"Trước hết, xin chúc mừng cho người phụ nữ bị cướp giật đã may mắn giành lại được tài sản. Tôi cũng chúc mừng anh Nguyễn Văn Hoàng, tài xế taxi đã may mắn không gặp phải điều gì rắc rối trước pháp luật vì tên cướp giật đã may mắn thoát chết", TS Bùi Xuân Phái - Giảng viên môn Lý luận chung Nhà nước và pháp luật, Đại học Luật Hà Nội - gửi đến Zing.vn bài viết sau khi đọc bài viết: Nếu tài xế tông chết tên cướp có thể phải đi tù.
Cần nhìn vụ việc từ 2 khía cạnh
Vụ tài xế taxi tông xe vào tên cướp ở Sài Gòn cần nhìn nhận từ hai khía cạnh. Đó là đạo đức và pháp luật.
Thứ nhất, nếu nói đạo đức hình thành từ quan niệm của con người về lẽ sống, về bổn phận làm người, về trách nhiệm với cộng đồng thì hành động của tài xế taxi gần giống hành động của Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” mà mọi người vẫn tôn vinh, ca ngợi.
Công an có mặt xử lý vụ việc anh Hoàng tham gia. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
"Nếu không thực hiện hành vi trên, tài xế taxi bị coi là người vô cảm về mặt đạo đức. Ngược lại nếu thực hiện mà gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm pháp lý".
TS Bùi Xuân Phái
Việc người dân tham gia phòng chống vi phạm pháp luật, bắt giữ tội phạm là cần thiết nhưng chỉ là ở mức độ hỗ trợ hoặc trong trường hợp rất cần thiết.
Nói đến pháp luật là nói chuyện đúng hay sai, được hay không trong mỗi hành xử cụ thể.
Pháp luật chỉ dành chỗ để bảo vệ người lái taxi trong trường hợp nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không xảy ra (tên cướp bị chết hoặc bị thương nặng) hoặc với quy định tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự nếu đủ điều kiện thực hiện trong trường hợp tình thế cấp thiết (được hy sinh lợi ích nhỏ hơn lợi ích cần bảo vệ). Hay giảm nhẹ trách nhiệm nếu đã thuộc trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Trong trường hợp trên, lái xe không có thời gian cân nhắc nên đã có hành động dứt khoát để ngăn chặn sự tẩu thoát của tên cướp, giành lại tài sản cho nạn nhân và hậu quả chưa xảy ra cho tên cướp. Do đó, trách nhiệm pháp lý chưa đặt ra cho người lái xe nhưng đó không phải là do thực hiện hành vi trong tình thế cấp thiết như đã nêu.
Tuy nhiên, đó là một kết quả may mắn cho cả ba bên (người bị cướp, kẻ cướp giật và người lái xe) mà pháp luật thì không xem xét dựa trên kết quả của sự may mắn.
Theo pháp luật, hành vi của lái xe như vậy không được khuyến khích vì nó rất nguy hiểm, có khả năng gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ cho tên cướp mà có thể cho cả những người đi đường. Ở một số quốc gia, người không có phận sự thực hiện hành vi như vậy cũng bị coi là vi phạm nhưng mức độ trách nhiệm có thể quy định khác nhau tùy pháp luật mỗi nước.
Khó cho người trong cuộc
Ở trường hợp của anh Hoàng, tôi thấy có sự mâu thuẫn giữa pháp luật và đạo đức.
Nếu không thực hiện hành vi trên, tài xế taxi bị coi là người vô cảm về mặt đạo đức. Ngược lại nếu thực hiện hành vi mà gây hậu quả thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Điều đó sẽ làm khó cho người trong cuộc.
Tuy nhiên, trong trường hợp trên, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm pháp lý của người tài xế vẫn được xác định nhưng theo khuynh hướng có lợi vì có tình tiết giảm nhẹ trong hành vi được thực hiện trong trạng thái vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. Đó là cái tình đã được đặt trong cái lý.
Nếu không như vậy, mỗi người sẽ tùy tiện ứng xử theo cảm tính, hậu quả (tính mạng con người) sẽ lớn hơn cái cần được bảo vệ (tài sản) giống như hiện tượng nhiều người đánh chết người bắt trộm chó đã từng diễn ra trong thời gian gần đây.
Trường hợp nói trên có sự khác biệt với trường hợp Lục Vân Tiên khi ra tay giúp người gặp nạn, thậm chí có thể bất chấp cả tính mạng của chính mình khi đã xả thân mình trong hoàn cảnh đó. Nhưng pháp luật coi hành vi dạng này là phòng vệ chính đáng (theo điều 15 Bộ Luật hình sự năm 1999 được sửa đổi năm 2009) là “hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”). Đó vừa hành vi đạo đức, vừa phù hợp với pháp luật.
Vì vậy, tuy cần khuyến khích làm điều tốt (theo cách nghĩ của nhiều người) nhưng phải tỉnh táo để làm cho đúng pháp luật. Muốn như vậy, phải nâng cao trình độ dân trí, nhất là sự hiểu biết về pháp luật càng sớm càng tốt.
Trong nhà nước pháp quyền, việc thượng tôn pháp luật là tất yếu, quyền con người là cao nhất.
Hiện nay, các nhà chức trách chưa thực sự thể hiện hết trách nhiệm trước các vi phạm đã làm cho nhiều người mất niềm tin. Do vậy, họ đã tự đưa ra các biện pháp giải quyết, trong đó có rất nhiều biện pháp cực đoan dựa vào cảm tính và dư luận.
Nếu ai cũng tham gia bắt cướp và tự cho mình quyền xử lý như vậy thì điều đầu tiên là rất nguy hiểm cho chính họ vì không có sự chuẩn bị trước. Trong khi đó, bọn cướp thường rất chủ động và cũng rất manh động.
Điều thứ hai là việc hành xử bất chấp pháp luật sẽ gây ra những hậu quả khinh nhờn pháp luật của chính những người tham gia do tâm lý đám đông, sự thờ ơ của chính quyền vì thói vô trách nhiệm.