“Trong quá khứ, Takata từng cung cấp những báo cáo kết quả kiểm tra túi khí không chính xác cho các hãng sản xuất ôtô với những dữ liệu có chọn lọc, không đầy đủ hoặc đã bị thổi phồng. Những sai sót này hoàn toàn không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của chính Takata. Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi tới các khách hàng”, một phát ngôn viên của Takata thừa nhận.
Bao biện cho hành vi gian dối này của mình, Takata đổ lỗi cho áp lực về việc đáp ứng kịp thời hạn giao hàng cho các đối tác. Thậm chí, hãng túi khí này còn khẳng định những báo cáo kiểm tra “giả mạo” của hãng không liên quan đến các vụ bê bối túi khí nổ. Trước đó vào 2005, kỹ sư Takata Mỹ Bob Schuber đã từng lên tiếng khẳng định: “Việc đánh bóng những dữ liệu thử nghiệm sản phẩm của hãng đã vượt quá giới hạn cho phép và rất có thể cấu tạo thành tội giả mạo”.
Trong một thỏa thuận mới đây với Cục quản lý An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), Takata đã đồng ý loại bỏ chất nổ đẩy ammonium nitrate dùng cho bộ kích nổ túi khí. Loại hóa chất này được cho là dễ bị biến chất theo thời gian, đặc biệt là trong điều kiện độ ẩm cao, khiến chúng tạo lực nổ mạnh hơn thông thường, đủ để làm vỡ bộ phận kích nổ, làm văng các mảnh kim loại sắc nhọn vào người ngồi trong xe.
Hiện Toyota đã lên tiếng khẳng định sẽ không sử dụng túi khí của Takata cho các mẫu xe của hãng. Tiếp đến, Mazda và Ford cũng tham gia vào đội ngũ “tẩy chay” loại túi khí đầy tai tiếng này. Trước việc bị các khách hàng “ruột” rời bỏ, chính Takata cũng phải bày tỏ những lo ngại về một tương lai đầy “điêu đứng”.