Tính từ đầu năm 2018 tới nay, Grab đã được rót vốn tới 2 tỷ USD trong đó có 1 tỷ USD từ hãng xe Nhật Bản Toyota. Grab đang gia tăng gấp đôi sức ảnh hưởng ở Indonesia. Trong khi đó, Go-Jek bắt đầu xâm nhập vào các thị trường chính của đối thủ và đang từng bước tạo đột phá tại các đô thị lớn ở Việt Nam - thị trường nước ngoài đầu tiên.
Chẳng hề kém cạnh Grab, vào tháng 2 năm nay, Go-Jek huy động số tiền khổng lồ 1,5 tỷ USD từ 11 nhà đầu tư tại vòng gọi vốn E, gồm những cái tên thậm chí còn đình đám hơn như Tencent Holdings, Temasek Holdings, Google, JD.com…
Đợt gọi vốn lần này cũng thu hút được hai doanh nghiệp hàng đầu Indonesia tham gia là Blibi và Astra. Đầu tháng 11 vừa qua, ứng dụng gọi xe nằm trong top 10 thương hiêụ mạnh nhất Indonesia này tiếp tục được Google, Tencent và JD rót thêm 1,2 tỷ USD.
Go-Jek là ứng dụng gọi xe được phát triển bởi hai nhà sáng lập trẻ tuổi cũng là hai người bạn thân thiết cùng theo học tại Đại học Harvard. Cả hai đều nhận ra cơ hội khởi nghiệp tại các khu vực có tỷ lệ dân số trẻ lớn.
Sự thành công của chiến lược đó phụ thuộc rất nhiều vào thói quen của đại đa số người trẻ khu vực Đông Nam Á trong thời đại công nghệ số hiện nay: thời đại của Facebook và Instagram.
Khác với Mỹ, các công ty thường phát triển một ứng dụng chuyên biệt, ví dụ Amazon để mua sắm, iMessage để trò chuyện và Uber để đi lại. Tại châu Á, các công ty khởi nghiệp đang tập trung toàn bộ nguồn lực nhằm phát triển nền tảng "siêu" ứng dụng khổng lồ, nơi bạn có thể yêu cầu mọi thứ mình muốn. WeChat của Tencent Holdings Limited là một ví dụ điển hình.
Với Go-Jek, ngoài việc gọi xe, bạn có thể chi trả hóa đơn, gọi đồ ăn, gửi hàng hóa hoặc tìm người giúp việc trong lúc mình vắng nhà. Thậm chí, với Go-Glam, bạn có thể tìm một thợ cắt tóc phù hợp với phong cách của mình. Về phần mình, ngoài gọi xe, Grab chỉ cung cấp tùy chọn vận chuyển hàng và giao đồ ăn. Rõ ràng, Go-Jek tỏ ra đa năng hơn rất nhiều so với Grab.
Ngay cả khi Grab muốn mở rộng, phát triển thành một siêu ứng dụng ở Indonesia thì vẫn còn một rào cản lớn cũng là ưu thế của Go-Jek: Giấy phép giao dịch tiền tệ điện tử (e-money) do Ngân hàng Trung ương cấp.
Với giấy phép này, Go-Jek dễ dàng tiếp cận nhóm người dùng không có thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng. Với Go-Pay, người dùng có thể nạp tiền tại các cửa hàng tạp hóa hoặc đơn giản hơn là chi trả bằng tiền mặt cho một trong một triệu lái xe hiện có của Go-Jek. Tiền nhanh chóng xuất hiện trong tài khoản ví điện tử.
Không may, tài khoản ví điện tử của Grab đã bị niêm phong hồi cuối năm ngoái do ngân hàng Indonesia đã đưa ra các quy định hồi tháng 5 nhằm hạn chế sức ảnh hưởng của các công ty có vốn đầu tư từ nước ngoài.
Để hoạt động được, Grab bắt buộc phải hợp tác với OVO - ứng dụng ví điện tử thuộc sở hữu của tập đoàn Lippo có trụ sở ở Indonesia. Điều này có nghĩa Grab sẽ phải nhường lại quyền kiểm soát ứng dụng cũng như giải quyết các khiếu nại của người dùng trong quá trình sử dụng ứng dụng.
Ở Indonesia, liên kết với ví điện tử là rất quan trọng bởi các ngân hàng tại nước này thường rất chậm chạp cập nhật công nghệ mới. Các giao dịch trực tuyến thực hiện trên hệ thống ngân hàng có tỉ lệ không thành công lên tới 70%. Trên Shopee, một trang thương mại điện tử thuộc sở hữu của Sea Ltd., hơn 20% hàng hóa được đặt hàng đã bị hủy ở bước thanh toán bởi vì các giao dịch trực tuyến thường rất chậm.
Rõ ràng, Go-Jek đang rất có lợi thế nhờ ví điện tử. Phóng viên hãng tin Bloomberg đã thử thực hiện một giao dịch nhỏ trên ứng dụng Go-Jek, đó là gửi một gói hàng từ văn phòng Bloomberg tới ngân hàng Indonesia, quãng đường chỉ 1,6 km (tương đương 1 dặm) với chi phí 13.000 rupiah (tương đương 76 cent) trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo một quảng cáo trên ứng dụng Go-Pay, chi phí này chỉ còn 12.000 rupiah.