Trong các buổi phỏng vấn xin việc, khi được hỏi: “Công việc này cần thời gian linh hoạt, và luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng, em thấy như thế nào?”, phần lớn người trẻ chẳng ngần ngại khẳng định “Em làm được ạ”. Không chỉ mới bắt đầu công việc, nhiều người không thể từ chối những yêu cầu như vậy dù đã đi làm rất lâu.
Thế rồi, để chứng minh cho câu “em làm được” đó, người trẻ đánh đổi thời gian và sức khỏe. Việc đó giống như khởi đầu đường đua với một chiếc xe mới, dạt dào nhiên liệu, trơn tru và chưa hề hỏng hóc, sẵn sàng lao đến thách thức trên đường đời. Chiếc xe mới chính là cơ thể, sức khỏe, tuổi trẻ mà ai cũng từng hoặc đang có.
Đa phần người trẻ không ngại dùng sức khỏe, thời gian để chứng minh câu nói: “Em làm được”. |
Giữa thời đại ai cũng muốn chứng tỏ năng lực, khẳng định giá trị để người khác công nhận và nhớ đến, mỗi cá nhân lại càng phải hy sinh gấp 2-3 lần... Dự án kéo dài khiến cả tháng, bạn không thể có một cuộc nói chuyện cùng bố mẹ. Bạn có tiền mua hàng hiệu, nhưng vừa ăn cơm, vừa trả lời khách hàng. Bạn đi du lịch, check-in nơi sang trọng, nhưng thời gian nghỉ ngơi thực sự tính bằng phút. Bạn có một phòng ngủ “chill sương sương” nhưng chưa có giấc ngủ đủ 8 tiếng. Không thể phủ nhận “hard work paid off”, mọi cố gắng sẽ được đền đáp, nhưng đánh đổi bao nhiêu mới đủ và lúc nào nên dừng lại thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Những người trẻ, đặc biệt thế hệ Millennials, từng chia sẻ rộng rãi lời trăn trối của Steve Jobs sau khi cha đẻ của Apple qua đời: “Giường đắt nhất trên thế giới là gì? Đó là giường bệnh.Bạn có thể sử dụng một người lái xe, kiếm tiền cho bạn nhưng không thể có người chịu bệnh tật cho mình”.
Một người nổi tiếng như ông khi viết những lời cuối cùng, vẫn là đau đáu đấu tranh giữa sự nghiệp và sức khỏe. Chúng ta đang “tạm ứng” sức khỏe của mình, mà quên rằng số tiền kiếm ra hôm nay có thể phải dùng để mua lấy sức khỏe sau này. Hãy thử làm khác đi so với chu trình mỗi ngày của bạn, xem có gì nghiêm trọng nếu ngừng làm việc sau 18h? Câu trả lời là không.
Tuy nhiên, có thể cuộc đời bạn sẽ dừng lại nếu tiếp tục làm việc sau 18h, 22h, thậm chí 1h hay 4h ngày hôm sau. Bạn có thể tắt điện thoại, mail hay tin nhắn công việc. Buổi tối thực sự là thời gian để bạn sạc pin cho bản thân sau ngày dài làm việc. Sức khỏe chính là nền tảng quan trọng và vững chãi nhất để theo đuổi các mục tiêu khác trong cuộc sống. Hiểu được mối tương quan hai chiều giữa sức khỏe và sự nghiệp luôn là điều cần thiết để mỗi người vạch ra kế hoạch dự phòng cho riêng mình.
Người trẻ nên dành thời gian thực sự cho bản thân. |
Dù vậy, bên cạnh nhóm người bỏ quên sức khỏe, cộng đồng trẻ ngày nay còn có một bộ phận rất chăm chỉ chia sẻ kiến thức để nâng cao thể chất và tinh thần, giữ cán cân cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Giữa điểm nóng dịch bệnh Covid-19, nhiều bạn trẻ vẫn giữ tinh thần sống tích cực và chủ động bảo vệ sức khỏe, thường xuyên cập nhật tình hình theo cách hài hước, lạc quan và đưa ra lời khuyên để mọi người bảo phòng chống dịch cho bản thân cũng như cộng đồng. “Chủ động” là từ khóa với thế hệ Millennials, vì thế họ không ngồi yên để chờ vấn đề xuất hiện. Đừng đợi dịch bệnh đến rồi mới tìm cách phòng tránh, hãy luôn bảo vệ cơ thể trước mọi biến cố khác trong đời.
Từ mỗi suy nghĩ, hành động như thói quen ăn uống, rèn luyện cơ thể đến giải pháp tài chính dự phòng cho những rủi ro bệnh tật, chúng ta đều có thể tạo nên sự thay đổi tích cực để bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân yêu. Các khoản dự phòng “back-up” cho kế hoạch ngăn ngừa rủi ro nên được cho vào danh sách phải có - “must-have list” để tự tin thực hiện các mục tiêu còn lại trong cuộc sống.
Hãy chuẩn bị cho mình những kế hoạch dự phòng cho sức khỏe để chinh phục những mục tiêu khác. |
Thế hệ Millennials ngày nay đã tiến những bước xa hơn trước, xuất phát từ tầm nhìn và hành động, trách nhiệm với bản thân trước khi bước ra cộng đồng. Sẽ luôn có thách thức trên đường người trẻ đi tìm cái mới, và trong vòng luẩn quẩn giữa nhiều lựa chọn công việc - sức khỏe - hạnh phúc, họ sẽ có phương án thích hợp cho chính mình.
Bình luận