1. Xem địa điểm thi, phòng thi, bảng niêm yết số báo danh
Trước khi thi 1-2 ngày, phụ huynh nên đưa các em đi xem địa điểm thi, phòng thi, bảng niêm yết số báo danh. Sau đó, cha mẹ tính toán thời gian đi lại cần thiết, phương tiện di chuyển hợp lý (xe máy, xe ôm, xe bus, taxi…), cũng như đường đi từ nhà đến trường thi hợp lý nhất, để khỏi lúng túng bị động trong các buổi thi.
Phụ huynh đưa thí sinh đi thi đại học. Ảnh: Lê Hiếu. |
2. Vật dụng cần thiết cho các buổi thi
Ngày cuối cùng trước ngày thi, phụ huynh nên cùng các em kiểm tra lại những vật dụng cần thiết cho tất cả các buổi thi như: Thẻ học sinh, giấy báo thi, bút bi (2-3 cái cùng màu...), bút chì đen loại mềm (2B đến 6B), dụng cụ gọt bút chì, tẩy, com-pa, thước kẻ, giấy thấm lót tay, nước tinh khiết...
Có một số vật dụng như máy tính (loại được phép sử dụng), bảng Lôgarit, bảng tuần hoàn Mendeleev, tập Atlat Việt Nam... chỉ mang đi trong những buổi thi cần thiết.
3. Đồ vật, vật dụng không được mang vào phòng thi
Nhắc các em tuyệt đối không mang đến trường thi sách giáo khoa, tập vở ghi bài, đề cương ôn tập... (hoặc bất cứ tài liệu nào dính dáng đến bài thi), bút xóa, bút đỏ, điện thoại di động, máy nghe nhạc... Chỉ nhắc thôi không đủ, phụ huynh nên cùng con em kiểm tra kỹ. Nếu để các em mang những thứ đó đi thi, hậu quả có thể rất tai hại.
4. Cách ăn mặc khi đi thi
Trước khi đưa các em đến trường thi, buổi nào phụ huynh cũng nên để ý xem các em ăn mặc thế nào, có nghiêm chỉnh không.
5. Để đồng hồ báo thức.
Phụ huynh đánh thức các em, tránh ngủ quên (nhất là các buổi thi chiều). Mùa thi nào cũng có em lật đật mắt nhắm mắt mở đến trường khi giờ làm bài đã bắt đầu. Dù thương các em, nhưng đương nhiên hội đồng thi vẫn không để cho thí sinh đi muộn vào phòng thi được.
6. Trước khi đưa con đi thi, phụ huynh nên dành ít phút để ân cần nhắc các em những điều cần thiết:
- Nhớ bình tĩnh đọc kỹ đề thi để có sự chủ động khi làm bài. Cả bài tự luận lẫn bài trắc nghiệm, câu nào dễ làm trước câu nào khó làm sau. Đừng bị sa lầy giữa chừng vì một câu khó nào đó.
- Nhất thiết dành 10 phút cuối buổi để đọc lại bài làm. Nếu xong sớm, không vội vàng nộp bài, nên đọc kỹ, soát đi xét lại, để sửa lỗi. Sửa được lỗi nào, dù nhỏ, cũng làm tăng giá trị của bài. Trong một kỳ thi, 1/4 điểm cũng quý, thậm chí có thể "lật ngược thế cờ", từ trượt thành trúng tuyển.
- Nhất thiết không quay cóp và cũng không cho bạn quay cóp. Không ít thí sinh bị hủy kết quả thi vì cho người bên cạnh xem bài.
- Chú ý giữ gìn để có một tư thế đúng mực, một cách ứng xử văn hóa trong phòng thi: Không quay ngang quay ngửa, gây ồn làm phiền người khác. Thưa gửi lễ phép với các thầy cô giám thị khi được hỏi, chào thầy cô nghiêm chỉnh khi vào phòng thi cũng như khi ra về.
7. Thận trọng trong đi lại
Việc đi lại của các em trong thời gian này cũng cần thận trọng hơn, tránh để xảy ra va chạm hoặc tai nạn làm ảnh hưởng đến việc ôn tập và cuộc thi. Trong những ngày các em đi thi, gia đình nên bố trí người đi cùng để có thể kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố (xe hỏng, tai nạn...) thì yên tâm hơn.
Các em ngoại tỉnh hay nhà ở xa địa điểm thi, cần cố gắng thu xếp ở trọ gần phòng thi để đỡ phải đi lại xa, tránh được sự cố giao thông (như va quệt, tắc nghẽn, lạc đường, đường ngập úng khi trời mưa...) làm chậm giờ.
8. Chế độ ăn uống trong ngày thi
Để các em ăn sáng ở nhà hoặc ở quán nào quen thuộc, đáng tin cậy về khâu vệ sinh, nhưng nhất thiết cần chuẩn bị chai nước tinh khiết cho các em mang vào phòng thi. Kinh nghiệm cho biết, nếu uống lung tung ở những điểm bán giải khát đáng ngờ, các em rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng hay thậm chí là ngộ độc. Gây nên tình trạng mất sức, thậm chí kiệt sức vì "sự cố" này, hậu quả thế nào không nói đã rõ.
Ngoài ra, để bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho con, các bậc phụ huynh có thể tham khảo, nhờ tư vấn về các thực phẩm, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho con như các sản phẩm chiết xuất từ sâm.