi cô dần mất chất riêng cũng như lượng fan ban đầu. Từ “át chủ bài”, cô bị loại ở vị trí top 4.
Trước đó, Kimmese cũng không thể trụ lâu khi quyết tâm thử sức với một bản nhạc trữ tình "khuôn mẫu" trong khi thế mạnh nữ rapper là dance, R&B hay cách xử lý ca khúc mang cá tính riêng. Kết quả, khán giả phải nghe một bản tình ca Ngỡ đâu tình đã quên mình theo phong cách “ngang phè phè”.
Với những thí sinh “hot” còn trụ lại đến hiện tại như Vicky Nhung, Kiều Anh, Đức Phúc, Phùng Khánh Linh,… đa số chưa làm khán giả thỏa mãn khi phong độ thất thường, không có tiết mục đinh.
Vicky Nhung được kỳ vọng lớn khi vào đội Mr. Đàm nhưng đến nay vẫn chưa khiến khán giả thỏa mãn. |
Đến thời điểm hiện tại, 3 cái tên được đánh giá phong độ ổn định là Yến Lê, Bảo Trâm và Hoàng Dũng, nhưng họ cũng không đủ sức xoay chuyển tình thế. Khi một chương trình đến giai đoạn về đích nhưng vẫn không thể tìm ra thí sinh nổi trội, hẳn là sự bế tắc với những người trong cuộc.
Sức nóng giám khảo lấn lướt thí sinh
Việc sở hữu bộ tứ quyền lực mà bất cứ chương trình nào cũng phải mơ ước là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn The Voice mùa thứ 3. Trong vòng Giấu mặt, những màn "chặt chém", tung hứng ăn ý và dí dỏm của HLV nhanh chóng trở thành “đặc sản”. Khán giả “đã tai, no mắt”, truyền thông cũng được dịp đưa tin tràn ngập về từng diễn biến trên ghế nóng. Hàng tuần, họ chờ xem Mr. Đàm sẽ tỏ tình với Mỹ Tâm bằng cách nào? Thu Phương trổ tài ăn nói, Tuấn Hưng chứng tỏ độ “chuẩn men” ra sao? Bốn ngôi sao lớn trên ghế đỏ gần như là sự quan tâm tuyệt đối. Nhưng chính điều này lại dẫn đến sự chú ý dành cho các thí sinh bị sụt giảm.
Từ vòng Đối đầu đến Live show, chương trình phải chấp nhận mất đi yếu tố hút khách này khi bộ tứ quyền lực phải nhường không gian cho thí sinh.
Với khán giả, khi không còn được thưởng thức những màn tung hứng trên ghế nóng, họ kỳ vọng được lắng nghe những lời nhận xét xác đáng, mang tính chất góp ý thẳng thắn. Nhưng ngược lại, điều khán giả dễ dàng nhận thấy là sự ngần ngại đánh giá học trò đồng nghiệp hay với đội của mình, đó còn là những lời bênh vực một cách khó hiểu.
Bộ tứ quyền lực ngại chê trên ghế nóng. |
Chính Mr. Đàm không dưới 2 lần nhấn mạnh anh không muốn chê các thí sinh trên sóng trực tiếp mà sẽ trao đổi trong hậu trường. Nam HLV còn lên tiếng “nhắc nhở” đồng nghiệp Thu Phương vì trước đó cô lỡ đóng “vai ác” trên ghế nóng.
Trong live show 6 vừa qua, khi thí sinh hát phô, Mr. Đàm lập tức bênh vực bằng cách cho rằng chính các ca sĩ thành danh cũng thường xuyên mắc phải lỗi này. Chưa hết, anh còn nói về 2 giọng ca Khánh Bình và Bảo Anh như ví dụ điển hình cho sự không cần chiến thắng vẫn đắt show và biện minh cho sự hạn chế của học trò.
Với Tuấn Hưng, anh khiến nhiều người khó hiểu khi thẳng thắn chia sẻ: “Các học trò của tôi rất chủ động trong việc luyện tập, tìm kiếm bài hát, dựng bài nên tôi rất khỏe, gần như ngồi chơi”. Không ít người thắc mắc vậy vai trò huấn luyện viên của anh là làm gì?
Chất lượng âm thanh, MC kém duyên
Chất lượng âm thanh là vấn đề "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" của các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam từ xưa đến nay.
Ở một chương trình tương tự là Vietnam Idol, các đêm thi được ghi hình tại phim trường riêng khu quận 9, nơi tổ chức The Voice là nhà thi đấu Tân Bình và sân khấu Lan Anh (TP HCM) hoàn toàn không phải nơi phục vụ các chương trình truyền hình trực tiếp về ca hát.
Trong đêm Live show đầu tiên, màn trình diễn của bộ tứ HLV khiến người người phải nhăn mặt vì âm thanh qua truyền hình... quá tệ. Những giọng ca hàng đầu Vpop còn bị “hại” thì với những thí sinh, việc bị “dìm đẹp” là điều không thể tránh khỏi.
Khi theo dõi trực tiếp tại sân khấu, chất lượng âm thanh khá ổn, nhưng con số vài ngàn người có mặt tại đây so với hàng triệu khán giả xem qua truyền hình là quá nhỏ.
MC The Voice khiến nhiều khán giả ngán ngẩm. |
Bên cạnh các yếu tố chuyên môn tác động trực tiếp đến thể hiện của thí sinh, MC cũng là một nhân tố quan trọng. Đảm nhận vai trò MC hậu trường chương trình là người đẹp 9X - Mỹ Linh. Trong các đêm thi trực tiếp, Mỹ Linh liên tục mắc lỗi, nói vấp, sai thông tin, không ngắt nghỉ câu dẫn, gây cảm giác ức chế nơi người xem.
Cạnh tranh của các chương trình hài
Từ năm 2014, sự xuất hiện các show truyền hình hài kịch nhanh chóng gây cơn sốt không hề nhỏ, đồng thời tác động đến các chương trình truyền hình phát sóng cùng thời điểm. The Voice 2015 không ngoại lệ, thậm chí chịu tác động gấp đôi bởi hai “đối thủ” là Bí mật đêm chủ nhật (HTV7) và Hội quán tiếu lâm (THVL).
Cả hai chương trình mang yếu tố hài hước nhẹ nhàng, không đặt nặng chuyện thắng thua, không tranh cãi và nhất là có sự góp mặt của các danh hài Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trường Giang, Trấn Thành… là lựa chọn hợp lý của nhiều tầng lớp khán giả, từ các gia đình, em nhỏ đến người trung niên, các bà nội trợ, cụ già. Trong khi đó, đối tượng khán giả The Voice tập trung chủ yếu vào người trẻ ở thành thị.
Bên cạnh việc trùng khung giờ phát sóng các show hài, một lý do nữa khiến Giọng hát Việt mất dần sức hấp dẫn bởi sự xuất hiện quá nhiều các cuộc thi hát hiện nay. Khi cuộc thi này chưa kết thúc, sân chơi khác đã khởi động. Không khó để điểm sơ qua những sân chơi âm nhạc như Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn, The Remix, Vietnam Idol, The Winner Is, Ngôi sao phương Nam, Song ca cùng Bolero hay Sao mai... Việc bội thực các cuộc thi hát là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến The Voice mùa 3 giảm nhiệt.
Sau 6 live show, 4 huấn luyện viên chính thức xác định được 12 cái tên. Trong live show 7 sắp tới, họ sẽ chính thức đối đầu nhau chinh phục vị trí quán quân. Hy vọng vào thời điểm nước rút, chương trình sẽ có dấu hiệu khởi sắc.