Vợ lùi cho chồng tiến
- Anh đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã được một thời gian. Hẳn là cá nhân anh đã phải hy sinh những show diễn ở bên ngoài rất nhiều?
- Tôi từ chối nhiều chứ. Đó cũng là một sự hy sinh đấy. Trong 2 năm vừa rồi, tôi hủy ít nhất 4 show ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi như thế là hàng trăm triệu đồng rồi. Nhưng tôi ở lại để tập trung cho nhà hát đi vào quy củ, ổn định. Muốn sốc lại tinh thần anh em thì cá nhân tôi phải làm gương trước đã, chứ cũng đi suốt nữa thì nói làm gì. Thay vì đi xa như trước đây, giờ tôi chỉ chọn những show quanh Hà Nội hoặc TP.HCM thôi.
- Chính vì thế mà ca sĩ Trọng Tấn đã có lựa chọn bỏ công việc nhà nước để được tập trung cho công việc biểu diễn. Trong khi đó, anh lại làm ngược lại?
- Đời sống thì ai cũng cần tiền cả, tôi cũng thế thôi. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, tôi không coi nặng chuyện kiếm tiền nhiều nữa. Người nghệ sĩ làm nghề đích thực, toàn tâm toàn ý với nghệ thuật thì không bao giờ giàu được. Nói như thế không có nghĩa là mình xoay sang làm quản lý là để kiếm tiền. Tôi luôn có suy nghĩ rằng, cơm không ăn gạo còn đó. Thay vì chúng ta lấy một lúc thì rải ra, không đi diễn lúc này, họ sẽ mời mình lúc khác. Đương nhiên là cũng không được để cho mình nghèo. Vẫn phải kiếm tiền nuôi vợ nuôi con cho đúng trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình, nhưng chất lượng sống mới là điều quan trọng.
Ca sĩ Tấn Minh. |
- Có câu nói “Đằng sau một người chồng làm sếp là một người vợ làm ô sin”. Ý nói, mọi việc trong nhà đều do người phụ nữ đảm nhiệm. Anh thấy câu này ứng thế nào ở gia đình mình?
- Đúng là từ khi lên làm lãnh đạo thì tôi ít thời gian cho gia đình hơn. Dù không nói ra nhưng tôi biết Thu Huyền đã lùi lại một bước cho chồng tiến lên. Tôi biết ơn và xúc động về điều đó. Nhưng vợ và các con chưa bao giờ than phiền là thiếu thốn tình cảm của bố vì tôi học được cách sắp xếp thời gian cho khoa học hơn, cân đối hơn. Vợ chồng vẫn có thời gian đi thư giãn, con cái vẫn được đi chơi cùng bố mẹ. Tuy nhiên, cũng có lúc tôi chạnh lòng khi nghe con hỏi: “Bố ơi, tối nay bố có đi làm không?”. Ngay lập tức tôi ôm con vào lòng vỗ về. Và trong khoảng thời gian ít ỏi của buổi chiều, tôi bù đắp bằng cách chơi với con, trò chuyện, hỏi han để con hiểu công việc của bố. Nếu về sớm được thì tôi sẽ vào nằm cùng cho đến khi con chìm vào giấc ngủ, sáng vẫn đưa con đến trường…
- Vậy sao trong liveshow tới đây của anh, nghệ sĩ Thu Huyền lại từ chối tham gia. Phải chăng vì dòng nhạc của hai người khác nhau hay vì nguyên nhân nào khác?
- Lúc đầu tôi mời tham gia cùng thì cô ấy từ chối, còn bây giờ được nhiều người thuyết phục nên chưa biết kết quả ra sao. Có một chút riêng tư dẫn đến sự ngập ngừng này là Huyền muốn ngồi xem thật trọn vẹn show diễn của chồng như một khán giả, một người thân. Ngoài ra, tôi biết Huyền ngại xuất hiện, không muốn bị hiểu nhầm rằng vợ hát chỉ để tạo chiêu trò cho show diễn của chồng. Nếu có xuất hiện thì cũng phải rất tự nhiên, mộc mạc thôi…
Không bao giờ sai khiến nhau làm việc nhà
- Vừa làm quản lý, vừa làm nghệ sĩ biểu diễn, lại vẫn phải chu toàn việc nhà. Có khi nào anh cảm thấy quá tải?
- Cũng có lúc về nhà mệt mỏi, tôi muốn thả lỏng hết tất cả để được nghỉ ngơi, không phải làm gì nữa và tôi tin là Huyền sẽ không phàn nàn gì điều đó. Chuyển hết gánh nặng cho người phụ nữ thì mình sẽ được nhàn thân đấy, nhưng lòng tự trọng của người đàn ông không cho phép mình làm như thế. Gọi là làm nhưng thực ra là lăng xăng một tí cho gia đình có không khí, con cái ríu rít xung quanh, thấy mỏi mệt cũng như tan biến đi hết.
Gia đình hạnh phúc của Tấn Minh. |
- Hình như đàn ông bị sai khiến làm việc nhà thì rất hay phản kháng, trốn tránh?
- Chuẩn đấy. Cho nên trong nhà tôi không bao giờ có chuyện sai khiến, kể cả con cái. Ví dụ cần lấy cái gì đó thì cũng sẽ nói: “Con ơi, bố nhờ chút”, “Con lấy hộ bố cái này, cái kia…”. Từ đứa trẻ con còn như vậy huống hồ là vợ chồng với nhau. Bao giờ cũng là “Anh ơi, làm giúp em cái này nhé”, nên văn hóa ấy cũng lây sang các con. Cũng là một cách nói, nhưng nó làm cho mình thấy dễ chịu và hứng thú hơn khi làm việc. Còn đương nhiên là với những chuyện lớn thì vợ chồng phải bàn bạc để đi đến thống nhất chứ không còn là “nhờ vả” nữa.
- Có lần anh nói: “Gia đình tôi không bao giờ có chuyện cãi nhau”. Nhưng có người cho rằng, không cãi nhau bao giờ cũng là một dạng bi kịch. Anh thấy sao về nhận định này?
- Trên lý thuyết là như thế. Không cãi nhau cũng chưa hẳn đã hay và cãi nhau cũng vậy. Cái gì cũng có hai mặt. Tranh luận thì có nhưng cãi nhau thì không, đơn giản vì chúng tôi đủ hiểu biết để thấy thế nào là đúng - sai. Đó là chưa kể đến việc trong gia đình tôi có một nguyên tắc, khi một người to tiếng thì người kia tự động nhịn đi. Nó đã thành một thói quen. Chúng ta chỉ sai khi bị mất kiểm soát, mất bình tĩnh, nhưng gia đình tôi luôn chủ động tránh đi khi một người to tiếng, cho nên cãi nhau là không bao giờ xảy ra.
- Qua trường hợp của anh, hình như câu nói “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” dường như không còn chính xác nữa?
- Câu nói đó ngày xưa thì đúng, nhưng trong xã hội hiện đại lại chưa đủ. Phải là hai ngọn lửa thì mới ấm được. Phụ nữ giữ lửa cho gia đình thì đàn ông là lửa của phụ nữ. Có qua có lại, chăm sóc lẫn nhau mới điều hòa được cuộc sống.