NSND Bùi Bài Bình
Bùi Bài Bình là gương mặt quen thuộc với khán giả khi thể hiện rất nhiều vai diễn trong phim nhựa, truyền hình như Anh và em, Thị trấn yến tĩnh, Sơn ca trong thành phố, Ngày chủ nhật vắng chúa, Mùa ổi, Gió làng Kình, Ma làng... Năm 2014, Bùi Bài Bình được đạo diễn Vương Đức mời đóng vai Bác Hồ năm 1947 trong Người tiên tri - bộ phim dài 100 phút chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tham gia chương trình Cà phê sáng ngày 19/5, Bùi Bài Bình tâm sự: "Vào vai Hồ Chủ Tịch là sự tự hào nhưng cũng là thách thức đối với bất cứ diễn viên nào. Trước đây, đã có nhiều diễn viên thể hiện vai Bác. Khi tôi nhận được lời mời, có nhiều lời ủng hộ nhưng cũng không ít tiếng can ngăn từ bạn bè, đồng nghiệp. Đạo diễn Vương Đức còn đùa, mời Bùi Bài Bình đóng Bác Hồ mà cả giới điện ảnh ngạc nhiên".
Nghệ sĩ Bùi Bài Bình thể hiện vai Bác Hồ trong phim Người tiên tri. |
Không có được ngoại hình giống Bác như nghệ sĩ Tiến Hợi, mỗi ngày, nghệ sĩ Bài Bình mất khoảng 5 tiếng hóa trang. Những hôm đông nhất có tới 5 người make-up, một người chuyên làm tóc, một người chuyên về đôi mắt, đắp mũi, một người làm tổng thể...
"Có những hôm, tôi dậy từ 4h để hóa trang và quay sớm trong rừng. Tôi có nhược điểm là hơi cao và béo hơn Người. Cụ lúc ấy cao 1,69 m, nặng 49 kg, còn tôi 56 kg. Thế là, cứ buổi sáng, tôi uống khoảng 2-3 cốc cà phê. Sau 3 tháng, tôi giảm được 3 kg. Trước đây, răng tôi khấp khểnh, hay đóng các vai hài, bây giờ phải làm lại hết" - Bùi Bài Bình chia sẻ.
Theo lời người nghệ sĩ, ban đầu, đạo diễn Vương Đức cũng phân vân khi chọn ông vào vai Hồ Chủ Tịch. Chỉ có biên kịch Hoàng Nhuận - tác giả kịch bản phim Nhà tiên tri - là người tin tưởng ông ngay từ đầu. Sau khi hóa trang, đạo diễn mới quyết định chọn Bùi Bài Bình vì ông giống Bác nhất trong số những người được lựa chọn.
Nhắc tới những khó khăn khi thể hiện vai diễn, Bùi Bài Bình tâm sự: "Tôi phải xem lại những vai diễn Bác Hồ được các nghệ sĩ khác thể hiện trước đó. Cái gì được mình chú ý khai thác, cái gì chưa đúng mình phải tránh. Đối với một diễn viên, việc bắt chước động tác, dáng đi quan trọng nhưng không bằng việc thể hiện yếu tố nội tâm trong con người Bác - một con người nhỏ bé, chỉ 49 kg nhưng có 9 năm lặn lội ở trên chiến khu miền Bắc".
Với nghệ sĩ Bùi Bài Bình, vai diễn Hồ Chủ Tịch là một nén tâm nhang, một lời tri ân đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
NSƯT Tiến Hợi
Trong số các nghệ sĩ từng vào vai Bác Hồ, NSƯT Tiến Hợi là người để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Ông được đánh giá có ngoại hình giống Bác nhất. Dáng vóc, thần thái của nghệ sĩ khi nhập vai cũng toát lên được vẻ đẹp tinh thần, cốt cách của Người.
Nghệ sĩ Tiến Hợi sinh năm 1959, quê tại Nghệ An. Giọng nói, sự giản dị của người dân xứ Nghệ thấm đẫm trong con người cũng là giúp ông có nhiều thuận lợi khi vào vai Bác Hồ. Để chuẩn bị tốt cho việc hóa thân vào vai lãnh tụ dân tộc, nghệ sĩ Tiến Hợi dành rất nhiều thời gian để thu thập và nghiên cứu các tài liệu về Bác. Ông cũng thu băng giọng nói của Người để luyện tập ngày đêm với hy vọng mang tới cho khán giả những thước phim ấn tượng.
Nghệ sĩ Tiến Hợi trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn với vai Nguyễn Tất Thành |
Chia sẻ về vai diễn trên VTV Kết nối, nghệ sĩ từng nói: "Điểm nhấn đầu tiên cần khai thác là cái thần bên trong của vai diễn, tiếp đó là đôi mắt. Điều khó là làm thế nào thể hiện được sự khao khát, cố gắng vươn lên, tìm tòi học hỏi toát lên trong ánh mắt của Người. Đó là điều đạo diễn định hướng và tôi cũng cố gắng làm sao để thể hiện được trong bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn với vai Nguyễn Tất Thành".
Ông chia sẻ: "Sức ép do chính mình tạo ra để bản thân phải cố gắng thể hiện thành công vai diễn Bác Hồ. Còn thành công tới đâu là do sự nhìn nhận, đánh giá của khán giả". Nhờ sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lương cho mỗi lần hóa thân vào vai Bác, NSƯT Tiến Hợi gây ấn tượng mạnh với khán giả và được đánh giá là một trong những người thể hiện thành công vai Hồ Chủ Tịch thời trẻ.
NSƯT Trần Lực
Khác với nghệ sĩ Tiến Hợi, NSƯT, đạo diễn Trần Lực không có ưu thế về ngoại hình khi vào vai Tống Văn Sơ trong phim Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong nhưng các nhà làm phim đánh giá cao khả năng diễn xuất nội tâm của người nghệ sĩ.
Bản thân Trần Lực cũng khéo léo "che khuyết điểm" bằng cách tận dụng lối diễn có nghề và khả năng ngoại ngữ. Ngày phim công chiếu, dù Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong còn tồn tại nhiều sạn và vấp phải những phản ứng trái chiều của người hâm mộ, song lối diễn điềm đạm, thâm trầm của Trần Lực là điều khán giả khó lòng phủ nhận.
Đạo diễn Trần Lực không có ngoại hình giống Bác song diễn xuất của ông được đánh giá cao. |
Trần Lực chia sẻ trên VTV Kết nối: "Bởi phong cách làm phim của các đạo diễn, nhà làm phim là như thế. Họ không cần bề ngoài, dáng vẻ phải giống y như Bác. Tôi cũng rất đồng ý với quan điểm này. Một khi để người nghệ sĩ, diễn viên bị gò bó trong khuôn phép, sự sáng tạo sẽ bị triệt tiêu. Điều quan trọng của vai diễn Bác Hồ là tinh thần Nguyễn Ái Quốc".
Diễn viên Minh Hải
Vượt qua bến Thượng Hải là phần nối tiếp của Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong. Nội dung phim nói về hành trình của Bác năm 1933 khi tìm cách từ Trung Quốc sang Liên Xô. Đảm nhận vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong bộ phim này là diễn viên Minh Hải của Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong phim, anh được đánh giá là giống Bác từ giọng nói, hình thể đến cử chỉ và thể hiện tốt những cảnh nội tâm phức tạp.
Cũng trên VTV Kết nối, Minh Hải chia sẻ: "Yêu cầu tạo hình rất khó. Lúc đây, Người đang ở nước ngoài, giữa cái sống và chết. Di chuyển phải nhanh nhẹn, ánh mắt luôn đề phòng. Là người thể hiện vai Bác Hồ trong phim, tôi phải bắt được cái thần đó. Có một kim chỉ nam tôi thấy rất hay và áp dụng vào diễn xuất đó là nhận xét của một nhà thơ Xô Viết về Bác: Cả gương mặt của Nguyễn Ái Quốc toát lên vẻ lịch thiệp và tế nhị. Qua cử chỉ, ánh mắt, giọng nói thấy được thế giới của ngày mai, thấy được trời yên biển lặng, tình hữu ái của toàn thế giới".
Diễn viên Minh Hải thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc trong Vượt qua bến Thượng Hải. |
Để hóa thân vào vai diễn, Minh Hải phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu về Hồ Chủ Tịch ở giai đoạn này. Ông cũng nghiên cứu rất kỹ giọng nói của Người bởi Vượt qua bến Thương Hải thu tiếng đồng bộ. "Có điều rất khó là ở giai đoạn đó, hình ảnh và tư liệu về Bác không nhiều. Tôi đi tìm hiểu, đặt ra rất nhiều câu hỏi và vận dụng theo suy nghĩ. Sau đó, tôi phải tập từ tiếng nói cho tới thần thái của Bác và phải mất rất nhiều đêm không ngủ mới thể hiện được hình, tiếng".
"Có một cảnh quay, tôi rất cảm động, đó là cái Tết đầu tiên của Bác ở Thượng Hải. Đêm giao thừa, người Trung Hoa ăn bánh trôi, Bác nhớ về bánh chưng. Lúc đó, tôi có thoại một câu: 'Đã hai mươi năm, tôi không được đón Tết ở quê nhà'. Đây là một trong những cảnh quay khó, khi tôi diễn ở trong phim, cảm xúc rất thật và đã khóc" - nghệ sĩ Minh Hải chia sẻ thêm.
Diễn viên Mạnh Trường
Nam diễn viên gần đây được thể hiện vai Bác Hồ là Mạnh Trường trong bộ phim Thầu Chín ở Xiêm - tác phẩm điện ảnh kể về quãng thời gian Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan với bí danh Thầu Chín.
Khi đang đóng bộ phim Đường lên Điện Biên, Mạnh Trường nhận được lời mời của đạo diễn phim Bùi Tuấn Dũng cho vai Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ. Lúc đó, nam diễn viên sinh năm 1985 rất ngỡ ngàng, cảm giác sung sướng xen lẫn chút hồi hộp, lo lắng. Được tái hiện hình ảnh Bác Hồ là cả một niềm vinh dự, tự hào lớn của Mạnh Trường trong nghiệp diễn. Tuy nhiên, áp lực luôn hiện hữu khi anh sợ, mình không thể hiện hết được thần thái của Bác Hồ.
Tạo hình Bác Hồ thời trẻ của diễn viên Mạnh Trường. |
Ngoài việc tìm hiểu các tư liệu về Bác Hồ để chuẩn bị cho vai diễn, Mạnh Trường còn phải giảm 6 kg để có ngoại hình giống Người hơn. Tuy nhiên, điểm khó nhất đối với nam diễn viên khi tái hiện lại hình ảnh Bác Hồ trên màn ảnh là phải diễn sao cho đạt đến thần thái của Người.
"Bác Hồ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một con người rất đặc biệt, vừa cương quyết, mạnh mẽ vừa bao dung, ân cần, đôi khi lại khá dí dỏm, Thêm vào đó, trước đây có rất nhiều diễn viên gạo cội từng đảm nhận vai Bác Hồ. Vì thế, tái hiện hình ảnh chân thực về Bác và tạo nên dấu ấn riêng của bản thân mình trong vai diễn là một thách thức lớn đối với tôi" - Mạnh Trường chia sẻ trong bài phỏng vấn mới.
Sau khi phim ra mắt, vai Bác Hồ thời trẻ của Mạnh Trường nhận được nhiều lời khen ngợi, đánh giá cao từ khán giả.