Xác định công việc phù hợp với bản thân là việc làm không hề đơn giản, đòi hỏi sự tham gia của các cá nhân và tổ chức.
Chông chênh “nhảy việc” và thất nghiệp
Thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý đó là học càng cao thì thất nghiệp càng nhiều. Hiện trạng này được chỉ rõ trong các bản tin thị trường lao động vừa qua. Theo số liệu mới nhất, quý II/2016 có đến 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp, trong khi đó chỉ có 94.800 người ở trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người thuộc trình độ trung cấp thất nghiệp.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực lao động và việc làm, đây là nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam trong thời kỳ đầu của quá trình công nghiệp hóa. Đó là thực tế chua xót về sự thất bại của thị trường lao động Việt Nam, một thị trường không có kết nối giữa cung - cầu lao động.
Các đại diện từ Chevening Việt Nam và Prudential Việt Nam giao lưu với các bạn sinh viên. |
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhưng khi tìm được việc làm, sinh viên lại “nhảy việc”. Nhìn chung, đối với thị trường lao động, “nhảy việc” là hiện tượng bình thường, phản ánh quy luật cung - cầu.
Trên thực tế, "nhảy việc" có thể xảy ra đối với sinh viên có tài năng, hoài bão lớn muốn đi làm để lấy kinh nghiệm, “nhảy việc” để thử sức mình rồi qua đó lựa chọn nghề phù hợp hơn đối với mình. Bên cạnh đó, cũng có nhiều sinh viên chưa xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình và chỉ nhận thấy những điểm này sau khi đã trải qua một số công việc nhất định.
Tình trạng “nhảy việc” từ công ty này sang công ty khác liên tục không chỉ hạn chế cơ hội phát triển, thăng tiến cho người lao động mà còn gây lãng phí cho chính họ và xã hội.
Sau vài ba lần “nhảy việc” như vậy, sinh viên lại càng thấy chông chênh khi dựng nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là cách hướng nghiệp chưa tốt, dẫn đến việc xác định sai khả năng thiên hướng của sinh viên. Không ít sinh viên có năng lực chịu ảnh hưởng lớn từ quyết định của cha, mẹ hoặc xu hướng thị trường khi chọn nghề.
Chevening Mentorship - chắp cánh cho sinh viên
Để giải quyết tình trạng trên, vừa qua, chương trình Tư vấn nghề nghiệp Chevening Vietnam (Mentorship) đã chính thức được khởi động tại TP.HCM. Chương trình này do cựu du học sinh tài năng, từng nhận học bổng Chevening của Chính phủ Anh. Mục đích của chương trình là chuẩn bị, định hướng cho các bạn sinh viên phát triển sự nghiệp của mình trong tương lai.
Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Phó TGĐ Nhân sự, Prudential Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.
|
Chương trình Mentorship giúp sinh viên định hướng xây dựng sự nghiệp của mình ngay khi mới ra trường, thay vì chỉ tìm kiếm một công việc nhất định. Đối tượng của chương trình là những sinh viên xuất sắc năm thứ 3 và thứ 4 hoặc sinh viên mới tốt nghiệp (trong vòng 6 tháng) từ các ngành luật, ngân hàng - tài chính, báo chí - truyền thông, nghiên cứu học thuật - giảng dạy tại các trường đại học ở Việt Nam…
Những cựu du học sinh thành đạt trong sự nghiệp từ chương trình học bổng Chevening sẽ trực tiếp hướng dẫn sinh viên trong 10 tháng. Nhờ đó, sinh viên sẽ hiểu rõ về lĩnh vực chuyên môn mà mình theo đuổi. Điều quan trọng nhất là giúp các bạn sinh viên khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và xác định công việc phù hợp, từ đó đưa ra lựa chọn tối ưu để phát triển tốt nhất.
Bà Bùi Thị Thanh Thúy, Phó tổng giám đốc nhân sự, Prudential Việt Nam cho biết: “Là một đối tác chiến lược của chương trình học bổng Chevening trong 17 năm qua, Prudential Việt Nam rất vinh dự khi được trở thành nhà tài trợ sáng lập của chương trình Tư vấn nghề nghiệp Chevening đầu tiên tại Việt Nam. Tôi tin rằng, sinh viên tham gia chương trình này sẽ có định hướng phát triển sự nghiệp rõ ràng sau khi tốt nghiệp và tự tin đứng trên đôi chân của mình”.
Chương trình bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 28/10 đến hết ngày 28/11, và chính thức bắt đầu vào ngày 2/1/2017. Sinh viên quan tâm có thể tìm hiểu thêm về chương trình tại trang facebook.