Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự của chàng lính cứu hỏa mong nhận được cảm thông

"Có những lúc chúng tôi rất mệt mỏi nhưng được người dân đưa cho cái bánh mỳ ăn tạm mà thấy ấm lòng. Hãy hiểu hơn cho chúng tôi", chàng lính cứu hỏa viết.

Xuất phát từ việc có nhiều bình luận chê trách lực lượng phòng cháy chữa cháy như "chậm trễ", "phun nước nhỏ giọt", chàng lính cứu hỏa tên N.H. (25 tuổi, công tác tại Hà Nội) mới đây đăng những dòng tâm sự về nghề nghiệp của mình.

Bài đăng của anh nhanh chóng thu hút sự quan tâm với hơn 3.700 like (thích), cùng 1.000 bình luận sau 2 tiếng chia sẻ trên mạng.

Theo đó, N.H. mong mọi người có cái nhìn cảm thông hơn với những người lính phòng cháy chữa cháy (PCCC). Họ cũng phải trải qua không ít khó khăn để có thể hoàn thành nhiệm vụ nhanh nhất và giảm thiểu tối đa thiệt hại.

tam su cua chang linh cuu hoa anh 1
Hình ảnh lính phòng cháy chữa cháy ăn vội mẩu bánh mỳ nhỏ. Ảnh: Hải An.

"Tôi là một người lính PCCC. Gần đây, trên khắp đất nước đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn với mức độ thiệt hại nghiêm trọng.

Trên Facebook, tôi thấy có rất nhiều các bài viết được chia sẻ và cũng nhận được rất nhiều các bình luận, quan tâm. Bên cạnh các bình luận tích cực động viên, cũng có những bình luận chê trách lực lượng cảnh sát PCCC chúng tôi. Vì thế, hôm nay tôi xin được có đôi lời tâm sự gửi đến các bạn để các bạn có thể hiểu hơn về công việc của chúng tôi.

Tôi tốt nghiệp Đại học PCCC và nhận công tác tại Hà Nội - thủ đô của đất nước. Ngay từ khi còn học tập tại trường, chúng tôi đã được học đầy đủ về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên, đến khi tôi công tác thực tế, việc chữa cháy hay cứu nạn cứu hộ mới thật sự rõ ràng nhất bởi vì chẳng có đám cháy nào giống nhau cả.

Các bạn ở ngoài nhìn vào thấy chúng tôi chữa cháy chắc sẽ nghĩ là đơn giản vì nhìn thấy cứ đứng đấy cầm vòi phun vào thôi. Nhưng đâu dễ thế, nếu dễ thế thì mất tận 5 năm học tập làm gì?

Tôi không nói dối chứ lần đầu cho các bạn đứng cầm vòi thử, sau đó tôi mở van nước chắc chắn các bạn sẽ ngã ngay. Hay là một ví dụ khác, các bạn nhìn thấy chúng tôi xịt nước mà nó ra ít với nhỏ là các bạn sẽ bảo: 'Đấy! PCCC Việt Nam đấy, chữa cháy mà cứ như bọn trẻ con đi vệ sinh ấy'.

Nhưng các bạn đâu biết rằng đó cũng là chiến thuật chữa cháy cả đấy, nếu chúng tôi cứ được xe nào đến xịt tất tay xe đấy thì nói thật có 20 xe đi nữa cũng không tắt được cái đám cháy bé bé đâu.

Khi mới tốt nghiệp ra trường được một thời gian, trên địa bàn quản lý của đơn vị tôi xảy ra một vụ cháy tương đối lớn và sau khi nhận được tin báo cháy, lập tức chúng tôi xuất xe đến đám cháy.

Vì là đám cháy lớn nên đâu phải chỉ chữa cháy trong mấy tiếng là xong đâu, chữa cháy mất một ngày mới khống chế được nó. Đã thế còn phải gọi điện xin chi viện của các phòng khác nữa. Trong lúc chữa cháy, có những anh em đã bị thương khi vào cứu người, cứu tài sản.

Có những lúc thật sự chúng tôi rất mệt mỏi nhưng được người dân ở đó đưa cho cái bánh mỳ ăn tạm mà thấy ấm lòng làm sao. Nhưng mọi chuyện nó đâu đơn giản như thế, chữa cháy xong là hết đâu.

Khi xong, chủ nhà mới phát hiện tiền để trong két bị mất và giờ thì nghi ngờ đầu tiên là ai? Vâng lại là PCCC vì chỉ có các ông vào trong đó chứ có ai vào đâu. Sau đó vụ việc chuyển từ cháy nhà thành vụ án hình sự và cảnh sát hình sự vào cuộc để điều tra.

Chúng tôi như kiểu làm dâu trăm họ vậy, thật sự chúng tôi không biết nên làm như thế nào nữa.

Tôi từng thấy các bạn chia sẻ hình ảnh của đồng chí Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - trong vụ chữa cháy tại Cần Thơ ngồi ăn một cái bánh mỳ. Đối với một số bạn hiểu và thông cảm cho chúng tôi, đó là hình ảnh đẹp và cũng bạn nói là đó là trách nhiệm của chúng tôi chả có gì phải khen ngợi ở đây cả.

Đúng! Không có gì phải cần khen ngợi ở đây cả, cái chúng tôi cần ở đây chỉ là một chút động viên, khích lệ của người dân để chúng tôi vững tin và tiếp tục chiến đấu với 'giặc lửa' thôi.

Khi chúng tôi nhận được tin báo cháy, trong vòng một phút là chúng tôi phải xuất được xe ra khỏi đơn vị rồi! Tuy nhiên, để đến được đám cháy đối với chúng tôi là cả một vấn đề lớn, không cần phải nói thêm về việc tham gia giao thông của dân ta hiện nay.

Khi chúng tôi đến được đám cháy lại được dân tình bàn tán: 'Gọi từ cách đây cả tiếng rồi mà giờ mới thấy đến', 'phun vào đây này, xịt vào kia kìa'…

Hãy hiểu chúng tôi, chúng tôi luôn cố gắng hết sức có thể và chỉ mong mọi người hiểu hơn về nghề. Cuối cùng xin cảm ơn mọi người đã lắng nghe để có thể hiểu hơn về công việc mà chúng tôi đã chọn!".

Chia sẻ với Zing.vn, N.H. cho hay anh không muốn gây tranh cãi mà chỉ mong mọi người có cái nhìn thông cảm hơn với những người làm nghề như mình.

"Không nhiều người hiểu về tính chất của nghề phòng cháy chữa cháy. Công việc của chúng mình cũng bận rộn lắm, không nhàn như mọi người thường nghĩ. Chúng mình luôn muốn hoàn thành nhiệm vụ nhanh và giảm thiểu thiệt hại nhất", N.H. bày tỏ.

Người mẹ bật khóc khi nhảy cùng con trai bại não trong đám cưới

Nhờ người chồng mới, Jo Atrill đã thực hiện được ước nguyện nhảy cùng con trai bị bại não ngay trong hôn lễ của mình.

Hàn Triệt

Bạn có thể quan tâm