Nam phi công người Anh (bệnh nhân 91) đã phục hồi ngoạn mục sau 10 tuần hôn mê và được ra viện ngày 11/7 để lên đường hồi hương.
Thời điểm ông nhập viện với mã số bệnh nhân 91 vào ngày 18/3, cả thế giới chỉ có gần 200.000 ca mắc Covid-19. Khi ông tự ngồi dậy vào ngày 9/6, số ca dương tính toàn thế giới đã vượt qua 7 triệu người.
"Tôi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM khi thân nhiệt khoảng 41-42 độ C và được bệnh viện đưa vào phòng cách ly. Triệu chứng của tôi lúc đó không phải nhẹ và các bác sĩ ở đấy biết chắc rằng tôi đã mắc Covid-19", bệnh nhân 91 chia sẻ với BBC.
"Fantastic!"
BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, là một trong những bác sĩ điều trị chính cho bệnh nhân 91.
98 ngày nhập viện, tròn một tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không ai tưởng tượng rằng bệnh nhân 91 có thể hồi phục. Thế nhưng, sau nỗ lực của các bác sĩ, ngày 2/6, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh.
Như tìm được "ánh sáng cuối đường hầm", bác sĩ Linh vỡ oà. Cùng ngày, trong bộ đồ phòng hộ kín mít, mồ hôi ướt lưng, bác sĩ Linh và đồng nghiệp nhìn nhau, ngỡ ngàng: Bệnh nhân 91 đang nhìn họ và nở nụ cười rất đẹp.
Đó là lần đầu tiên bác sĩ Linh nhìn thấy nam phi công cười sau những thời khắc tưởng chừng “thập tử nhất sinh”. Sau nụ cười đó, bệnh nhân 91 thốt lên câu nói đầu tiên: "Fantastic! (thật tuyệt diệu)".
Bệnh nhân 91 là "trường hợp đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ y tế Việt Nam". Ảnh: Hoàng Giám. |
"Tôi muốn về nhà"
Chia sẻ với BBC, bệnh nhân 91 cho hay tuần đầu tiên sau khi tỉnh dậy, mọi thứ rất hỗn loạn, nhưng tới tuần tiếp theo, ông đã có thể gọi điện cho bạn bè.
Bệnh nhân 91 cho biết: "Tôi muốn trở về nhà. Khi nằm trong phòng hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy quá lâu như vậy, tôi cảm thấy mình đang giành mất suất cứu chữa của người khác mà có thể họ đang bệnh rất nặng. Đó cũng là một trong những lý do tôi muốn quay về nhà.
Tinh thần của tôi đã chịu nhiều thương tổn. Ngay bây giờ đây, tất cả những gì tôi muốn làm là về nhà. Tôi rất nhớ quê hương mình, nhớ đội bóng và những trận đấu".
Phi công đến từ Scotland cũng nhớ lại thời gian mới bị bệnh và nỗi áy náy khi gây phiền phức cho người khác. Ông cho biết khi nghĩ mình bị mắc Covid-19, ông đã tự cách ly, sử dụng găng tay, xịt khử trùng mọi thứ và liên hệ với công ty để báo cáo tình hình. "Tôi cảm thấy khá bất tiện cho người dân sống trong khu nhà tôi ở vì họ phải cách ly khi tôi bị nhiễm bệnh", ông nói.
"Nếu như ở nơi nào khác trên Trái Đất, tôi đã chết"
Sau khi tỉnh lại, nam phi công 43 tuổi từng bày tỏ ông cảm thấy rất xấu hổ khi được người Việt Nam quan tâm đến như vậy.
Chia sẻ trên tờ BBC, phi công người Anh nhớ lại: "Khi tỉnh lại, tôi chưa được dùng điện thoại. Sau đó, bạn bè đã nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra và tôi cũng vào một số trang báo để đọc. Tôi rất sốc khi có thời điểm, nước Anh ghi nhận hàng trăm người chết mỗi ngày, trong khi tôi đang ở một đất nước chưa có ca tử vong nào. Trên hết, tôi biết ơn lòng quyết tâm cứu tôi đến cùng của các bác sĩ. Nếu như ở nơi nào khác trên Trái Đất, tôi đã chết".
Trong suốt thời gian hôn mê kéo dài 2,5 tháng, bệnh nhân 91 phải phụ thuộc vào máy ECMO (tim phổi nhân tạo) để duy trì sự sống. Sau khi tỉnh lại, bệnh nhân bị giảm 20 kg, các cơ trở nên yếu ớt đến mức ông phải cố gắng mới có thể đưa chân lên vài cm.
"Tôi rất may mắn khi tác dụng phụ cuối cùng chỉ là chân chưa đủ khỏe để đứng vững nhưng tôi đang tập vật lý trị liệu 2 lần/ngày. Bạn của tôi, Craig, kể lại rằng có thời điểm cậu ấy được văn phòng Bộ Ngoại giao thông báo tôi chỉ còn 10% cơ hội sống nên cậu ấy đã lên kế hoạch cho trường hợp xấu nhất. Cậu ấy trả lại căn hộ của tôi và bắt đầu chuẩn bị những việc cần làm nếu tôi trở về quê hương trong quan tài", bệnh nhân 91 kể với BBC về thời điểm sau khi tỉnh lại và gọi điện cho một số người bạn.
Bệnh nhân 91 nhận giấy chứng nhận ra viện. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy. |
"I love you"
Điều dưỡng Lê Thị Hồng Thắm, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), xung phong vào hàng ngũ ê-kíp chăm sóc bệnh nhân 91.
Mỗi ngày, cô vào thăm nam phi công với các câu hỏi bằng tiếng Anh chuẩn bị sẵn. Từ ngày bệnh nhân 91 về khoa ICU và tỉnh lại, giao tiếp được, điều dưỡng Thắm lại bắt đầu thử thách mới: Học ngôn ngữ để nói chuyện với bệnh nhân.
Ngoài thời gian cùng bác sĩ kiểm tra sinh hiệu bệnh nhân, toàn ca trực, chị Thắm mắt nhìn một hướng về màn hình máy Monitor, thao thức bất kể ngày đêm. Chị không nhớ đã nói “be stronger” với bệnh nhân 91 bao nhiêu lần từ trước đến nay.
Từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đến Bệnh viện Chợ Rẫy, hầu hết y bác sĩ đều nhận xét nam phi công “khó tính, hay cáu gắt”. Lúc tỉnh táo, còn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ông khó chịu đến mức khiến y bác sĩ "quay cuồng".
"Tôi khỏe rồi, tôi không làm. Tôi thấy không cần thiết. Tôi không đồng ý…" là những câu nói quen thuộc của bệnh nhân khi đó.
Nhưng sau khi quan tâm, chăm sóc tận tình, nam phi công đã trở thành bạn của y bác sĩ. Có hôm tập vật lý trị liệu xong, phi công mỉm cười nhìn bác sĩ, nói: "I love you".
"Cảm ơn"
Sáng 11/7, bệnh nhân 91 ngồi trên xe lăn với khuôn mặt tươi tỉnh đón nhận hoa và giấy ra viện từ tay của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi về nước. Ông chia sẻ rằng từng đến rất nhiều nơi nhưng đặc biệt ấn tượng với sự hiếu khách của người dân Việt Nam.
Bệnh nhân người Anh cho biết ông rất cảm kích trước sự tận tình, chuyên nghiệp của đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Tờ The Guardian dẫn lời bệnh nhân 91 cho hay: "Vào viện là điều không ai muốn nhưng dù sao tôi cũng đã ở đây. Tôi muốn nói lời cảm ơn đến mọi người vì những việc họ đã làm cho tôi. Trở về nhà là một niềm vui nhưng có lẽ cũng là một nỗi buồn bởi đến lúc tôi phải chia tay với những người nơi đây, những người tôi coi như là bạn".