Thói quen vệ sinh ống tai hàng ngày bằng tăm bông hay dụng cụ cứng có thể dẫn tới giảm thính lực, thậm chí gây điếc. Theo Womansday, ráy tai có vai trò giữ ống tai luôn sạch và ngăn bụi bẩn, vi khuẩn ngoài môi trường tiếp xúc với màng nhĩ. Khi bạn nhai, khớp xương hàm chuyển động và đẩy ráy tai khô ra ngoài . Bạn không cần thiết dùng tăm bông hay dụng cụ lấy ráy tai để vệ sinh bởi những lý do sau:
Tai của bạn có thể tự làm sạch. Ảnh: Womansday |
Tai của bạn có thể tự làm sạch
Không giống như hầu hết các bộ phận khác của cơ thể, bạn không cần thường xuyên vệ sinh tai nhờ cơ chế tự làm sạch. Ngoài tăm bông, nhiều người đưa tất cả mọi thứ vào trong để làm sạch tai như tóc, chìa khóa, kẹp giấy, bút mực và bút chì. Tất cả những thứ đó đều có thể làm tổn thương nghiêm trọng đến đôi tai.
Tăm bông có thể khiến ráy tai thụt sâu hơn
Khi sử dụng tăm bông vệ sinh tai, bạn không thể nhìn thấy tăm bông thực sự tác động đến ống tai như thế nào. Theo Tiến sĩ Brodsky, bằng cách ngoáy, bạn lại đẩy ráy tai vào trong khiến bụi bẩn và vi khuẩn cùng với ráy mắc kẹt. Chúng tích tụ và tạo thành một lớp sáp bên ngoài màng nhĩ. Lâu ngày, lớp sáp này sẽ ảnh hưởng tới chức năng thính giác của bạn.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng tai
Hơn nữa, màng nhĩ của bạn là một màng mỏng cực kỳ tinh vi ở phần cuối của ống tai. Khi hăng hái ngoáy, bạn có thể vô tình đâm vào màng nhĩ và làm vỡ nó. Màng nhĩ có thể vỡ ngay cả với áp lực nhỏ của một que bông gòn, gây cho bạn rất nhiều đau đớn và thậm chí có thể mất thính giác. Màng nhĩ bị vỡ cuối cùng có thể lành lại, nhưng phải mất thời gian và gây cho bạn rất nhiều đau đớn.
Khi vệ sinh tai bằng tăm bông bạn có thể vô tình khiến tai tổn thương. Điều kiện môi trường nhiều vi khuẩn khiến ống tai nhiễm trùng và có thể dẫn đến viêm tai giữa, gây điếc.
Vệ sinh tai đúng cách
Nếu ráy tai tích tụ quá nhiều khiến bạn ngứa, ù tai thường xuyên, bạn có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý để làm mềm ráy tai và nhẹ nhành lấy nó ra ngoài bằng dụng cụ sạch. Tuy nhiên, bạn có thể vệ sinh tai bằng cách này vài tuần một lần.