Sáng 15/12, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) xét xử bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Tại phiên tòa, Phong khai lý do rời khỏi hiện trường và những việc đã làm từ lúc gây tai nạn đến khi đầu thú.
"Bị cáo sợ bị bắt"
Tại phiên tòa, Phong khai tối 29/1, bị cáo dùng giấy phép lái xe và chứng minh nhân dân giả để thuê xe Mercedes của Công ty TNHH K.G. do ông H.C.T. làm giám đốc. Phong hẹn bạn tới căn hộ của T. rồi cùng đi Phan Thiết (Bình Thuận).
Khoảng 5h30 sáng 30/1, Phong chở theo nhóm bạn lên đường đi Phan Thiết. Tuy nhiên, sau khi Phong khởi hành được khoảng 700 m thì xảy ra tai nạn.
Nguyễn Trần Hoàng Phong khai sau khi xảy ra tai nạn, bị cáo ra khỏi ôtô và gọi xe cấp cứu đến hỗ trợ người bị nạn. Khi gọi điện, Phong xưng tên My (tên của mẹ Phong), không khai tên thật. Sau đó, bị cáo rời khỏi hiện trường và không quay lại.
Bị cáo Phong tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bị cáo nói do hoảng loạn, không biết phải làm gì nên về nhà. Cùng ngày, Phong đón xe đi Phan Thiết rồi tiếp tục lên Đà Lạt cho đến khi quay lại TP.HCM để đầu thú vào ngày 1/2. Thời gian này, Phong vứt bỏ SIM điện thoại cùng bằng lái xe, chứng minh nhân dân giả.
Ngày 31/1, bị cáo gọi điện cho một người bạn tên D., nhờ người này chuyển 150 triệu đồng cho người bị hại; trong đó, 120 triệu đồng chuyển cho người thân của tài xế GrabBike là ông Lê Mạnh Thường (tử vong) và 30 triệu đồng cho người đi cùng là chị Nguyễn Thị Bích Hường (thương tật 79%).
Sau đó, Phong còn nhờ D. gặp anh H.T.S. (bạn Phong, người mà bị cáo lấy tên để làm bằng lái và chứng minh nhân dân giả). Qua D., Phong dặn S. nếu bị cơ quan điều tra hỏi thì khai rằng không quen biết Phong và nói Phong sẽ ra đầu thú. Cuối cuộc gọi, Phong còn dặn D. xóa toàn bộ lịch sử cuộc gọi.
Trả lời chất vấn của chủ tọa về lý do rời hiện trường sau khi xảy ra tai nạn và bỏ SIM điện thoại, Phong nói khi đó bị cáo quá hoảng loạn.
"Bị cáo rất sợ đi tù. Bị cáo sợ còn 2 em không ai lo. Bị cáo sợ cơ quan điều tra sẽ bắt được bị cáo", Phong khai tại toà.
Chưa có cơ sở xác định tài xế dùng ma túy khi gây tai nạn
Theo lời khai của Phong, hai ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn, bị cáo đến quán bar ở TP Phan Thiết, Bình Thuận, và có sử dụng ma túy.
"Trước khi xảy ra tai nạn 2 ngày, bị cáo đi Phan Thiết và đến một quán bar với người bạn. Bạn của bị cáo đưa ly nước cho bị cáo uống. Khi đó, bị cáo không biết ly nước có ma túy. Khi xét nghiệm dương tính với ma túy, bị cáo nghĩ lại thì cho rằng trong ly nước đó có ma túy", Phong khai.
Bị cáo cũng khai không sử dụng ma túy trước lúc xảy ra tai nạn (rạng sáng 30/1) cho đến khi bị cáo đi đầu thú (ngày 1/2).
Theo cáo trạng, kết quả kiểm tra sau tai nạn cho thấy Phong dương tính với chất ma túy đá và thuốc lắc. Tuy nhiên, cũng theo cáo trạng, việc xét nghiệm ma túy chỉ được thực hiện sau khi Phong ra đầu thú. Khi bị cáo gây tai nạn đến lúc đầu thú, Phong đã rời khỏi hiện trường nên VKS không có cơ sở xác định Phong có sử dụng ma túy vào lúc gây tai nạn.
Về chiếc xe, sau khi giám định, cơ quan điều tra xác nhận chiếc Mercedes chạy 84 km/h (vượt quá tốc độ cho phép 50 km/h). Chiếc Mercedes trên thuộc sở hữu của ông V.V.P. Ông P. có hợp đồng giao xe cho Công ty K.G. kinh doanh vận tải, du lịch. Với việc Phong sử dụng giấy tờ giả để thuê xe tự lái, do Phong đã vứt bỏ số giấy tờ giả này trước khi đầu thú nên cơ quan điều tra không thể thu hồi, không có cơ sở xử lý.
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong (trái) và bị hại Nguyễn Thị Bích Hường (phải) tại phiên xử sáng 15/12. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Sau vụ việc, để khắc phục thiệt hại trong vụ tai nạn, mẹ của bị cáo Phong đã nộp hơn 29 triệu đồng cho Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), bồi thường cây phượng vĩ. Sau đó, mẹ của Phong còn thỏa thuận với ông T. (chủ xe) để sửa chiếc Mercedes với số tiền 300 triệu đồng. Các bên thống nhất chia làm 3 giai đoạn để thực hiện việc bồi thường trên và ông T. đã làm đơn bãi nại đối với bị cáo Phong.
Về phía bị hại Nguyễn Thị Bích Hường, từ khi xảy ra vụ tai nạn, chị chưa nhận được lời hỏi thăm cũng như khoản bồi thường nào từ phía bị cáo Phong và gia đình.
VKS kết luận vụ tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng, 2 người bị thương nhẹ và thiệt hại tài sản trên 1,1 tỷ đồng. Phong bị truy tố theo điểm a và h, khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 3-10 năm tù.
VKS nhận định có cơ sở để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ với bị cáo do thành khẩn khai báo và đến cơ quan điều tra tự thú.
Bị cáo Phong trả lời chủ tọa phiên tòa. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước đó, rạng sáng 30/1, Nguyễn Trần Hoàng Phong lái xe Mercedes từ tầng hầm tòa nhà số 108 Hồng Hà, quận Phú Nhuận, về ngã tư Hoàng Minh Giám.
Khi đến trước nhà số 123 Hồng Hà, do không làm chủ tốc độ, Phong đã lao xe sang làn đường ngược chiều, tông vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường (tài xế GrabBike). Lúc này, ông Thường chở chị Nguyễn Thị Bích Hường (nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines) lưu thông theo chiều ngược lại.
Vụ tai nạn khiến ông Thường tử vong tại bệnh viện. Chị Hường bị gãy xương đùi, vỡ xương chậu, gãy xương bàn chân... và được kết luận có tỷ lệ thương tật 79%. Đến 22h30 ngày 1/2, bị cáo Phong đến cơ quan điều tra đầu thú.