Chúng tôi gặp Thắng lúc em từ Hà Nội về nhà làm hồ sơ xin việc. Căn nhà cấp 4 xập xệ của gia đình cô gái xứ Nghệ (xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) không có gì đáng giá. Chỉ có những chiếc giấy khen của chị em Thắng dán kín một bức tường.
Thắng có nước da nâu đặc trưng của người con vùng biển. Nữ sinh này cuốn hút người đối diện bằng cách nói chuyện thân thiện, cởi mở và biết pha trò.
Ôsin từ thuở 13
Thắng là con thứ sáu trong số 7 chị em, gia đình thuộc diện khó khăn trong xã. Mấy chị em của Thắng chưa ai học hết lớp 7.
Nữ sinh kể, tuổi thơ là những tháng ngày đói quay quắt, lam lũ. Để có được lưng cháo qua ngày, em và các anh chị phải băng qua mấy cánh đồng, lên tận Quỳnh Thanh, Quỳnh Thạch, cách nhà 5-7 km, mót khoai đem về cho mẹ bán. Hết mùa khoai lại quay sang cào nghêu, mò ốc...
Nghỉ hè lớp 3, lớp 4, Thắng đi trông trẻ cho một gia đình trong làng. Thương bố mẹ lam lũ, vất vả mà cái nghèo vẫn đeo bám, Thắng quyết định nghỉ học lớp 7 kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Nghỉ học được mấy tháng, Thắng theo người cùng quê ra Hà Nội giúp việc, làm thuê ở một quán cơm gần Bệnh viện Bạch Mai. Đó là ngày cuối tháng giêng âm lịch năm 2006. Thời gian đầu phải thức khuya, dậy sớm làm việc, cô gái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đuối sức.
“Bàn tay em sưng tấy. Tối đến nằm ngủ, em chỉ biết khóc. Thế nhưng, nghĩ đến cảnh bố mẹ ở nhà vất vả, em tự nhủ phải cố gắng để kiếm được nhiều tiền gửi về cho gia đình”, Thắng nhớ lại.
Làm ở quán cơm được một tháng thì hay tin ông nội mất, cô gái xin nghỉ phép về nhà chịu tang. Khi quay trở lại, người ta đã đuổi em đi vì lý do nghỉ quá lâu. Thắng lặn lội khắp nơi rồi cũng tìm được việc làm nhân viên bán hoa tươi.
Thắng cùng mẹ trong căn nhà cấp bốn đã xuống cấp. Phía sau là tấm ảnh chụp lúc tốt nghiệp và giấy khen sinh viên xuất sắc. Ảnh: Duy Ngợi. |
Làm ở đây một thời gian, qua người môi giới,Thắng được nhận vào làm giúp việc cho gia đình ở quận Đống Đa (Hà Nội). Sau một năm làm việc, chủ nhà thương cô gái thông minh, chịu khó, đã xin cho vào học ở Trung tâm GDTX quận Đống Đa.
“Em không nghĩ ra thủ đô làm việc vẫn còn cơ hội theo đuổi con chữ. Đến bây giờ em vẫn chưa quên buổi tối ăn cơm xong, bác chủ nhà bảo: Con hãy tiếp tục đi học, bác sẽ tạo điều kiện cho con. Em không thể tin ở tai mình nữa, chỉ biết khóc và ôm bác chủ nhà vì quá xúc động”, Thắng nhớ lại.
Sau hơn một năm xa trường lớp, Thắng lại được khoác trên vai cặp sách tới trường. Ban ngày, Thắng đi chợ nấu cơm, làm việc nhà, tối đến cô được cắp sách đến lớp.
Làm giúp việc cho gia đình này được hai năm, lên lớp 9, vì nhiều lý do, Thắng xin nghỉ việc và chuyển ra ngoài ở trọ. Để tiết kiệm chi phí, cô cùng bạn thuê phòng cách xa trường hàng chục cây số. Ngoài giờ đi học, nữ sinh nghèo làm đủ nghề, từ nhân viên bán quần áo, chạy bàn…, để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Tấm bằng cử nhân loại giỏi
Tốt nghiệp cấp ba hệ bổ túc, Thắng chọn ngành Quản lý Văn hóa – Nghệ thuật của Đại học Văn hóa Hà Nội dự thi và trúng tuyển. Ngày cầm trên tay giấy báo nhập học, em vừa mừng, vừa lo khi khoản tiền mấy triệu đồng cùng bốn năm trời trên giảng đường ở thủ đô chi phí đắt đỏ.
Bố mẹ Thắng già yếu, các anh, chị đều đã lập gia đình và nghèo nên không thể hỗ trợ cho em. Cô gái lại đối mặt nguy cơ nghỉ học.
Được gia đình, bạn bè động viên, Thắng lại khăn gói ra Hà Nội với hành trang mang theo là mấy bộ quần áo cũ sờn, một bao tải gạo cùng mấy ký cá khô. Nữ sinh tự nhủ, hồi phổ thông mình vừa làm, vừa học được, sao đại học lại không thể?
Thắng tranh thủ làm việc nhà giúp bố mẹ. Ảnh: Duy Ngợi. |
Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, em tranh thủ nhận thêm việc pha chế ở quán cà phê để kiếm tiền trang trải các khoản như học phí, ăn, ở, đi lại, mua sách vở… Thắng bảo, nhiều lúc “nhẵn túi”, cô gọi điện cho bố mẹ gửi mỳ tôm ra ăn trừ bữa thay cơm.
Vất vả với việc làm thêm, thời gian học của Thắng không nhiều nhưng cô học trò nghèo xứ Nghệ vẫn khiến nhiều bạn bè cùng lớp phải “ghen tỵ” khi nhận được 5 kỳ học bổng của Đại học Văn hóa Hà Nội. Khóa học 2011 - 2015, em vinh dự là một trong sáu sinh viên xuất sắc của lớp được chọn bảo vệ, và em đã bảo vệ thành công luận văn của mình với điểm số 9,8.
Niềm vui chưa trọn
Sau gần ba tháng kể từ ngày tốt nghiệp đại học, Thắng vẫn chưa xin được việc làm. Lúc làm hồ sơ dự thi đại học, em hy vọng ra trường có thể trở về làm việc tại quê hương, nhưng ước mơ chưa trọn vẹn.
Mới đây, Thắng nộp hồ sơ dự thi công chức ở thị xã Hoàng Mai nhưng không đạt chỉ vì điểm thi đầu vào đại học của em thấp hơn 2 điểm so với tiêu chuẩn dự tuyển công chức của thị xã.
Bà Đậu Thị Cầu, mẹ Thắng nói giọng đượm buồn: “Vợ chồng tui nghèo khổ, cả nhà chỉ có nó may mắn có được tấm bằng đại học. Với gia đình, đó là cả niềm tự hào, vui sướng lắm, nhưng niềm vui đó vẫn chưa trọn vẹn khi nó chạy đôn chạy đáo khắp nơi vẫn chưa tìm được việc làm”.
“Em vẫn ở lại Hà Nội để làm nhân viên thu ngân, tích lũy thêm kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội việc làm. Nếu còn có cơ hội, em sẽ đăng ký theo đề án tri thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở vùng cao”, Thắng hy vọng.