Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự của chàng trai tự sát vì nghiện chụp ảnh

"Nó không phải chỉ là chuyện đùa. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và có tỉ lệ tự tử cực kì cao", bác sĩ điều trị cho chàng trai lên tiếng.

Danny Bowman, 19 tuổi, dành 10 tiếng đồng hồ một ngày để chụp đến 200 bức ảnh tự sướng qua iPhone. Cậu học sinh này đã bỏ học, đóng cửa nằm nhà trong suốt 6 tháng để chụp cho được bức ảnh tự sướng hoàn hảo. Cuối cùng, quá chán nản vì không sao có được bức hình ưng ý, cậu đã tự tử. Nhưng may mắn xảy ra khi mẹ cậu phát hiện kịp thời.

Danny được coi là trường hợp đầu tiên tại Anh mắc chứng nghiện chụp ảnh tự sướng. Cậu hiện phải điều trị tích cực tại bệnh viện để vượt chứng nghiện công nghệ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và mặc cảm ngoại hình – trạng thái lo âu quá mức về những khiếm khuyết cơ thể.

Đây không phải trường hợp thanh thiếu niên duy nhất nghiện tự sướng.

Bác sĩ David Veal, một nhà tâm thần học tại phòng khám London nơi Danny đang điều trị cho biết: “Danny là trường hợp quá khích nhưng đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Nó không phải chỉ là chuyện đùa. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và có tỷ lệ tự tử cao”.

Những bác sĩ thần kinh hàng đầu tại phòng khám Danny đang điều trị cho biết nghiện chụp ảnh tự sướng giờ đã được rộng rãi công nhận là một bệnh lý tâm thần.

Chụp ảnh tự sướng đã trở nên một cơn sốt, thậm chí một cơn cuồng quét qua những phương tiện truyền thông xã hộ trong 5 năm trở lại đây. Từ các ngôi sao đến các nhà chính trị, thậm chí cả Giáo hoàng Francis cũng đều đăng ảnh tự sướng của mình lên mạng. 

Năm ngoái, từ điển Oxford đã chính thức công nhận từ "selfie" là từ của năm sau khi các nghiên cứu cho thấy tần số sử dụng của nó đã tăng vọt 17.000% trong vòng 12 tháng.

Những dòng tâm sự của Danny Bowman

Danny bắt đầu đăng những bức ảnh tự sướng của mình lên Facebook từ khi cậu 15 tuổi. Cậu nhớ lại: “Mọi người bình luận về các bức ảnh nhưng trẻ con có thể nói những lời rất ác độc. Một đứa nói tôi là thằng mũi to, đứa khác thì chê da xấu quá. Thế là tôi bắt đầu chụp nhiều hơn để được bạn bè khen ngợi. Ai nói lời hay ho thì tôi vui sướng nhưng chê bai thì tôi lại suy sụp”.

Mơ ước của Danny là trở thành người mẫu nam nhưng cậu bị từ chối sau một buổi kiểm tra vào năm 2011. Kể từ đó, cậu càng chìm sâu vào chụp ảnh tự sướng.

Danny nhớ lại: “Họ nói cơ thể tôi không có dáng hình của người mẫu, da dẻ thì lại sần sùi. Tôi quá xấu hổ”.


“Hôm đó, khi về nhà, tôi đứng trước gương và tự chụp ảnh mình. Bức này không thích nên lại chụp thêm bức khác. Lên đến ba chục bức thì tôi ngồi xóa đi từng tấm”.

Đó là những ngày tháng đầu tiên của chuỗi thời gian dài 2 năm cậu bị chứng nghiện chụp ảnh tự sướng. Trong vòng 2 tuần lễ, Danny đã chụp 80 bức tự sướng mỗi buổi sáng trước khi đi học.

“Đồng hồ báo thức kêu, tôi chụp 10 tấm trước khi dậy đánh răng rửa mặt. Sau khi tắm rửa, chụp thêm 10 tấm. Sau khi bôi kem dưỡng da, lại bấm thêm 10 tấm. Tôi duyệt mấy bức trên điện thoại, chỉnh sửa ảnh sáng rồi chụp thêm 10 bức nữa hoặc đi sang phòng khác, chụp thêm khoảng 20 bức. Sau đó là hàng giờ ngồi xem ảnh, săm soi từng nét, nhìn xem da dẻ thế nào. Chụp mọi lúc mọi nơi từ sáng đến tối, cả trên giường, cả trong nhà tắm.

Rồi tôi nghiền ngẫm các bức hình của thần tượng mình là Leonardo DiCaprio, để tự chụp những bức ở những tư thế tạo dáng khác nhau sao cho trông mình giống như anh ấy. Vậy nhưng tôi chỉ thấy mình là một kẻ xấu xí”, Danny kể.

Cậu tâm sự thêm: “Điều duy nhất tôi quan tâm khi ấy là mình có điện thoại trong tay để có thể thỏa niềm khao khát chụp ảnh mình bất kỳ lúc nào trong ngày. Cuối cùng tôi nhận ra rằng sẽ chẳng bao giờ mình chụp được một bức hình khiến mình thỏa mãn, khiến cơn nghiện ấy mất đi. Ngay khi nhận ra điều ấy, tôi đã vô cùng suy sụp.

Lúc nào tôi cũng muốn có được bức tự sướng hoàn hảo nhưng khi nhận ra mình không thể làm được, tôi chỉ muốn chết. Tôi đã không còn bạn bè, học hành lỡ dở, mất sức khỏe và suýt thì mất mạng”.


Danny đã lên tiếng với hy vọng rằng có thể giúp đỡ những người đang hủy hoại cuộc đời mình bằng việc gắn kết mình thiếu lành mạnh với những phương tiện truyền thông xã hội.

“Họ không ngờ rằng khi đăng một bức hình của chính mình lên Facebook hay Twitter, mọi thứ như cơn lốc không thể kiểm soát. Cảm thấy rằng mình phải được mọi người chấp thuận khen ngợi và nó có thể hủy hoại con người ta.

Nó cũng là một vấn đề như ma túy, rượu hay cờ bạc. Tôi không muốn bất cứ ai phải trải qua những gì mà tôi đã đi qua”.

http://thebox.vn/doi-song/nhung-tam-su-cua-chang-trai-tu-sat-vi-nghien-tu-suong-3035112/

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm