Thống kê mới đây của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam hiện có khoảng gần 30 triệu người (tương đương khoảng 30% dân số) bị gan nhiễm mỡ. Bên cạnh đó, thống kê khác Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy có 29% người trưởng thành bị tăng mỡ máu, tỷ lệ này ở dân thành thị khoảng 44%.
Theo BSCKII Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ đều thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa, chúng thường đi cạnh nhau.
Máu mỡ nhiễm có tên gọi khác là rối loạn chuyển hóa lipid máu hay mỡ máu cao. Ở người khỏe mạnh, máu có tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá bằng chỉ số xét nghiệm cholesterol, triglycerid... Nếu các chỉ số này vượt mức cho phép thì gọi là mỡ máu cao.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong gan. Với người bình thường, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm từ 2-4% trọng lượng của gan. Nhưng khi mắc bệnh, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan.
Người bị mỡ máu cao thường có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Ảnh: The Independent. |
Về cơ bản, người mắc gan nhiễm mỡ thường không có nhiều nguy cơ cao mắc đồng thời máu nhiễm mỡ. Tuy nhiên, nếu tình trạng mỡ trong máu cao, nguy cơ dẫn đến gan nhiễm mỡ là rất lớn.
Nguyên nhân là người bị mỡ máu cao, lượng mỡ trong máu vượt quá khả năng sử dụng và chuyển hóa của cơ thể, mỡ sẽ tích tụ các cơ quan trong cơ thể, ở dưới da (mông, đùi, cổ..) và các tạng đặc biệt như gan.
Gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ được xem là căn bệnh của xã hội hiện đại do số người mắc ngày càng tăng cao. Theo Hội Gan Mật Tụy TP.HCM, hơn 50% bệnh nhân mắc đồng thời hai bệnh này. Những bệnh nhân thừa cân, béo phì, đái tháo đường, hội chứng thận hư,… thường là đối tượng mắc kèm cả hai bệnh này.
Đặc biệt, bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ do viêm gan siêu vi nếu không theo dõi và điều trị đúng sẽ có nguy cơ dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan. Trong khi đó, máu nhiễm mỡ có thể gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, sỏi mật và dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ Loan khuyến cáo bệnh nhân gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ không do di truyền có điều trị. Bệnh nhân cần kiểm tra định kỳ 3-6 tháng để theo dõi, điều trị đúng chuyên khoa tiêu hóa, gan mật tụy, tim mạch.
Bên cạnh đó, người bệnh cần vận động thể lực và được tư vấn dinh dưỡng hợp lý, giảm chất béo, bột đường, đặc biệt là đường hấp thu nhanh, tăng cường chất xơ...