Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao nhiều mồ hôi

Việc tiết mồ hôi là hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, thông qua mồ hôi cũng cảnh báo sớm cho chúng ta nhiều nguy cơ sức khỏe.

Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi, trong đó thường gặp nhất là tăng tiết mồ hôi ở người trẻ tuổi hay vị thành niên, xuất hiện nhiều khi bệnh nhân lo lắng, xúc động, ăn các loại thức ăn có tính kích thích nhiều.

Tăng tiết mồ hôi thường xảy ra ở tay hoặc chân. Với những người này, có sự rối loạn trong hệ thần kinh thực vật, gây cường thần kinh giao cảm, tạo nên sự rối loạn trong tiết mồ hôi, còn gọi là tăng tiết mồ hôi nguyên phát.

Một nhóm nguyên nhân tăng tiết mồ hôi khác gọi là tăng tiết mồ hôi thứ phát, nghĩa là xảy ra sau một bệnh khác của cơ thể. Loại này thường gây tăng tiết mồ hôi toàn thân. 

Các bệnh gây nên tăng tiết mồ hôi thường là:

Cường giáp:

Cường giáp là tình trạng có quá nhiều hóc môn tuyến giáp lưu thông trong cơ thể. Các triệu chứng của cường giáp thường biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn sau của bệnh. Theo các nhà khoa học, cường giáp làm tăng tốc độ chuyển hóa của cơ thể, do đó dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi quá mức.

Ung thư:

Một số loại ung thư (bạch cầu, ung thư xương, ung thư gan…) đôi khi có thể là nguyên nhân gây đổ mồ hôi. Mặc dù các nhà khoa học chưa hiểu rõ vì sao một số bệnh ung thư lại gây đổ mồ hôi, nhưng họ giả định, đó là cách cơ thể cố gắng để chống lại bệnh ung thư.

Do đó, khi thấy có những bất thường tăng tiết mồ hôi kèm theo những triệu chứng chảy máu, đau, sốt kéo dài… thì bệnh nhân nên đi đến bệnh viện để kiểm tra.

Rối loạn đường huyết:

Rối loạn kiểm soát đường huyết bao gồm bệnh đái tháo đường týp 1 và týp 2 là một trong những nguyên nhân gây đổ mồ hôi, khi nồng độ glucose trong máu hạ thấp.

Mang thai hoặc mãn kinh:

Sự thay đổi nồng độ estrogen gây ra các triệu chứng nóng bừng và đổ mồ hôi ở nhiều phụ nữ mang thai hoặc mãn kinh.

Hội chứng mạch vành cấp:

Sau gắng sức hoặc kích động về cảm xúc, bệnh nhân đột ngột vã mồ hôi, đau ngực như bóp nghẹt, đè nặng kéo dài vài phút hoặc lâu hơn… phải được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện.

Bệnh truyền nhiểm:

Lao: những bệnh nhân này thường ra nhiều mồ hôi vào ban đêm hơn người bình thường, kết hợp chán ăn, ho, sốt về chiều, sụt cân….

HIV: khoảng một nửa số người bị đổ mồ hôi đêm trong giai đoạn đầu nhiễm HIV. Tương tự như tình trạng bốc hỏa xảy ra với phụ nữ mãn kinh. Tình trạng này có thể xảy ra nhiều hơn sau này khi bị nhiễm trùng, không liên quan đến tập thể dục hoặc nhiệt độ của căn phòng.

Béo phì:

Những người béo phì thường có thân nhiệt cao hơn người có cân nặng bình thường, bởi vì lượng mỡ dưới da của họ quá dày. Điều này có nghĩa là so với những người có trọng lượng trung bình thì người béo phì có xu hướng đổ mồ hôi nhiều hơn không chỉ khi họ hoạt động thể chất mà kể cả khi nghỉ ngơi. Vì vậy, những người béo phì nên chọn một chế độ ăn kiêng giảm cân để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/tai-sao-nhieu-mo-hoi-2015080309534395.htm

Theo BS Nguyễn Trương Minh Thế/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm