Do có nhu cầu tầm soát ung thư, anh Nguyễn Thanh T. (Ba Đình, Hà Nội) được tư vấn chụp cắt lớp vi tính 256 dãy. Mỗi nơi có một mức giá khác nhau. Cụ thể, tại Bệnh viện Bạch Mai, chi phí cho chụp cắt lớp vi tính 256 dãy toàn thân có giá khoảng 6,6 triệu đồng/lần; Bệnh viện Hữu nghị có giá khoảng 8,6 triệu đồng/lần.
Lợi ích của bệnh viện
Anh T. cho biết được bạn bè khoe tầm soát ung thư phải chụp CT 256 dãy mới thể hiện hết được cơ thể mình như thế nào. Nhiều người còn nói "phải chẻ cơ thể thành từng mảnh để truy tìm ung thư".
Tuy nhiên, bác sĩ Vũ cho rằng quan niệm như anh T. hoàn toàn sai vì không bác sĩ nào khuyến cáo chụp CT để tầm soát bệnh trên người bình thường.
Theo bác sĩ Vũ, chụp cắt lớp điện toán (CT scan) là thành tựu quan trọng trong chẩn đoán, đánh giá, hướng dẫn và theo dõi diễn tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, hiện nay CT scan được quảng bá như một phương tiện tầm soát các bệnh lý khác nhau trên người khỏe mạnh nhằm phát hiện bệnh sớm hơn, tăng khả năng trị bệnh. Đây là thông tin rất hấp dẫn nhưng không đúng sự thật.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nơi chịu trách nhiệm về tính an toàn và hiệu quả của các thiết bị y tế tại Mỹ trong đó có CT scan, cho biết hiện không có chứng cứ khoa học ủng hộ việc dùng CT scan toàn thân nhằm phát hiện bệnh cho người bình thường khỏe mạnh.
Chụp CT có phát hiện được ung thư?. Ảnh: Infonet. |
FDA cũng nêu rõ họ nghiêm cấm các nhà sản xuất thiết bị CT scan quảng cáo cho việc tầm soát bệnh nhưng không thể tác động đến các bác sĩ lâm sàng. Đây là cơ hội cho sự bùng phát của các “dịch vụ khám sức khỏe cao cấp”, “chụp cắt lớp toàn thân tầm soát ung thư”… trong đó có Việt Nam với hiệu quả mơ hồ nhưng mang lại lợi ích lớn cho các cơ sở y tế.
Những năm qua, bác sĩ Vũ cho rằng người dân đều muốn chụp CT để tầm soát bệnh, trong đó có ung thư. Thực tế hiện nay, trong việc sử dụng CT tầm soát bệnh, các chuyên gia đều bỏ ngỏ các câu hỏi như CT scan toàn thân có giúp xác định rõ người khỏe mạnh và người mắc bệnh.
Trường hợp thứ hai, có nhiều “dấu hiệu bất thường” dẫn đến các xét nghiệm tốn kém hoặc điều trị mà tự bản thân các dấu hiệu đó không gây tác hại đáng kể đến bệnh nhân. Ví dụ, các nốt xơ tại phổi có thể theo bệnh nhân suốt đời mà không gây bất kỳ nguy hại nào, tuy nhiên, khi “bị” phát hiện có thể kéo theo một số xét nghiệm như sinh thiết và các biến chứng do xét nghiệm gây ra như chảy máu, tràn dịch, tràn khí…
Ngoài ra, một số trường hợp đi tầm soát chỉ lạm dụng vào CT mà bỏ quên đi một số xét nghiệm trong ung thư khác. Ví dụ, một bệnh nhân có kết quả CT scan “bình thường” và nghĩ rằng mình khỏe nên bỏ qua các tầm soát như phết tế bào cổ tử cung trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Liều thuốc ảo
Nhiều người nghĩ việc kiểm tra toàn thân sẽ giúp họ ăn ngon, ngủ yên như một liều thuốc an thần. Còn bác sĩ Vũ cho rằng giống như các xét nghiệm khác, CT scan cũng có nhiều điểm yếu, dương tính giả (không bệnh thành có bệnh), âm tính giả (có bệnh mà không phát hiện được), điều này luôn tồn tại ở tất cả xét nghiệm do hạn chế cố hữu của kỹ thuật (chẳng hạn CT scan không có ưu thế trên mô mềm. Do đó, không ai dùng CT scan để tầm soát ung thư vú), trình độ của bác sĩ, với tình trạng quá tải hiện nay nhất là các bệnh viện công, việc bác sĩ bỏ ra hàng giờ để đánh giá một CT scan toàn thân trên người khỏe mạnh là điều khó thực hiện…
Thêm nữa, CT scan phát ra nhiều bức xạ đối với người chụp và tự nó đã là một nguy cơ gây ung thư mặc dù không cao. Do đó, người chụp sẽ phải đối phó với các rủi ro nêu trên mà lợi ích thì không rõ.
Các điểm cần lưu ý về CT scan toàn thân tầm soát bệnh:
- CT scan toàn thân chưa được chấp thuận là phương tiện tầm soát bệnh
- Các hiệp hội y khoa chưa ủng hộ dùng CT scan toàn thân cho người bình thường khỏe mạnh.
- Tầm soát nên hướng vào nhóm đối tượng và vị trí cụ thể, chẳng hạn tầm soát ung thư phổi chỉ dành cho những người lớn tuổi, hút thuốc lá nhiều năm.
- Bức xạ từ CT scan có thể gây tăng nguy cơ mắc ung thư sau này dù tỷ lệ rất thấp.
Tầm soát ung thư không chỉ là một, hai hoặc nhiều xét nghiệm theo thời vụ là một hệ thống theo dõi, xử trí trong nhiều năm. Việc thực hiện xét nghiệm mang tính cầu may, hú họa chỉ gây thêm tốn kém và hậu quả.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo không nên quá lạm dụng và quá tin tưởng vào các xét nghiệm vì hiện nay, không có một xét nghiệm nào giúp phát hiện chính xác tuyệt đối ung thư.
Duy trì lối sống khỏe mạnh, chích ngừa viêm gan siêu vi B và virus gây u nhú (HPV) là cách tốt giúp giảm nguy cơ ung thư gan và ung thư cổ tử cung. Chú ý đến những thay đổi của cơ thể như khối u ở vú hoặc ra máu âm đạo bất thường, đi cầu ra máu… để đến bệnh viện khám sớm là cách tốt để bảo vệ cơ thể.