Bằng một giọng văn khá đanh đá, Kovacs đã phản biện lại khá nhiều nội dung trong chương trình giảng dạy của nhà trường. Tuy nhiên, không phải độc giả nào cũng đồng tình với Kovacs.
Chỉ sau vài giờ, bức thư đã thu hút tới 125 lời bình luận dài với nhiều quan điểm trái chiều. Khá nhiều ý kiến cho rằng anh cực đoan và có phần "khệnh khạng" khi khoe kiến thức của mình, số khác thì cho rằng Kovacs đã trách nhầm người. "Tôi thấy thương cho ai trót làm cô giáo trong thư", một độc giả bình luận. "Không có cơ sở nghiên cứu khoa học nào hậu thuẫn cho những luận điểm trong thư cả", một độc giả khác phán xét.
Phần đa các bình luận đều cho rằng, dù có nhiều điểm không đồng ý với cách dạy của nhà trường hiện tại, thì việc trẻ đến trường vẫn cần được khuyến khích, vì đó là môi trường tiếp xúc hoàn toàn khác biệt so với gia đình. " Dù dạy học tại nhà cũng là một lựa chọn được nhiều người tán thưởng, nhưng tôi tin rằng đó không phải là giải pháp cho những vấn đề mà các trường học chính thống đang mắc phải. Mà thậm chí ta có nguy cơ đẩy con mình quay trở lại thế kỷ 19", một độc giả kết luận.
Dưới đây là nguyên văn bức thư:
"Chào cô!
Chúng ta chưa từng gặp nhau, nhưng chắc cũng sẽ sớm gặp thôi. Tôi cần phải xin lỗi trước vì tôi sẽ là một phụ huynh của lớp cô dạy. Cô biết rồi đấy, phụ huynh là những kẻ "thường xuyên theo dõi, xoi mói nhất cử nhất động ở lớp và có thể nhảy cồ lên chỉ vì một lỗi lầm nho nhỏ".
Tuy nhiên, cho phép tôi tự bảo vệ mình một chút: Tôi nghĩ là bản thân mình hiểu chuyện trường lớp hơn khá nhiều bậc phụ huynh khác. Tôi đã từng gõ đầu trẻ và giờ thì đang đào tạo cả giáo viên nữa nên cập nhật được khá nhiều thông tin về những gì đang diễn ra trong các lớp-học-ngày-nay.
Hiện tôi đang dạy nhiều môn liên quan đến chính sách giáo dục (Úi chà) và tâm lý học giáo dục (wow) ở cấp đại học. Và cô có biết rằng phần lớn các chính sách giáo dục hiện hành của chúng ta đang như tát vào mặt khoa học hay chăng?
Lấy thí dụ thế này, khoa thần kinh học dạy cho chúng ta biết là không một bộ não nào giống bộ não nào. Thế nhưng nhà trường lại đang cố dạy lũ trẻ trở nên giống với chúng bạn.
Vâng, đó chính là lý do vì sao tôi lại viết lá thư đường đột này tới cô. Tôi nhận ra rằng công việc của cô là phải đảm bảo cho con trai của tôi có thể "Viết số từ 0 đến 20. Đưa ra số đồ vật tương ứng với những con số đó (với 0 phải hiểu là không đưa ra vật thể nào cả)", theo đúng như yêu cầu của chính quyền bang và liên bang.
Thực tế thì thằng bé có thể đếm đến 10 khi chúng tôi đếm Angry Birds cùng nhau, nhưng nó gặp rắc rối với việc truyền đạt. Bất cứ thứ gì nhiều hơn 12 đều là một bí ẩn với thằng bé, nhưng nó rất háo hức được khám phá thế giới bên ngoài.
Dựa trên những gì mà tôi đã học được suốt 18 năm qua trong lĩnh vực giáo dục đào tạo này, tôi buộc lòng phải nhắn gửi cô rằng, tôi không quan trọng chuyện con trai mình tốt nghiệp cuối năm mà vẫn không viết được số đếm đến 20 đâu. Nó sẽ phải học được kỹ năng đó khi cuộc sống của nó cần đến việc đó.
Giờ thì nó chỉ mới 5 tuổi đầu và chúng tôi đang cân nhắc cho nó đi học muộn một năm. Bởi như cô biết đấy, mẫu giáo lớn là nấc tiếp xúc đầu tiên của trẻ với tiểu học. Mà nó thì 5 tuổi non (sinh nhật của nó rơi đúng hè). Tôi khí là lo ngại về việc thằng bé sẽ bị yêu cầu phải "khám phá những công cụ số trong việc viết và đăng tải các bài viết với sự hướng dẫn và hỗ trợ từ người lớn, cũng như biết cách phối hợp với các bạn cùng lớp".
Tôi đánh giá cao sự hướng dẫn và hỗ trợ từ người lớn, nhưng tôi thực sự bối rối về việc con tôi sẽ "đăng tải bài viết" của nó. Cô thấy đấy, nó không biết viết. Liệu cô có biết có nhiều nước không dạy trẻ đọc và viết trước 7 tuổi hay không?
Vâng, đúng thế, BẢY TUỔI!
Có rất nhiều sự thay đổi diễn ra trong đầu một đứa trẻ 5 tuổi. Có lẽ những quốc gia này chọn cách tiếp cận chậm rãi hơn chăng?
Tôi mong muốn con mình tránh được tất cả các bài kiểm tra cấp cao. Trên thực tế, tôi đang tìm kiếm những cơ sở pháp lý để có thể bảo vệ nó khỏi những kỳ sát hạch đầu vào, những bài kiểm tra quy chuẩn trong toàn bộ thời gian mà thằng bé theo học ở hệ thống giáo dục này.
Để chuẩn bị cho những bài kiểm tra đó, tôi đã nhận được từ hồi đầu hè một danh sách những "từ ngữ khuyên dạy" trước khi thằng bé chính thức nhập học. Tôi cần phải xin lỗi cô vì đã chả động gì đến danh sách đó cả.
Việc chúng tôi làm là tạo ra một con robot từ hộp bìa để thằng bé chơi cùng, còn phòng sinh hoạt chung biến thành Lego Land, được bảo vệ bởi một đội quân gồm toàn các chiến binh hình vuông và hình chữ nhật. Chúng tôi dành nhiều thời gian ngoài trời, bơi, chạy và đi dạo. Nhưng chúng tôi không dạy trước và cũng không học trước từ ngữ.
Đã có những nghiên cứu phản đối việc bắt trẻ phải ghi nhớ các thông tin rời rạc mà không gắn liền với một bối cảnh cụ thể trong đời thực. Tôi thuộc phe tin rằng trẻ em cần được tham gia những thách thức phù hợp với tuổi của chúng và sử dụng các con số để xây dựng một pháo đài (con trai tôi là chuyên gia về việc này), sau đó tự quyết định những từ ngữ nào sẽ mô tả về pháo đài đó một cách chính xác nhất. Nó có thể sử dụng từ ngữ một cách vụng về, đôi lúc rất buồn cười và thật may là không một từ nào nằm trong cái danh sách "khuyên dạy" cả.
Hẳn cô đang thắc mắc tôi hy vọng thằng bé sẽ học được gì ở lớp của cô. Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc này, và chỉ cần cô hiểu được một nửa những gì tôi muốn nói thì tôi đã mắc nợ cô rất nhiều rồi - một món nợ mà chắc chắn không bao giờ tôi có thể trả hết được.
Tôi mong muốn thằng bé được kết thúc năm học này đúng như một đứa trẻ mẫu giáo lớn, dạn dĩ hơn, can đảm hơn một chút, biết trắc ẩn và yêu thương hơn một chút. Nó đang thể hiện rất tốt, nhưng tôi hiểu môi trường cạnh tranh mà nó sắp phải bước vào, và tôi cũng biết môi trường đó có thể ảnh hưởng đến con người ra sao. Thiết nghĩ không cần thằng bé phải vừa khóc vừa chạy về nhà chỉ vì lý do không đọc được nhanh bằng bạn ngồi cạnh.
Sẽ quá tuyệt vời nếu trong thời gian học, thằng bé học được tính kiên trì, kiểm soát được sự bốc đồng, kiên cường và hiểu thế nào là tư duy. Tôi tin rằng những kỹ năng và năng lực này mới giúp nó tiến xa trong cuộc sống, dù cho bây giờ nó có giỏi về từ vựng theo như yêu cầu hay không.
Quan trọng nhất, tôi cần nó rời lớp mà vẫn giữ được tình yêu đối với học hành. Nếu như thằng bé về nhà mà vẫn yêu trường, yêu lớp, khi ấy cô đã thực sự thành công và tôi sẽ không tiếc lời khen ngợi nỗ lực của cô. Hiện tại, thằng bé giống như một cỗ máy học. Nó khao khát muốn hiểu mọi thứ hoạt động như thế nào, háo hức muốn học đọc, học viết. Tôi tin rằng duy trì được khao khát đó sẽ là một áp lực, một thách thức không nhỏ với cô.
Nhưng tôi có thể giúp cô. Nếu như cô cần gạch để đếm, vật phẩm để vẽ hay hộp để xếp hình, xin đừng ngại gì mà cứ nói. Tôi có thể dễ dàng thu thập những thứ đó và tạo điều kiện cho các bạn học của thằng bé được hưởng cơ hội trải nghiệm giống nó cũng là việc rất quan trọng với tôi. Nếu như chúng không hào hứng học hỏi, chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ là thế giới này rặt những người không biết sáng tạo hoặc tưởng tượng là gì.
Dù vậy, mong cô biết rằng những điều chúng ta đang tranh cãi thuộc về chính sách giáo dục. Không phải lỗi của cô, tôi biết. Chỉ là thực tế nó thế.
Tôi tin rằng chúng ta có thể làm thay đổi thế giới bằng cách nuôi dưỡng những đứa trẻ này, và nơi để khởi đầu chính là lớp học của cô. Xin hãy cho tôi biết mình có thể làm gì để hỗ trợ cô trong năm học này. Nếu như tôi có đảo qua đảo lại quá nhiều hay có tỏ ra quá khẩn trương thì mong cô hiểu rằng, chỉ là tôi muốn đảm bảo cho con trai mình, cũng như những đứa trẻ khác quanh nó, được hưởng sự giáo dục tốt nhất có thể mà thôi... Một sự giáo dục đồng nghĩa với tình yêu học tập chứ không phải ghi nhớ những con số vô hồn.
Kính thư".