Sáng 14/12, thượng tá Nguyễn Viết Chức - Phó trưởng Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã bàn giao vụ án tài xế gây tai nạn kéo lê CSGT trên Quốc lộ 5 cho Phòng cảnh sát hình sự - Công an Hà Nội tiếp tục điều tra.
Theo ông Chức, hành vi của tài xế Đoàn Văn Chuyên (24 tuổi, quê Hưng Yên) có dấu hiệu Chống người thi hành công vụ và Giết người.
Tuy nhiên, đứng từ góc nhìn của luật sư, ông Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyên Anh - Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi của Chuyên gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của con người được pháp luật bảo vệ. Lái xe nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Theo luật sư, nếu cán bộ cảnh sát làm nhiệm vụ phải gánh "hậu quả xấu nhất", Chuyên khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng về tội Giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự). Còn lái xe gây thương tích cho thượng úy Đạt thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng về tội Cố ý gây thương tích (Điều 104 Bộ luật hình sự).
Về nguyên tắc, khi các cơ quan tố tụng định tội danh cho Chuyên thì phải xác định khách thể xâm hại cao nhất. Cụ thể trong vụ án này phải là sức khỏe con người.
"Xét cho cùng, hành vi và hậu quả của lái xe chưa đến mức phải xử lý về tội Giết người. Mục đích của Chuyên là bỏ chạy, không chấp hành luật giao thông chứ không muốn tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ", ông Thơm nhận định.
Chuyên có 2 tiền án về tội Cướp tài sản và tội Trộm cắp. Người này vừa ra tù và hiện lái xe thuê cho một công ty sản xuất đồ gỗ ở tỉnh Hưng Yên. |
Trước đó, sáng 12/12, Chuyên điều khiển xe tải di chuyển trên quốc lộ 5. Tới ngã tư Sài Đồng - Nguyễn Văn Linh, ôtô của anh này va chạm với xe Toyota 4 chỗ.
Phát hiện sự việc, tổ công tác Đội 5 của Phòng CSGT Công an Hà Nội ra tín hiệu dừng phương tiện. Tuy nhiên, Chuyên vẫn tăng ga, kéo lê thượng úy Nguyễn Quốc Đạt trên đường.
Viên cảnh sát sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng gãy 3 xương sườn và bị chấn thương phần mềm. Cùng ngày, tài xế Chuyên đã tới Công an phường Phúc Đồng (Long Biên) trình diện.
Theo thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), tài xế thấy CSGT ra hiệu lệnh dừng mà vẫn bỏ chạy, gây hậu quả nghiêm trọng phải bị xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu đủ yếu tố cấu thành thì phải xem xét về tội Giết người, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Ông Hà cho rằng tình trạng lái xe coi thường pháp luật diễn ra phổ biến do việc xử lý chưa nghiêm. Người đứng đầu lực lượng CSGT đường bộ - đường sắt cho biết sẽ đề nghị trang bị vũ khí cho CSGT để xử lý kiên quyết các trường hợp chống đối.
Điều 9. Cố ý phạm tội
Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra;
2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Mặt khác, hành vi của lái xe ôtô đã cùng một lúc xâm hại đến 2 khách thể Bộ luật hình sự điều chỉnh đó là:
+ Hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan bảo vệ pháp luật. Cụ thể trong vụ án này Người thi hành công vụ là chiến sỹ cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ theo qui định của pháp luật vì lợi ích chung (Tội chống người thi hành công vụ)
+ Xâm phạm đến quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người (Tội cố ý gây thương tích)
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.