Nguyên tắc sống khỏe: Mùa nào thức ấy
Rau muống là món ăn thông dụng, dân dã và dễ ăn nhất của người Việt. Nếu như trước kia, rau muống chỉ xuất hiện vào chính vụ là mùa hè thì ngày nay, loại thực phẩm này có quanh năm, dù trái vụ vẫn xanh mướt, lá to, cuống thẳng, ngon mắt. Không những dễ ăn, loại rau này còn chứa hàm lượng canxi cao, tốt cho những người bị loãng xương và huyết áp thấp và nhiều chất dinh dưỡng, vitamin như protit, glucid, cellulose, B1, B2…
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) cho biết rau muống chỉ có lợi cho sức khỏe khi không có sự tác động nào từ các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Để đảm bảo không ăn phải rau có chứa nhiều hóa chất độc hại, người dân nên ăn rau muống vào mùa hè. Ảnh: Trịnh Nguyên. |
Theo chuyên gia này, hiện nay rau muống là loại dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao, chứa rất nhiều thuốc kích thích, thuốc trừ sâu… Là loại trước kia chỉ có trong mùa hè nhưng nay rau muống có mặt quanh năm, nên việc sử dụng các hóa chất độc hại để thúc đẩy phát triển là gần 100% (trừ những cơ sở trồng rau sạch, có kiểm soát). Nếu không sử dụng hóa chất trong thời điểm mùa đông, rau không thể sống, hoặc dẫn đến tình trạng lá nhiều sâu, thân khô, cuống cỗi và có vị chát.
Vì vậy, theo bà Hòa để đảm bảo sức khỏe các gia đình nên ăn rau quả theo mùa, khi vào độ thu hoạch rộ, các nhà sản xuất không cần phải dùng đến hóa chất kích thích. Nếu cố tình sử dụng rau quả trái mùa chứa lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mãn tính, giãn thể miễn dịch, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
“Thời điểm này là mùa của các loại rau cải, vì vậy các gia đình nên thay sử dụng loại thực phẩm này trong bữa ăn để đảm bảo sức khỏe”, bà Hòa cho biết.
Cách nhận biết rau quả hữu cơ an toàn
Với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, rau củ quả ở Hà Nội khá đa dạng. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện cho các loại sâu bệnh phát triển. Chính vì thế, nhiều năm qua, người nông dân đã quen với việc sử dùng các hóa chất bảo vệ thực vật.
Đáp ứng nhu cầu ăn rau sạch của nhiều gia đình, một số cơ sở trồng rau hữu cơ an toàn ra đời. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tỏ ra băn khoăn về cách phân biệt loại rau này với thực phẩm có chứa hóa chất.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hòa cho biết: "Rau hữu cơ là loại rau giữ đúng đặc tính vốn có của nó. Hàm lượng hóa chất độc hại và mức độ nhiễm các vi sinh vật gây hại ở loại rau này luôn thấp hơn giới hạn cho phép, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.
Theo đó, chuyên gia này tư vấn, đa số các loại rau hữu cơ đều có màu xanh hơi vàng hoặc màu xanh chuẩn của từng loại rau, không đậm như các loại rau trồng bằng phân bón hóa học. Đây là màu xanh do cây dư đạm, gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Lá rau hữu cơ dày, cứng, phiến ngắn và cân đối, thân cây gầy, rắn, cảm giác khô.
Ngoài ra, rau hữu cơ thường rất giòn, thơm tự nhiên; thân, lá không tích nước nên khẳng khiu. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm này mà rau hữu cơ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng vài ngày mà không sợ hỏng, trong khi rau có hóa chất thường “tóp” nhanh.
Ngoài ra, do thời gian và vốn đầu tư trồng rau lớn, thời gian thiết lập trang trại lâu (3-5 năm để cải tạo đất và kiến tạo hệ sinh thái lành mạnh cho cây trồng) nên sản phẩm hữu cơ luôn có giá cao hơn rất nhiều so với rau trồng thông thường. Vì vậy, nếu muốn ăn rau sạch, người tiêu dùng phải biết chấp nhận bỏ tiền đắt gấp từ 3-5 lần so với rau thông thường.