Bản chất thực sự của ung thư
TS.BS Hoàng Đình Chân - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt Hà Nội cho hay bản chất ung thư là sự phân chia không kiểm soát được của tế bào, khả năng tồn tại và phát triển ở các cơ quan và tổ chức lạ.
Thông thường, các tế bào lành có một tuổi thọ nhất định và tuân thủ theo một quy luật chung là phát triển - già - chết. Các tế bào chết đi lại được thay thế bằng các tế bào mới. Cơ thể có một cơ chế kiểm soát quy luật này chặt chẽ và duy trì số lượng tế bào ở mỗi cơ quan, tổ chức ở mức ổn định.
"Bệnh ung thư bắt đầu khi có một tế bào vượt qua cơ chế kiểm soát này của cơ thể, bắt đầu phát triển và sinh sôi không ngừng nghỉ, hình thành một đám tế bào có chung một đặc điểm phát triển vô tổ chức, xâm lấn và chèn ép vào các cơ quan và tổ chức xung quanh", chuyên gia giải thích về cơ chế gây ung thư.
Giải thích thêm về khái niệm "di căn" hay được sử dụng, tiến sĩ Chân cho hay, các tế bào ung thư có liên kết lỏng lẻo, dễ dàng bứt ra khỏi khối u mẹ, theo mạch máu và mạch bạch huyết di cư đến các tổ chức và cơ quan mới, bám lại và tiếp tục sinh sôi nảy nở. Quá tŕnh này gọi là di căn. Khi các ung thư chèn ép hoặc di căn vào các cơ quan giữ chức năng sống của cơ thể như năo, phổi, gan, thận… bệnh nhân sẽ tử vong.
Tại sao ung thư khó nhận biết?
Thực tế, rất nhiều bệnh nhân ung thư chỉ phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng, đồng nghĩa với việc khả năng sống chỉ tính theo tháng, thậm chí theo ngày.
Theo tiến sĩ Hoàng Đình Chân, tế bào ung thư thường phát triển từ một tế bào ban đầu và phải mất nhiều năm cho tới khi có một kích thước đủ lớn để có thể nhận thấy được. Quá trình phát triển từ một tế bào duy nhất thành một khối ung thư trải qua nhiều giai đoạn. Các căn bệnh ung thư khác nhau sẽ khác về nguồn gốc của tế bào, căn nguyên, tiên lượng và cách thức điều trị.
“Chẩn đoán ung thư sớm là việc rất quan trọng. Ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm khi căn bệnh mới bắt đầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta ít có thói quen và ít có điều kiện khám sức khỏe định kỳ. Vì vậy, căn bệnh ung thư thường được phát hiện khi đã quá muộn”, tiến sĩ Chân lo ngại.
Ung thư có phải án tử?
Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết, theo khuyến cáo của WHO, 40% trường hợp ung thư có thể dự phòng, 30% được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, 30% kéo dài thời gian sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ can thiệp các biện pháp điều trị.
Việc phát hiện muộn bệnh ung thư đồng nghĩa với khả năng rất khó chữa trị thành công, làm giảm cơ hội sống của người bệnh, từ đó làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội. Chính vì vậy, để phát hiện sớm bệnh ung thư nhằm làm tăng cơ hội sống của người bệnh, giảm gánh nặng về kinh tế.
"Bệnh lý ung thư không nguy hiểm như nhiều người vẫn nghĩ. Chúng ta có thể hoàn toàn chủ động phòng và phát hiện sớm bệnh. Ngoài chế độ sinh hoạt hợp lý, việc thăm khám sức khỏe thường xuyên sẽ giúp cho mọi người chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe và hơn hết hãy biết lắng nghe cơ thể của chính mình”, tiến sĩ Chân chia sẻ.