Theo SCMP, ninja Nhật Bản là hiện tượng văn hóa toàn cầu những năm 1980. Hình tượng nhân vật này xuất hiện tương đối ít trong các bộ phim võ thuật Hong Kong.
Khi xuất hiện trong các bộ phim kinh điển như Phương Đông anh hào của Thiệu Thị huynh đệ (do Lưu Gia Lương đạo diễn) và Ngũ độn nhẫn thuật (Trương Triệt đảm nhận), ninja được mô tả là kẻ lừa đảo không được giang hồ coi trọng, thường xuyên xuất hiện, tấn công lén lút bằng thuốc độc.
Trên thực tế, ninja là những điệp viên được đào tạo về hoạt động gián điệp và thuật ẩn thân trong bóng tối. Họ có nhiều công cụ hỗ trợ như thiết bị phá khóa, thang dây để leo vào các tòa nhà, đồng thời biết cách ẩn mình dưới nước bằng ống thở, ngụy trang trong lãnh thổ của kẻ thù.
SCMP có cuộc phỏng vấn với chuyên gia về ninja Keith Rainville - chủ nhân của trang web Vintage Ninja. Ông chia sẻ về hình tượng nhân vật ninja trong văn hóa phim ảnh Hong Kong.
Tài tử Lưu Gia Huy (phải) đóng vai ninja phản diện trong Phương Đông anh hào. Ảnh: SCMP. |
Định kiến về ninja trong phim Hong Kong
- Theo ông, phim ninja Nhật Bản khác với kung fu Hong Kong thế nào?
- Sự khác biệt lớn nhất là phim ninja Nhật Bản hiếm khi được định nghĩa là phim võ thuật. Mặc dù có chiến đấu tay đôi và vũ khí, trên thực tế thể loại ninja ban đầu dựa trên phim truyền hình.
Ninja là sự phản ánh về giai cấp xã hội, hoàn cảnh của những người lao động bị bóc lột ở Nhật Bản thời hậu chiến. Khi vô vọng, mắc kẹt trong cuộc sống và không thể thoát ra, họ tìm đến thể loại phim ninja để giải trí.
Thế hệ trẻ lần đầu bị mắc kẹt trong những công việc văn phòng là vào những năm 1960. Họ được ví liên quan trực tiếp đến những ninja có tay nghề cao - những người muốn thoát khỏi kiếp sống gián điệp, sát thủ trong gia tộc và tầng lớp samurai.
Ngoài ra, trong thời đại mà các bộ phim về James Bond trở nên phổ biến, ninja Nhật Bản sử dụng vũ khí tre đối phó thiết bị công nghệ cao hiện đại chứng tỏ sức hút khó cưỡng của dòng phim ninja trên màn ảnh.
Những kỹ thuật ninja sử dụng như dùng khói để tẩu thoát, cách xâm nhập thông minh vào lâu đài, kho vũ khí kỳ lạ và chiến thuật biệt kích, quan trọng hơn cả là hình thức võ thuật chính xác của những ngôi sao đều gây chú ý.
- Tinh thần hiệp sĩ là một phần quan trọng của các bộ phim dành cho đấng mày râu. Khái niệm đó có tồn tại trong các bộ phim về ninja không?
- Thông thường, tinh thần hiệp sĩ đi đôi với lòng tự hào dân tộc mạnh mẽ và sự lạc quan rằng cái thiện có thể chiến thắng cái ác. Song, những quan niệm đó hiếm khi được hiển thị trong thể loại ninja. Phim ninja nghiêng về sự bất mãn trong cuộc sống, chủ nghĩa tin vào định mệnh, gắn với thời cuộc và nỗi lo xã hội.
Tạo hình ninja của Từ Thiếu Cường trong Thanh Vân kiếm khách của đạo diễn Trình Tiểu Đông. Ảnh: SCMP. |
- Ông nghĩ gì về hình tượng phản diện của ninja trong các bộ phim Hong Kong như “Phương Đông anh hào”?
- Điện ảnh Hong Kong có cái nhìn định kiến với ninja. Họ luôn định hình ninja là nhân vật phản diện. Những bộ trang phục đặc biệt và vũ khí đặc trưng của ninja như shuriken (phi tiêu hình ngôi sao), móng vuốt và bom khói biến ninja thành những kẻ ác hoàn hảo để anh hùng Trung Quốc chống lại.
Họ thường thể hiện ninja là “ác ma ngoại tộc” sử dụng vũ khí bẩn thỉu, chiến thuật mờ ám. Song, các kiếm sĩ Trung Quốc cũng rất kinh sợ mỗi khi nghe đến ninja vì tuyệt chiêu của họ.
Bù lại, điểm sáng của Phương Đông anh hào là tình yêu của kiếm sĩ đã vượt qua mọi thứ và cưới ninja Nhật Bản làm vợ.
- Ông ấn tượng với bộ phim ninja nào của điện ảnh Hong Kong?
- Phương Đông anh hào và Ngũ độn nhẫn thuật là hai bộ phim chính về ninja của Hong Kong. Họ cũng khai thác hình tượng gián điệp người Nhật Bản thông qua một số tác phẩm khác như Đông Phương hồng và Thanh Vân kiếm khách.
Thanh Vân kiếm khách là bộ phim rất đáng chú ý. Đó là sự kết hợp giữa cảnh tượng tuyệt vời của ninja và võ thuật cổ truyền của người Hoa. Đây là một trong số những tác phẩm hay nhất từng xuất hiện ở Hong Kong.
Thiệu Thị huynh đệ là xưởng phim đầu tiên ở Hong Kong sử dụng chất liệu ninja trong phim điện ảnh. Các tác phẩm của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim khác. Nhiều khán giả chỉ xem Phương Đông anh hào và Ngũ độn nhẫn thuật là hai tác phẩm đinh về ninja, những bộ phim khác thường bị xem là sao chép, bắt chước.
Thiệu Thị huynh đệ thậm chí cải tạo trang phục ninja theo hướng tích cực trong các bộ phim, điển hình là Thiên tằm biến (1982).
Ấn tượng về các tác phẩm ninja
- Những bộ phim kinh phí thấp của Hong Kong có lấy đề tài về ninja không, thưa ông?
- Không ai tạo ra nhiều danh hiệu ninja hơn Godfrey Ho và Joseph Lai - người mà hãng IFD đã chỉnh sửa những cảnh quay mì ăn liền, diễn viên đóng thế mặc đồ ninja rẻ tiền thành những tác phẩm hành động có mặt khắp châu Á. Những bộ phim này chiếu đi chiếu lại nhiều lần và không ai có thể thống kê chính xác số lần phát hành.
Cặp diễn viên - đạo diễn người Đài Loan Alexander Lo Robert Tai cũng rất sung mãn trong việc làm phim về đề tài ninja.
Ngũ độn nhẫn thuật là bộ phim ấn tượng của đạo diễn Trương Triệt về đề tài ninja. Ảnh: SCMP. |
- Các nhà làm phim Hong Kong từng làm việc với đạo diễn Nhật Bản về phim đề tài ninja hay chưa?
- Có thể cho rằng việc hợp tác với đạo diễn Nhật Bản cho ra đời những tác phẩm hay. Ẩn giả sa lưới được phát hành năm 1982 (giai đoạn phim ninja gây sốt trên toàn thế giới) là tác phẩm hiếm hoi về việc ninja Nhật Bản không chỉ là nhân vật phản diện.
- Ninja là thể loại từng gây sốt với khán giả phương Tây và cuối cùng hòa nhập với văn hóa phương Tây. Vấn đề ở đây là gì?
- Trong những năm 1980, ninja từ những kẻ kỳ quặc dần trở thành nhân vật gần gũi với nhiều gia đình chỉ sau một đêm. Khán giả là người thích thú với những thứ mới mẻ. Việc văn hóa Nhật Bản du nhập vào phương Tây là điều bình thường. Các ninja Nhật Bản có sự mới lạ nhất định mà người Mỹ, Anh và các quốc gia khác tìm kiếm.