Khoảng 6h ngày 22/9, tại km51, quốc lộ 62 thuộc địa bàn huyện Mộc Hóa, Long An đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Vào thời điểm trên, ôtô 4 chỗ chạy từ hướng thị xã Kiến Tường về TP.Tân An bất ngờ mất lái lao xuống ruộng ven đường. Sau khi lăn nhiều vòng, chiếc xe bị ngập dần trong nước lũ đang lên, 4 người trong xe không thoát kịp nên đã tử vong.
Danh tính các nạn nhân gồm tài xế Nguyễn Đình Thi (30 tuổi), ba người còn lại là thành viên trong một gia đình gồm vợ chồng bác sĩ Đặng Chí Đông Giang (50 tuổi) và bác sĩ Phạm Thị Ngọc Liên (30 tuổi) cùng em gái ông Giang là bà Đặng Thị Tuyết Trinh.
Người dân sống gần hiện trường vụ án cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ tai nạn họ đã lật xe lên và ra quốc lộ 62 vẫy xe nhờ đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Có 2 chiếc xe khách chạy ngang qua nhưng tăng ga đi luôn, đến chiếc xe khách thứ 3 mới dừng lại. Tài xế phá cửa đưa các nạn nhân đi cấp cứu nhưng mọi thứ đã quá muộn.
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm. |
Vị luật sư lấy ví dụ một số trường hợp trẻ em thấy bạn mình đuối nước dũng cảm ra cứu hoặc nhờ người giúp. Thế nhưng hành động của người lớn trong trường hợp này rất đáng xấu hổ, đáng lên án khi nhẫn tâm bỏ mặc người bị nạn.
Tuy nhiên, luật sư Hiệp cho rằng xã hội càng phát triển thì con người càng sống cá nhân hóa. Cuộc sống sinh tồn khiến con người trở nên dửng dưng, vô cảm trước nỗi đau người khác, chỉ biết lo cho bản thân mình.
Báo chí gần đây cũng phản ánh có nhiều trường hợp giả tai nạn để trấn lột, cướp bóc trên đường hoặc giúp đỡ người bị tai nạn lại bị vạ lây (thậm chí bị người nhà nạn nhân đánh chết) và thủ tục phức tạp khi đến bệnh viện. Có thể đây là một phần nguyên nhân khiến các tài xế có tâm lý e sợ nên không dừng xe lại. Tuy nhiên, cho dù dưới góc độ nào đi nữa thì việc thấy người khác chết mà không cứu thì chứng tỏ không có trách nhiệm với cộng đồng, việc làm này có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, luật sư Hiệp cho biết hành động của các tài xế nói trên sẽ bị xử lý về tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 102 Bộ luật Hình sự. Cụ thể: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 2 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến 5 năm: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp”.
Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết thêm luật là vậy nhưng việc điều tra kết tội những tài xế xe khách nói trên là rất khó khăn vì khi đã xử lý hình sự thì phải có bằng chứng cụ thể. Nếu có căn cứ xác định các xe khách thấy tai nạn mà không cứu thì cần phải xử phạt thật nghiêm để răn đe và làm gương cho toàn xã hội.