Ngồi vào xe của anh Nguyễn Quý Thắng, một tài xế beCar, khách thường ngạc nhiên. Xe anh luôn đặt sẵn hộp kẹo ngon hình con gấu đỏ, để dành cho gia đình nào có trẻ nhỏ quấy khóc, cần chiếc kẹo be bé để trấn an. Dưới chân khách thường có sẵn thùng nước suối, khăn lạnh màu hồng tươi. Cô gái nào ngồi xe một mình phía sau, anh để sẵn chiếc gối để khách ôm vào lòng. Không khí trong xe lúc nào cũng thơm tho dễ chịu. Với anh Thắng, chiếc xe là ngôi nhà, đón khách vào thì phải tử tế.
Theo giám khảo - MC Cát Tường, trên xe lúc nào cũng đầy đủ “đồ chơi”, nghĩa là có khăn giấy, bánh kẹo, gối, nước uống cho hành khách. |
Theo đuổi công việc nghiêm túc, không ngạc nhiên khi anh Thắng đi tới tận top 10 cuộc thi Tay lái vàngdo ứng dụng gọi xe “be” tổ chức. Anh chân thành bảo: “Tôi là người con miền Bắc vào đây lập nghiệp, đã có hơn 20 năm cầm lái. Khi tôi đạt giải thế này, anh em bạn bè họ hàng rất tự hào”.
Nói về trải nghiệm với cuộc thi Tay lái vàng, anh chia sẻ: “Dù đã chạy xe lâu năm, tôi vẫn học hỏi thêm được nhiều thứ, đặc biệt là hoàn thiện thêm cung cách làm việc, kỹ năng kiểm soát cảm xúc khi phục vụ khách hàng”.
Tài xế beCar Nguyễn Quý Thắng, một trong 10 tài xế xuất sắc của cuộc thi Tay lái vàng. |
Với anh Thắng, nghề tài xế công nghệ đã là một phần cuộc sống gia đình: “Với tôi, ‘be’ có chính sách đãi ngộ tốt. Chạy ‘be’ giúp tôi có thu nhập tốt, anh em bạn bè nhiều, tính cách vui vẻ hơn. ‘be’ cũng có nhiều chương trình cho gia đình tài xế tham gia, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Trung thu… Mỗi lần anh em tài xế đi giao lưu, tôi thường chở vợ con đi cùng”.
Còn anh Thành Phúc, một trong những tài xế xuất sắc cuộc thi Tay lái vàng lại là một người đàn ông điềm đạm, nhiều năm nay vẫn miệt mài bên vô lăng, làm việc từ cơ quan nhà nước đến công ty tư nhân. Khi rảnh, anh học thêm một ngành đại học về kinh tế.
Cũng với tâm thế cầu thị đó, anh nhìn nhận rất nghiêm túc về nghề tài xế công nghệ: “Nghề tài xế công nghệ không đơn giản. Tôi biết có nhiều anh em tài xế đường dài chuyển sang lái xe công nghệ một tuần là bỏ. Kỹ thuật lái xe chưa đủ, tài xế vừa phải thao tác trên máy, giao tiếp khách hàng, xử lý đường sá trong nội thành… Đi học lái xe là một chuyện, nhưng phục vụ hành khách lại là chuyện khác. Nhiều chương trình của ‘be’ cũng là dịp để khách hàng hiểu và thông cảm hơn cho nghề tài xế công nghệ”.
Anh Nguyễn Thành Phúc, người từng kinh qua từ cơ quan Nhà nước đến công ty tư nhân, và đang chọn TXCN như một nghề nghiêm túc và chuyên nghiệp. |
Anh kể, chính trải nghiệm sống cũng đã giúp anh ứng xử tốt hơn với khách hàng. Khách làm đổ ly chè, anh nhẹ nhàng lau dọn. Khách đòi bật tắt máy lạnh, đóng mở cửa liên tục, anh bình tĩnh phân tích ở trong xe lạnh quá, bước ra ngoài trời nắng chị có thể sốc nhiệt. Từ đó, khách dịu lại…
Không chỉ nam giới chọn nghề tài xế xe hơi công nghệ làm sự nghiệp đời mình. Cộng đồng nữ tài xế “be” chứng kiến không ít câu chuyện truyền cảm hứng từ các nữ tài xế. Khi gặp chị Hương Mỹ, nữ tài xế beCar, ít ai nghĩ chị là tay cầm vô lăng chuyên nghiệp. Tóc uốn thanh lịch, váy dài, kính mát, chị là một tay lái mạnh mẽ có hơn 12 năm kinh nghiệm chạy xe, từ ngày còn là cô gái 22 tuổi.
Chị Hương Mỹ, một trong những nữ tài xế beCar cùng quyển sổ lưu niệm, ghi dấu nhiều hành khách trên chặng đường lái xe công nghệ. |
“Xe tải, xe khách 30 chỗ, xe du lịch 16 chỗ, xe taxi… xe nào cũng chạy qua. Bằng lái của tôi lên dấu D rồi”, chị tự hào. Với chị Mỹ, việc phụ nữ chọn nghề tài xế không nhất thiết phải là kết quả của hoàn cảnh sống khó khăn. Chị kể: “Tôi mê làm chủ tốc độ, mê máy móc xe cộ, từng muốn thi vào học nghề phi công mà không đủ điều kiện, nên học lái xe hơi, đi gần hết đất nước Việt Nam rồi”.
Những chặng đường dài chị Mỹ không ngán, và 5 năm nay, nghề chạy xe hơi công nghệ trong thành phố hay vài tỉnh lân cận với chị thành cuộc vui: “Chạy xe gặp khách này khách kia, tôi thấy vui, nói chuyện cười tá lả. Tôi đem theo chăn để ngủ, lấy chăn phủ váy khi ngủ luôn. Xe tôi lúc nào cũng có bàn chải đánh răng, sữa tắm, sữa rửa mặt, sẵn sàng đua thưởng từ 12h đến 24h, không bao giờ gian lận. Tôi làm đàng hoàng, yêu thích thì sẽ không thấy mệt, không thấy cực, không thấy khó khăn”.
Trong mắt chị Mỹ, công việc này chuyên nghiệp, cả kỹ thuật cầm lái lẫn cung cách phục vụ. Xe của chị luôn có cuốn sổ nhật ký dành cho hành khách đi đường ghi lại cảm nhận sau những chuyến xe. Với chị, nó chính là “bảo vật tinh thần” cho nghề nghiệp của mình.
Công ty Cổ phần Be Group (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe be) đã cùng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) công bố thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, công nhận kỹ năng nghề tài xế công nghệ, nhằm chuẩn hóa và tôn vinh lực lượng lao động này tại Việt Nam.
Cuộc thi “Tay lái vàng” với khóa huấn luyện “Tài xế công nghệ chuyên nghiệp” đầu tiên tại Việt Nam dành cho TXCN là bước đầu tiên trong quá trình hợp tác này, nhằm trang bị kỹ năng lái xe an toàn, nâng cao tính chuyên nghiệp trong dịch vụ chăm sóc khách hàng, hướng tới nghề TXCN được công nhận là một nghề.
Bình luận