Khởi đầu với khái niệm ở vị trí không được đề cao, nghề tài xế công nghệ ngày càng chứng minh lợi thế và được lựa chọn nhiều hơn.
Tài xế công nghệ - từ lạ thành quen
Vào thời điểm dịch vụ đặt xe công nghệ bắt đầu được triển khai tại Việt Nam, câu trả lời của đa phần tài xế xe công nghệ về việc làm hiện tại là tạm thời hoặc bán thời gian. Sự không chắc chắn này một phần đến từ tâm lý nghi ngờ của cả tài xế lẫn người dùng về độ phủ sóng của ứng dụng gọi xe cũng như viễn cảnh “sớm nở tối tàn”.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ với cơ cấu dân số trẻ sẵn sàng tiếp thu cái mới của Việt Nam, ứng dụng gọi xe ghi nhận những bước tiến đáng kể. Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co mới đây chỉ ra, thị trường gọi xe Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với cách đây 4 năm. Quá trình bứt tốc này biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng và phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Đây đồng thời là câu trả lời cho những dè dặt ban đầu về mức độ khả thi của ứng dụng gọi xe khi áp dụng tại Việt Nam.
Thị trường ứng dụng gọi xe ngày càng phát triển. |
Cùng với sự mở rộng không ngừng về quy mô thị trường xe công nghệ, cộng đồng tài xế cũng ngày càng đông đảo. Tài xế công nghệ theo đó dần trở thành một nghề được ưa chuộng khi không đòi hỏi quá nhiều về kiến thức, có thể linh động thời gian và mang lại thu nhập ổn định.
Từ chỗ tạm thời, bán thời gian, nhiều tài xế gắn bó lâu hơn, cải thiện thu nhập và gặt hái nhiều thành tích. Không ít tài xế công nghệ còn cho biết tìm thấy nhiều niềm vui với công việc hiện tại. Họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, bổ sung kiến thức và kỹ năng qua từng cuốc xe.
Công việc làm bảo vệ của toà nhà tại quận 2 (TP.HCM) mang lại thu nhập không là bao so với mức chi phí cần trang trải cho hai vợ chồng và 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học của anh Khang Thái (34 tuổi). Anh quyết đình tìm đến ứng dụng gọi xe Grab vào 3 năm trước để đăng ký tài khoản, mong kiếm thêm khoản phụ thêm sau khi kết thúc ca trực tại toà nhà.
“Ban đầu, tôi chỉ chạy thử chừng 3 tiếng, từ 18h đến 21h nhưng cũng không đều đặn các ngày trong tuần. Sau đó, thời gian chạy tăng dần lên 4 tiếng, rồi 5 tiếng. Thời điểm mới chạy, tôi không kỳ vọng lắm về thu nhập có được, chỉ mong đỡ đồng nào hay đồng ấy. Nhưng không ngờ, ngoài khoản cứng trích từ mỗi cuốc xe cho tài xế, Grab còn có nhiều chương trình cộng điểm giúp tôi cải thiện thu nhập đáng kể”.
Đầu tư cho tài xế - xu hướng nâng cao trải nghiệm người dùng
Anh Khang Thái nói thêm, sau chừng 3 tháng thử nghiệm, anh bỏ hẳn công việc bảo vệ và bắt đầu nghiêm túc với nghề tài xế công nghệ. Gắn bó đã được hơn 3 năm, anh chia sẻ nghề này được biết đến nhiều hơn, khách hàng thậm chí còn không ngại tâm sự về câu chuyện họ gặp phải trong ngày, khiến nam tài xế có thêm động lực và hứng thú với nghề. Hơn nữa, anh nhìn thấy sự quan tâm cũng như nhiều thay đổi trong chính của hãng.
Chính sách của Grab mà anh Khang Thái nhắc đến trong đó có khoá học kỹ năng sơ cấp cứu dành cho các đối tác tài xế. Mỗi khoá học tương ứng 4 giờ đồng hồ, trang bị kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu. Qua đó, tài xế cũng học được thao tác sơ cứu vết thương tại chỗ cho mình, người thân và trường hợp gặp tai nạn bất ngờ trên đường.
Thường xuyên di chuyển nhiều giờ liền trên các tuyến đường khác nhau ở điều kiện thời tiết thay đổi, những tình huống bất ngờ và nguy hiểm đến với tài xế xe công nghệ sẽ không thể tránh khỏi. Vì vậy, những kỹ năng tự vệ hay sơ cứu sẽ đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của đối tác tài xế.
Tài xế công nghệ ngày càng được các hãng quan tâm trang bị kỹ năng để phục vụ khách hàng. |
Bên cạnh các khoá học kỹ năng, với mục tiêu hướng đến công nhận tài xế công nghệ là một nghề, “ông lớn” ứng dụng gọi xe triển khai chính sách bảo hiểm như bảo hiểm tự nguyện tai nạn dân sự miễn phí. Hành động này giúp tài xế yên tâm hơn, đồng thời giảm thiểu chi phí bỏ ra trong trường hợp gặp sự cố.
Tuy nhiên để tài xế gắn bó lâu dài, đời sống tinh thần góp phần quyết định không nhỏ. Vì vậy, các câu lạc bộ bóng đá, cầu lông, bơi lội cho tài xế Grab lần lượt ra đời. Ngoài giờ làm việc căng thẳng, họ có thể tham gia rèn luyện sức khoẻ, hay giao lưu gắn kết qua giải bóng đá GrabBike Cup; trổ tài nấu ăn, tương tác đội nhóm với Amazing Race…
Ngoài Grab, một số hãng xe công nghệ khác cũng rục rịch đầu tư cho tài xế. Điển hình, ứng dụng gọi xe Việt ra mắt hồi tháng 12/2018 tuyên bố lấy tài xế làm trọng tâm và hướng đến tài xế công nghệ được công nhận là một nghề với đầy đủ chế độ đãi ngộ và bảo hiểm. Theo đó, ngoài gói bảo hiểm tai nạn giao thông 24/7, hãng còn triển khai gói toàn diện gồm: Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm tai nạn toàn diện 21/7 và bảo hiểm bệnh hiểm nghèo. Ứng dụng gọi xe Việt cũng tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi nhằm giúp các tài xế gặp gỡ, giao lưu và kết nối với nhau.
Hay hãng xe công nghệ của Indonesia có mặt tại Việt Nam hồi tháng 8/2018 mới đây tiến hành phát đồng phục miễn phí cho đối tác tài xế. Áo được thiết kế cải tiến với chất vải dày dặn, mát mẻ và giữ màu lâu hơn.
Cuộc đua của các ứng dụng gọi xe công nghệ ngày càng sôi động. Trong đó, để nâng cao trải nghiệm khách hàng và mở rộng thị phần, việc đầu tư trang bị kỹ năng và chính sách đãi ngộ cho đối tác tài xế đóng vai trò tiên quyết, đồng thời được dự đoán trở thành mục tiêu trọng tâm của nhiều hãng.
Bình luận