Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạm dừng phiên xử giám đốc kiện CGV, đòi bồi thường 6 tỷ đồng

Tại tòa, một trong số đại diện phía bị đơn có việc đột xuất không thể tham dự phiên xử, nên phía CGV xin tạm dừng phiên tòa, được HĐXX chấp thuận.

Sáng 27/6, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử tranh chấp giữa nguyên đơn là ông Benedict Daniel Sullivan (60 tuổi, quốc tịch Anh) và bị đơn là Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV Việt Nam).

Phiên tòa do thẩm phán Đỗ Giang làm chủ tọa, giữ vai trò công tố là kiểm sát viên Trần Hồng Long.

Trước khi phiên xét xử diễn ra, CGV Việt Nam đề nghị tòa xét xử kín, đồng thời đề nghị tòa án và các bên liên quan giữ bí mật thông tin vụ án, không đăng bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa, không cung cấp thông tin cho báo chí... Song, phía nguyên đơn đề nghị xét xử công khai. Sau khi xem xét yêu cầu của các bên, HĐXX quyết định chấp thuận đề nghị của phía nguyên đơn.

Tại tòa, phía nguyên đơn cho rằng mặc dù trong năm 2014, CGV Việt Nam đã chi trả cho ông Benedict hơn 3 tỷ đồng tiền hoa hồng, nhưng số tiền này là không chính xác theo như hợp đồng lao động mà ông Benedict đã ký với CGV. HĐXX yêu cầu phía bị đơn nộp bổ sung tài liệu chứng minh các khoản tiền mà CGV đã chi trả cho ông Benedict cụ thể theo từng thời gian.

Phía CGV xin tạm dừng phiên tòa vì một trong số đại diện bị đơn có việc đột xuất không thể tham dự phiên xử. Sau khi hội ý, tòa chấp thuận yêu cầu của CGV Việt Nam. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

CGV bi kien anh 1

Đại diện nguyên đơn tại tòa sáng 27/6. Ảnh: Dương Trang.

Theo đơn kiện, ông Benedict Daniel Sullivan cho biết đã làm việc tại CGV Việt Nam từ ngày 1/1/2014 đến ngày 30/4/2015 với chức vụ giám đốc kinh doanh và tiếp thị, mức lương là 4.000 USD cùng phụ cấp, tiền thưởng hoa hồng.

Ngày 7/10/2014, Tổng giám đốc CGV là ông Dongwon Kwak bất ngờ quyết định thuyên chuyển ông Benedict sang làm "quản lý tầng" của CGV (có hiệu lực 13/10/2014 đến 31/12/2014). Thông báo này sau đó được gửi tới toàn thể nhân viên công ty.

Ông Benedict cho rằng việc CGV bất ngờ ra thông báo trên, mà không có bất kỳ thỏa thuận trước với ông, nên làm cho ông rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần dẫn đến không đảm bảo sức khỏe và phải liên tục nghỉ việc theo chỉ định của bác sĩ.

Do đó, ngày 17/12/2014, ông Benedict gửi thư cho Tổng giám đốc Dongwon Kwak xin từ chức giám đốc kinh doanh và tiếp thị từ ngày 19/1/2015.

Tuy nhiên, hôm sau (20/1/2015), ông bị buộc nghỉ làm tại CGV Việt Nam, mà không nhận được bất kỳ thông báo trước hay quyết định nào về việc chấm dứt hợp đồng lao động, ngoại trừ công văn về việc "chi trả cuối cùng".

Theo ông Benedict, trên thực tế, ông vẫn giữ chức giám đốc kinh doanh và tiếp thị đến ngày 19/1/2015. Việc CGV điều chuyển ông sang vị trí khác là không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trái pháp luật.

"Việc CGV chấm dứt hợp đồng lao động với tôi là trái quy định pháp luật và vi phạm thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng lao động", ông Benedict nêu trong đơn kiện.

Từ đó, nguyên đơn đề nghị TAND TP.HCM tuyên buộc CGV phải thanh toán cho mình tổng cộng gần 6 tỷ đồng, bao gồm: lương và trợ cấp trong 5 tháng chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; vé máy bay hạng thương gia đến Anh; tiền hoa hồng trên doanh thu mang về cho CGV trong năm 2014; bồi thường thiệt hại do chấm dứt hợp đồng lao động....

Vụ tranh chấp giữa ông Benedict Daniel Sullivan và Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam đã kéo dài gần 8 năm với nhiều lần tạm ngừng và hoãn phiên tòa để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ.

Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.

Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…

Giám đốc người nước ngoài kiện CGV đòi bồi thường gần 6 tỷ đồng

Ông Benedict Daniel Sullivan kiện CGV, đòi bồi thường gần 6 tỷ đồng vì cho rằng công ty này đã điều chuyển công việc và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật với ông.

Dương Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm