Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Phạm Công Danh phải vay đến hàng nghìn tỷ đồng?

Theo luật sư, Phạm Công Danh từ một đại gia xây dựng vướng vào bi kịch lao lý bắt nguồn từ việc phải vay hàng nghìn tỷ đồng để cứu Ngân hàng Đại Tín.

Chiều 22/1, phiên xử ngày thứ ngày thứ 11 đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh diễn ra phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh.

Con đường đến thảm kịch của Phạm Công Danh

Luật sư Bùi Phương Lan cho rằng trả lời được câu hỏi: “Vì sao Phạm Công Danh lại phải vay đến hàng nghìn tỷ đồng”, thì mới có cái nhìn khách quan và toàn diện về vụ án. Đồng thời, điều này cũng sẽ giải thích được con đường đi đến thảm kịch của một đại gia ngành xây dựng như ông Danh.

Trước phần bào chữa của mình, luật sư cũng bày tỏ rằng không hiểu sao phần quan trọng như vậy lại bị HĐXX cho rằng nằm ngoài phạm vi vụ án. Và nếu không làm rõ, nhiều ngân hàng, nhiều công ty vẫn cho rằng Phạm Công Danh vay tiền vì tư lợi cá nhận. “Nếu công luận hiểu như vậy thì oan ức cho cả bị cáo lẫn HĐXX”, luật sư Lan nói.

dai an Tram Be - Pham Cong Danh anh 1
Luật sư cho rằng quyết định mua Ngân hàng Đại Tin là sai lầm khiến Phạm Công Danh vướng vào lao lý. Ảnh: Tùng Tin. 

Theo luật sư Lan, quyết định mua lại Ngân hàng Đại tín là khởi nguồn cho con đường đi đến vành móng ngựa của Phạm Công Danh. “Đại Tín lúc đó rất khó khăn, ông Phạm Công Danh tin vào sự hỗ trợ của NHNN, sự hợp tác của bà Hứa Thị Phấn nên đã huy động toàn lực, cả tiền của mình, của Tập đoàn Thiên Thanh để giải cứu ngân hàng này. Từ xưa tới giờ, có doanh nghiệp nào đi xuất vốn của mình để cứu ngân hàng không?”, luật sư Lan đặt câu hỏi.

Số tiền khổng lồ trả cho bà Hứa Thị Phấn, tiền lãi ngoài trả cho nhóm Dr. Thanh đã tạo áp lực khiến số tiền Phạm Công Danh bỏ ra không đủ. Từ đó, bị cáo đã phải đi vay nhiều ngân hàng khác để bù đắp vào.

“Đúng là Phạm Công Danh có hành vi sai phạm trong quá trình điều hành Ngân hàng Xây dựng. Nhưng xuất phát từ mục đích cứu ngân hàng lúc đó gần như phá sản”, luật sư nói. Các khoản tiền vay chuyển đi qua nhiều người rồi về đến tay Phạm Công Danh, tuy nhiên, luật sư cho rằng ông Danh dùng trả nợ chứ không hề tiêu xài cá nhân.

Cùng quan điểm, luật sư Phan Trung Hoài nói: “Từ chỗ là người chủ của một doanh nghiệp có lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển, tích lũy một khối lượng tài sản có giá trị đặc biệt lớn, trải dài từ TP.HCM đến các địa phương khác trong cả nước, sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần và nắm quyền điều hành VNCB, bỗng chốc tiêu tan sự nghiệp, thân phận bị cầm tù với bản án 30 năm. Câu hỏi đặt ra là vì sao nên nỗi?”.

Theo luật sư Hoài, suy nghĩ ban đầu của ông Phạm Công Danh khi nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ của các cổ đông tại Ngân hàng Đại Tín không phải để mua Ngân hàng này mà là để mua các bất động sản của nhóm khoảng 30 doanh nghiệp (bà Hứa Thị Phấn được coi là đại diện cho “nhóm Phú Mỹ” gồm 30 công ty).

Khi thị trường bất động sản tốt lên, ông Phạm Công Danh hy vọng sẽ bán được các bất động sản này, trong đó có 2 bất động sản ở quận 2 và Nhà Bè, sẽ có tiền để tái cơ cấu ngân hàng. Đây có thể nói là sai lầm “chết người” của ông Phạm Công Danh vì thực tế số tài sản nói trên không chuyển nhượng được vì 30 doanh nghiệp kia không ủy quyền cho bà Phấn và cũng không chịu ủy quyền cho ông Danh, trong khi ông Danh đã thanh toán 3.658 tỷ đồng vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín.

4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ “biến mất”?

Về số tiền 4.500 tỷ dùng để tăng vốn điều lệ bất thành, luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi rẳng: Vì sao đến giai đoạn 2 thì 4.500 tỷ đồng này bị “triệt tiêu” và không được cấn trừ cho việc khắc phục hậu quả vụ án của ông Phạm Công Danh?

Luật sư viện dẫn theo cáo trạng trong giai đoạn từ ngày 14/02/2014 đến 26/07/2014, Ngân hàng Xây dựng đã sử dụng hơn 7.600 tỷ đồng bao gồm tiền mặt, tiền gửi NHNN, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác (trong đó có bao gồm số tiền 4.500 tỷ đồng gửi tại Liên Việt Postbank chuyển về Sở giao dịch NHNN).

dai an Tram Be - Pham Cong Danh anh 2
Có hơn 70 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong phiên toà xử đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh. Ảnh: Tùng Tin. 

Tuy nhiên, không rõ dựa trên căn cứ nào, cáo trạng lại cho rằng VNCB báo cáo đến trước ngày CQĐT khởi tố vụ án (26/7/2014), toàn bộ số tiền này được hoà chung vào tiền mặt, tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng Nhà nước và tại các tổ chức tín dụng khác để sử dụng vào việc chung của VNCB.

Luật sư Hà Hải cũng chỉ ra rằng trong quá trình xét hỏi, bên cạnh nhắc lại số tiền 4.500 tỷ đồng hòa vào dòng tiền chung của VNCB thì HĐXX còn công bố báo cáo của VNCB về khoản tiền này . Như vậy, xác định nhóm ông Phạm Công Danh đã nộp 4.500 tỷ đồng vào Sở giao địch NHNN để tăng vốn điều lệ là có thật.

Theo luật sư Bùi Phương Lan, 4.500 tỷ là số tiền không nhỏ, tồn tại vật chất nên không thể tự mất đi. Nó phải có báo cáo tài chính rõ ràng, vấn đề là ai sử dụng, sử dụng như thế nào.

“Theo quy định của pháp luật, không phải tiền cứ chuyển vào ngân hàng là tiền của ngân hàng. Mặc dù số tiền 4.500 tỷ đồng mà các bị cáo đã chuyển vào tài khoản của VNCB nhưng chưa phải là tiền của ngân hàng”, luật sư khẳng định. Theo luật sư, số tiền này cần hoạch toán vào khoản phải trả, nên việc Ngân hàng CB nói số tiền này đã hòa vào dòng tiền chung của ngân hàng là trái quy định, là xâm phạm quyền vụ chính đáng của các bên. Vì vậy, lý do CB nói số tiền 4.500 tỷ đồng đã triệt tiêu là không hợp lý và không có tính pháp lý.

Luật sư bác cách tính lãi suất thiệt hại của VKS

Luật sư Trần Minh Hải cho rằng thân chủ của ông không chối tội nhưng luật không quy định nào về việc trường hợp cấp tín dụng phải có tài sản bảo đảm.

Theo luật sư, vấn đề thiệt hại từ lãi suất dự kiến thời gian gần đây xuất hiện ở một số vụ đại án lại tái diễn ở phiên tòa này. Qua thực tiễn và cơ sở pháp lý, luật sư Hải đề nghị HĐXX không xem xét vấn đề thiệt hại từ lãi suất dự kiến.

Vị luật sư cho rằng VKS đang căn cứ vào bản kết luận giám định lãi suất dự kiến để truy tố các bị cáo có hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Nếu căn cứ kết luận này là trái hoàn toàn nghị quyết 03/2006/HĐTP-TANDTC hướng dẫn về bồi thường thiệt hại: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải là thiệt hại thực tế đã xảy ra.

dai an Tram Be - Pham Cong Danh anh 3
Luật sư cho rằng VKS đang tính thiệt hại dựa trên kết luận giám định lãi suất dự kiến là không phù hợp. Ảnh: Tùng Tin.

Theo luật sư Hải, bản kết luận giám định lãi suất dự kiến đang tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm cho tất cả các mối quan hệ dân sự, thương mại, kinh tế khi giao kết hợp đồng. Với kết luận không có căn cứ pháp luật kế toán, giả định như trên thì luật sư Hải lo ngại rằng ai cũng có thể phạm tội trong tương lai khi hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng.

Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Phạm Công Danh khẳng định trước khi bị khởi tố, 4.500 tỷ dùng để tăng vốn cho VNCB vẫn còn. “4.500 tỷ không phải là tiền tôi bỏ ra mà là tiền do sai phạm mà có. Sai thì phải thu hồi”, ông Danh nói.

Đại án Phạm Công Danh: CB hưởng lợi kép nếu được bồi thường 4.500 tỷ? Chiều 22/1, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh nói rằng Ngân hàng CB sẽ được hưởng lợi kép nếu các bị cáo phải bồi thường khoản tiền 4.500 tỷ đồng cho ngân hàng này.

Mức án VKS đề nghị cho Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 đồng phạm

VKS đề nghị 20 năm tù đối với Phạm Công Danh, 5-6 năm tù cho bị cáo Trầm Bê, 26 bị cáo bị đề nghị từ 2-7 năm tù, 12 bị cáo được đề nghị hưởng án treo.



Hà Hương - Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm