Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm sự xót xa của ca sĩ giọng trầm đẹp nhất Việt Nam

Mỹ Hạnh - giọng ca buồn nổi tiếng Sài thành một thời - vẫn giữ được vẻ đẹp mặn mà, trẻ trung mà dung dị, thảnh thơi.

- Lần về Việt Nam này chị có dự định gì đặc biệt?

- Tôi về Việt Nam khoảng 4 tháng rồi. Tôi cũng hay đi đi về về chứ không định cư hẳn bên Mỹ. Tôi qua đó vì công việc của ông xã, sẵn kết hợp tham gia một số chương trình luôn.

Tôi thuộc tuýp người không đặt trước bất cứ thứ gì. Từ xưa đến nay, tôi thường để mọi việc diễn ra tự nhiên. Có thể tôi sống hơi chậm một chút. Tất nhiên tôi vẫn đặt ra những mục đích, mục tiêu để hướng tới. Nhưng ở độ tuổi hiện tại tôi không đặt ra những mục tiêu khiến mình bị áp lực. Tôi dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, còn công việc tôi nghĩ cần có cái duyên. Nếu cố gắng quá mình sẽ không còn là mình nữa.

Cuộc sống hiện tại tôi thấy cũng đầy đủ rồi. Nếu nói quá đầy đủ thì hơi tự tin nhưng với tôi như vậy cũng ổn lắm rồi. (cười)

Ở tuổi ngoài 50, Mỹ Hạnh vẫn giữ sự trẻ trung trong tâm hồn lẫn ngoại hình.
Ở tuổi ngoài 50, Mỹ Hạnh vẫn giữ sự trẻ trung trong tâm hồn lẫn ngoại hình.

- Vậy Mỹ Hạnh của hôm nay khác Mỹ Hạnh của ngày xưa như thế nào?

- Khác nhiều lắm! Hồi xưa tôi sôi nổi hơn. Tính tôi ngày đó đã thích là làm, không thích thì bỏ, ít ai cản được lắm (cười). Nhưng từ lúc có gia đình, tuổi cũng đã đứng lại, bản năng của phụ nữ mạnh hơn nên tôi sống khác đi nhiều lắm. Tôi sống chậm lại, đằm hơn, mọi thứ cũng nhẹ nhàng, không còn đặt nặng nữa.

- Từng nói mình cô đơn trong nghề, không có bạn, còn cuộc sống hiện tại của chị thế nào?

- Thật ra, cái cô đơn đó cũng là do mình. Tôi có lẽ không hợp với cuộc sống trong showbiz. Mỗi lần đi tập hoặc đi diễn, tôi thích ngồi nhìn đồng nghiệp tập, diễn xong thì tôi đi về. Tôi không trách việc mình không có bạn vì phần do phía tôi không "mở cửa" nữa. Tôi hầu như chỉ dành thời gian cho gia đình. Thế nhưng, tôi vẫn có một số đàn em trong nghề, đó là những ca sĩ trong phòng trà của tôi ngày xưa. Đến nay các em thường liên lạc, thăm tôi.

- Hài lòng với cuộc sống hiện tại, tiếng hát Mỹ Hạnh đã "bớt buồn" chưa?

- Tôi nghĩ không phải do cuộc sống buồn khiến tiếng hát buồn vì đó là thứ mình không thể điều khiển. Dù có nhiều cảm xúc nhưng nếu mình không kiểm soát thanh đới cũng không thể hát buồn được. Người ta bảo giọng hát tôi buồn, là do bẩm sinh đã như vậy.

Có thể là do những ngày tháng bôn ba, lận đận trước đây nên khi tôi hát, người nghe cảm thấy buồn. Giọng tôi muốn hát vui cũng khó. Nên tôi nghĩ chuyện đời tư có thể khiến một vài đêm diễn mình hát nhập tâm hơn nhưng không quyết định được một giọng hát buồn đâu.

- Những năm tháng ở đất khách quê người, chị thường làm gì để duy trì niềm đam mê ca hát?

- Nói ra hơi mâu thuẫn, tuy là ca sĩ nhưng không có thành viên nào trong gia đình hay hàng xóm từng nghe tôi hát ở nhà. Tôi không bao giờ hát trong nhà. Ngay cả khi tập bài, tôi cũng chỉ nghe và hát thầm một mình. Có thể mấy tháng trời tôi không đụng đến mic nhưng khi bước lên sân khấu, bản năng tự nhiên lại biến tôi thành ca sĩ.

- Khán giả nghĩ Mỹ Hạnh là người hát trầm, sâu, đẹp và thổn thức nhất, còn chị nghĩ sao?

- Trước hết, tôi rất tôn trọng cảm nhận của khán giả. Được mọi người khen về giọng hát chính là phần thưởng lớn nhất người ca sĩ. Nếu bạn sâu hơn, bạn sẽ thấy chất trầm cũng có nhiều loại. Có loại giọng có thể không trầm lắm, như Thanh Lam, Ngọc Anh, Hồng Ngọc… nhưng bẩm sinh thanh đới có chất thổ nên khi họ xuống trầm nghe rất khào và sâu.

Còn loại xuống rất trầm nhưng người nghe không biết do giọng họ có độ trong, sáng như giọng của Phương (ca sĩ Thu Phương), giọng chị Cẩm Vân ngày xưa, chị Bảo Yến … Khi 10 tuổi, tôi hát trong những chương trình thiếu nhi, giọng đã ồ ồ như thế (cười). Có thể nói đây là một may mắn Tổ nghiệp cho tôi.

- Từng là một ca sĩ rất được yêu thích ở Sài Gòn, sao chị lại chọn sang hải ngoại lập nghiệp?

- Tôi cần nói lại là tôi không lập nghiệp ở hải ngoại. Tôi chỉ tham gia chương trình của một trung tâm ở hải ngoại với tư cách khách mời. Tôi thuộc tuýp ca sĩ có đối tượng khán giả riêng, mà khi họ nghe tôi hát, họ có thể yêu mến mãi dù tôi không cần làm gì cả. Đó là niềm hạnh phúc của tôi.

Ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với quy luật đào thải và học cách chấp nhận. Còn với tôi, khi thời điểm đẹp nhất đã qua, tôi vẫn sẽ cống hiến nhưng ở một mức độ nào đó để khán giả khi nhìn thấy tôi, họ vẫn thấy đẹp, hay thay vì thốt lên: “Ôi, sao vẫn còn xuất hiện vậy?”. Do đó, tôi hạn chế xuất hiện tối đa vì tôi trân trọng khán giả của mình.

- Khi những đồng nghiệp cùng trang lứa như Thanh Lam trở thành diva gạo cội, Thu Minh đang ở đỉnh cao sự nghiệp… thì cái tên Mỹ Hạnh lại đang mai một dần. Chị có thấy tiếc nuối?

- Tôi nghĩ, nghề này cần một chữ duyên, nhưng chữ duyên của tôi lại không phải trong nghề. Người ta được cái này sẽ mất cái kia. Có những người nổi tiếng, họ lên hạng nhanh kinh khủng trong khi mình cùng thời không được như vậy, không có nghĩa là mình đã thua.

Những nghề khác, khi tạo ra sản phẩm, bạn có thể mắt thấy tai nghe để đánh giá ai làm ra sản phẩm tốt hơn nhưng với nghề ca hát, một người hát hay chưa chắc đã hợp thời. Nó còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác cả về cuộc sống, lối sinh hoạt, tính cách… của người ca sĩ. Còn chuyện nổi tiếng hay không, đó là cảm nhận của khán giả. Khán giả của tôi tuy không nhiều nhưng không có nghĩa họ thua những khán giả khác.

"Hạn chế xuất hiện tối đa là vì tôi trân trọng khán giả của mình".

- Nhưng tôi vẫn nghĩ không có gì là muộn cả, liệu chị có dự định ra một album dành cho những người yêu mến tiếng hát Mỹ Hạnh?

- (Cười to) Cái này tôi sai thật! Tôi cũng không hiểu tại sao mình không có ý định làm album dù vẫn biết điều này không đúng. Với nghề này, bạn phải yêu nghề, phải xông xáo, tranh đấu thì Tổ mới đãi. Còn với tôi, chắc Tổ thấy con nhỏ này lười quá, không biết trân trọng nên Tổ không đãi! (cười) Nhưng biết sao được vì đó là bản tính tôi rồi, không sửa được. Vấn đề không phải là muộn, mà là tôi không muốn. Lúc ở Mỹ cũng nhiều người hỏi album của tôi đâu, tôi chỉ biết cười trừ.

- Phòng trà 2B từng là cái nôi đưa rất nhiều tên tuổi ca sĩ lên sân khấu chuyên nghiệp. Vậy có bao giờ chị nghĩ mình sẽ chuyển sang vai trò đào tạo thế hệ măng non cho dòng nhạc tiền chiến, trữ tình như trước đây không?

- Tôi hiểu và cũng từng nghĩ tới điều đó. Nhưng tôi thấy tình hình ca nhạc bây giờ sao phức tạp quá! Tôi băn khoăn nếu mình đào tạo ca sĩ thì sẽ đào tạo theo hướng "ăn chắc mặc bền" hay "ăn xổi ở thì"? Nếu "ăn xổi ở thì" thì rất nhiều, còn ăn chắc mặc bền liệu ca sĩ có đủ kiên nhẫn cùng mình không? Còn cuộc sống, còn tham vọng nổi tiếng… nên thường khi chưa đủ độ chín thì đa phần ca sĩ đã bung ra rồi, mình cũng không giữ được.

- Nếu được làm lại, chị muốn thay đổi điều gì?

- Chắc do trời thương nên cuộc sống hiện tại của tôi vẫn êm đềm, bình lặng. Nếu bạn thay đổi một điều trong quá khứ, bạn sẽ đánh mất nhiều thứ của hiện tại. Mà chưa chắc điều bạn muốn thay đổi đã là vĩnh cửu, vậy thì tại sao không cố giữ lấy những thứ vĩnh cửu bên cạnh mình? Đến độ tuổi bây giờ, không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai cũng không muốn xảy ra thêm sự thay đổi nào nữa, trừ khi bắt buộc. Tôi trân trọng cuộc sống quý giá hiện tại.

Đến bây giờ, sự ra đi của anh Duy Quang (ca sĩ Duy Quang) vẫn còn ám ảnh tôi. Phần vì vợ chồng tôi với anh Duy Quang rất thân. Đến tháng 12 năm nay là anh ấy mất được 3 năm. Vào ngày giỗ năm ngoái, tôi cố gắng tìm tin tức, một dòng chia sẻ về anh nhưng không thấy. Tôi không trách ai cả. Anh Duy Quang rất nổi tiếng, hát rất hay nhưng anh mất chỉ 2 năm thôi, mọi thứ đã trôi đi tất cả. Nên đôi khi tôi thấy xót xa cho những đồng nghiệp của mình. Chỉ vì là người nổi tiếng nên cuộc sống của bọn tôi đôi khi không còn là của mình.

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/250480/tam-su-xot-xa-cua-ca-si-giong-tram-dep-nhat-viet-nam.html

Theo Gia Bảo/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm