Hôm qua (20/8), lần đầu tiên, Bộ Y tế thông báo gỡ mã số ca bệnh 994 đối với ông L.B.N. (87 tuổi, Phú Thọ). Ông N. từng điều trị ở Bệnh viện E (Hà Nội) và được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) trả kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ngày 19/8.
4 lần xét nghiệm lại với bệnh nhân này do 3 cơ sở khác nhau (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, CDC Hà Nội và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) thực hiện đều có kết quả âm tính.
Giải thích nguyên nhân, TS Lê Văn Duyệt, Trưởng phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết cơ thể luôn có vi sinh vật thường trú trong hầu họng. Chúng khác nhau ở mỗi người. Trong một số trường hợp, hệ gene của các vi sinh vật, vi khuẩn tương đồng với virus SARS-CoV-2.
"Tại thời điểm lấy mẫu trong đường hô hấp của bệnh nhân, chúng ta bắt được vi khuẩn có trình tự gene giống SARS-CoV-2. Khi xét nghiệm rRT-PCR, kỹ thuật viên chỉ lấy một đoạn gene rất ngắn khiến tỷ lệ trùng khớp của nCoV với các vi sinh vật khác cao hơn", TS Duyệt đưa ra giả thuyết.
TS Lê Văn Duyệt, Trưởng phòng Xét nghiệm Vi sinh - Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Quốc Toàn. |
Theo TS Duyệt, trường hợp này rất hiếm. "Tạm thời, chúng ta có thể nghĩ đến giả thuyết đó", TS Duyệt nói.
Khi mẫu bệnh phẩm được lấy không đúng kỹ thuật, vị trí, kết quả xét nghiệm có thể sai sót. Kết quả âm tính bởi không phát hiện SARS-CoV-2 trong mẫu xét nghiệm, dù bệnh nhân đã nhiễm virus này. Sai sót ngược lại, tức kết quả dương tính trong khi bệnh nhân không nhiễm khó xảy ra.
Do đó, TS Duyệt cho rằng với bệnh nhân trên, nguyên nhân xuất phát từ kỹ thuật lấy mẫu có tỷ lệ nhỏ hơn và gần như không có.
"Để khẳng định một ca dương tính, kỹ thuật viên phải làm xét nghiệm nhiều lần và bằng các kỹ thuật khác nhau. Thậm chí, chúng tôi phải gửi mẫu sang một số đơn vị xét nghiệm để kiểm tra chéo, nhất là đối tượng mắc mới và bệnh nhân trước khi ra viện", TS Duyệt cho biết.