Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tấn Minh: 'Trông tôi hiền chứ rất quyết đoán và quyết liệt'

"Con người ta sống thế nào thì hát như thế. Bản thân tôi chỉ cần xem cô ca sĩ hát một bài tôi biết cô ấy sống thế nào", nam ca sĩ Hà thành chia sẻ.

Tấn Minh: 'Trông tôi hiền chứ rất quyết đoán và quyết liệt'

"Con người ta sống thế nào thì hát như thế. Bản thân tôi chỉ cần xem cô ca sĩ hát một bài tôi biết cô ấy sống thế nào", nam ca sĩ Hà thành chia sẻ.

>> 'Đột nhập' tổ ấm của Tấn Minh - Thu Huyền
>> Tấn Minh thay đổi nhiều khi làm bố lần hai

Tôi đến gặp Tấn Minh với hai hình ảnh trái ngược trong đầu: một ca sĩ Tấn Minh chỉn chu và lịch lãm trên sân khấu với một Tấn Minh giản dị tới khó tin trong những lần xuất hiện hiếm hoi ở các sự kiện. Tôi hỏi anh sao lại có sự đối lập đến thế, đâu là con người thật của Tấn Minh. Và bí quyết nào để một ca sĩ tên tuổi như anh lại sống được một cuộc đời hai mặt mà vẫn êm đềm như thế, giữa một showbiz nhiều khi điên đảo lợi danh, tình ái?

Là đàn ông cần phải quyết đoán

- Anh mang một dáng vẻ rất hiền lành ở ngoài đời sống, ngay cả trong những sự kiện, khi người ta lộng lẫy áo quần thì sự giản dị lại làm anh tách biệt. Thế nhưng lên sân khấu anh lại sang trọng với những bộ vest cắt cúp hợp lý. Đâu mới là con người thật của anh?

- Ở đời, mỗi người có một tiêu chí sống khác nhau. Tôi nhận được nhiều lời mời dự tiệc nhưng chỉ tham gia những sự kiện mình thấy có ý nghĩa với cộng đồng, còn nếu sự có mặt của mình chỉ tạo đủ màu sắc cho cuộc chơi thì tôi không đến. Thêm nữa, xuất hiện ở bất cứ đâu tôi quan trọng cảm giác của mình hơn, nghĩa là phải thấy thoải mái chứ không bị những thứ xung quanh chi phối.

Còn trên sân khấu tôi cảm thấy mình phải hoàn thiện, phải chỉn chu vì tôn trọng khán giả. Một nửa cuộc đời tôi đã nỗ lực vì khán giả thì nửa còn lại phải để tôi sống thoải mái, đúng với bản thân mình chứ.

- Hát những khúc tình ca đầy lãng mạn, vậy Tấn Minh ngoài đời thì lãng mạn tới cỡ nào?

- Con người ta sống thế nào thì hát như thế. Bản thân tôi chỉ cần xem cô ca sĩ hát một bài tôi biết cô ấy sống thế nào. Nếu tôi không lãng mạn thì tôi làm sao hát được như thế. Tuy nhiên sự lãng mạn trong cuộc sống khác rất nhiều trong tác phẩm. Chẳng hạn trong cuộc sống vợ chồng, đâu nhất thiết phải suốt ngày thể hiện bằng câu nói: "Anh yêu em lắm" hay cái gì tương tự. Đôi khi vợ chồng với nhau chỉ cần thể hiện bằng một cái vuốt má, một cái ôm ghì chặt lúc riêng tư thì người bạn đời đã cảm thấy đã ấm áp rất nhiều rồi. Mà tôi tin phụ nữ nhạy cảm lắm nên chẳng dại gì mà sắp đặt điều đó. Phụ nữ họ là người hưởng thụ mà nên họ tinh lắm.

- Có phải vì lãng mạn mà anh chọn lấy vợ cũng là nghệ sĩ, diễn viên chèo “đào lẳng” Thanh Huyền?

- Thật ra, trước khi yêu nhau, tôi và Huyền từng là bạn thân và chia sẻ được với nhau tất cả mọi thứ. Đó cũng là sự thuận lợi để bắt đầu cho cuộc sống gia đình. Tôi là người may mắn, nói ra thì bảo nịnh vợ, nhưng Huyền rất biết điều. Cô ấy luôn hiểu tôi, cái gì tôi không thích sẽ không làm, dù cô ấy thích. Tôi trông hiền thế này thôi nhưng rất quyết đoán và quyết liệt. Cái này cũng không hay lắm, nhưng cái gì tôi cho là sai thì mãi mãi sai, nhưng cái tôi cho là đúng thì tôi sẽ thuyết phục những người xung quanh của mình tin là đúng.

- Chà, lãng mạn thế nào chưa biết nhưng tôi thấy anh có đặc trưng rất lớn của người đàn ông miền Bắc: gia trưởng và quyết đoán?

- Cái đấy nó giúp mình rất nhiều, đặc biệt với người đàn ông, tôi cho rằng đức tính đó rất quan trọng. Có phải lúc nào cuộc sống cũng bình yên đâu. Nếu mình không quyết liệt, nhiều việc không thể giải quyết được. Tôi là người không bao giờ đi nửa đường thì dừng lại. Cái gì tôi định làm tôi sẽ đi tới cùng.

- Anh rời quê năm 16 tuổi, một mình lập nghiệp ở Hà Nội. Đấy có phải là một biểu hiện của tính quyết liệt trong anh từ rất sớm?

- Ngày tôi ra đi, mẹ chỉ nói một câu: "Con là người đàn ông, con nên chịu trách nhiệm với bản thân mình. Đi mẹ không cấm nhưng vất vả con phải chịu, không được kêu ca". Gia đình tôi không khá giả, nhà có ba anh em trai, trước khi tôi lên Hà Nội học thì ba mất. Học nhạc chi phí rất tốn kém, nhưng lên nhập học ngay sau tuần đầu tiên tôi đã được các anh em trong ban nhạc Hoa sữa mời đi hát. Cát-xê ngày đó là 8.000 đồng, mỗi tháng được đi hát vài lần là sống ổn. 

Làm tất cả cũng chỉ đổi lấy sự thanh thản

- Ở tuổi thiếu niên, cá tính, sống một mình ở thành phố lớn, lại sớm làm ra tiền, anh có khá đủ điều kiện để… sinh hư. Tôi lấy làm lạ là vẫn có một Tấn Minh "sạch" scandal như hôm nay?

- Tôi nghĩ nền tảng giáo dục gia đình quan trọng lắm. Làm ra tiền sớm hơn các bạn nhưng tôi biết sợ từ sớm nên dù có kiếm tiền như thế hay kiếm tiền nhiều nữa cũng chẳng thay đổi được. Tôi cũng đi bar, vũ trường, có những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng với bạn bè nhưng không hư. Tôi không phải là người nổi loạn nên những điều sai cũng không bao giờ trở thành quá lớn.

- Nhưng một người luôn suy tính rất kỹ càng mọi sự đúng sai rồi mới hành động thì không biết rằng sống như thế có cứng nhắc vả tẻ nhạt lắm không nhỉ?

- Tôi chưa bao giờ cảm thấy cuộc đời mình tẻ nhạt. Tôi có tham vọng nhưng lại có tình yêu nghề say đắm hỗ trợ thành ra tôi đạt được nó. Tôi từng trăn trở nhưng không bon chen, đố kỵ, luôn làm hết lòng nhưng mọi người công nhận tới đâu, cuộc đời cho mình tới đâu thì mình hưởng thế, không oán giận.

- Anh đề cao sự quyết liệt, nhưng tôi lại thấy ở đây có gì như là yên phận so với các nghệ sĩ bây giờ. Anh không thấy  mình tụt hậu à?

- Tôi chẳng sợ tụt hậu hay cái gì tương tự. Tôi chỉ muốn mọi người nhớ tới mình về âm nhạc, còn con người mình chỉ cần người thân, bạn bè hiểu chứ không nặng nề áp lực vì danh tiếng gì cả. Nói thật, cuộc đời này con người ai cũng phấn đấu vì công danh, sự nghiệp, tiền tài cuối cùng là để làm gì? Thực sự là chỉ đạt được sự thanh thản thôi. Vậy hiện tại mình đang có nó, tại sao mình đánh đổi.

- Anh đã bao giờ phải đứng trước một quyết định khó khăn, phải chọn lựa giữa sự thanh thản và thành công mà nhiều người phải thèm muốn chưa?

- Có chứ, tôi từng đứng trước nhiều tình huống phải "cân não" chính mình. Chẳng hạn, năm 1998 tôi tốt nghiệp Nhạc viện, khi ấy có một trào lưu nghệ sĩ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp và tất cả họ đều thành danh. Tôi mất gần hai năm gần như không làm việc, cứ ngồi nhìn xã hội trôi đi. Hồi đó nghèo, thèm tiền lắm chứ, nhìn bạn bè đồng trang lứa kiếm tiền ào ào như rác nhưng tôi chỉ ngồi im vì sợ sai. Tôi cho rằng thời điểm đó chỉ cần một tích tắc quyết định sai, cuộc đời sẽ rẽ sang hướng khác.

Tôi không muốn vào Sài Gòn vì nhịp sống ngoài này phù hợp với tôi hơn. Tôi đã nghĩ, nếu đi, có thể kiếm ra nhiều tiền, nổi tiếng hơn nhưng 5 năm nữa nền công nghiệp ấy nó có vắt kiệt mình không. Tôi rất sợ nếu không có thời gian sống, không có thời gian tái tạo thì tên mình sẽ chết. Tư duy đó kéo tôi ở lại Hà Nội theo con đường đã chọn. Quyết định đó cho tới hôm nay tôi thấy mình đã đúng. Ở lại Hà Nội tôi có cuộc sống thanh thản, có gia đình, có tiền, có nhà, có xe. Ít nhất tôi luôn thấy ấm áp, không có việc gì làm mình đau đầu.  

Đàn ông phải biết chia sẻ với vợ mình

- Có vẻ như anh rất chú trọng đến sự thoải mái của chính mình, dù chỉ là ở trang phục hay những quyết định quan trọng trong sự nghiệp. Với gia đình, anh có áp dụng nguyên tắc ứng xử này không?

- Tất nhiên nó được chuyển hóa mềm mại hơn. Bởi gia đình có nhiều chuyện khác. Cả hai vợ chồng không bao giờ dùng chữ "phải", với con tôi cũng hạn chế tối đa. Tôi chỉ dùng từ "quan điểm". Chẳng hạn: "Quan điểm của bố thế này, anh có quan điểm thế này…".

Ngay chuyện ăn sáng của con, chúng tôi cũng không bắt ép. Mỗi tối trước khi đi ngủ, Huyền sẽ hỏi: "Ngày mai con muốn ăn gì, chồng muốn ăn gì". Con sẽ quyết định và vợ chồng tôi sẽ tôn trọng. Nhưng có việc con làm không đúng, tôi sẽ gọi con chấn chỉnh: "Theo quan điểm của bố, việc này con làm không đúng".

Có những việc con nghe ra và hiểu ngay, có việc con không thông, tôi chỉ nói: "Con hãy tin bố đi, bố là người lớn. Bố không tin bố đúng tất cả, nhưng bố đang bình tĩnh nhìn sự việc và quan điểm của bố là...". Và thường con tôi đồng ý. Trẻ con nếu cáu gắt ầm ĩ thì đừng tin con sẽ nghe mình, cho dù có thể nó không dám cãi.

- Cuộc sống vợ chồng với hai đứa con nhỏ sẽ có lúc dù không muốn cũng sẽ xảy ra những va chạm. Anh đã làm gì để chia sẻ với vợ mình, một người phụ nữ cũng là nghệ sĩ?

- Đúng là cuộc sống vợ chồng chỉ lãng mạn nhất giai đoạn mới cưới, giai đoạn đó còn tuyệt vời hơn cả lúc yêu, mọi cái trọn vẹn, tình cảm đầy đặn hơn, đúng nghĩa vợ chồng hơn về tất cả mọi mặt.

Sau đó thì hai vợ chồng tất bật với công việc và nỗi lo lắng cho gia đình cũng nhiều hơn. Nhưng tôi không bị choáng váng khi bước vào cuộc sống gia đình vì chúng tôi lường trước mọi việc và nói trước cho nhau mọi thứ. Bây giờ chỉ khi hai đứa trẻ ngủ, vợ chồng tôi mới có thời gian cùng xem bộ phim, cùng nằm nói chuyện. Ban ngày thì chỉ gặp nhau, nhìn nhau trong bữa cơm thôi. Tuy vậy, tôi cố gắng tạo thói quen trước khi đi ngủ dành thời gian nói chuyện với nhau.

- Tôi thấy nhiều gia đình có điều kiện bây giờ thuê người chăm sóc con nên hai vợ chồng vẫn có thời gian cho nhau. Anh có nhìn nhận đây là một cách để duy trì đời sống hôn nhân cho những gia đình quá bận rộn công việc ngoài xã hội không?

- Đúng là có người đẻ xong thuê hẳn hai osin chăm sóc con và cho rằng như thế sẽ không phải động tay vào nữa. Có người, phụ nữ đấy mà con hai tuổi chưa một lần pha sữa cho con uống, thậm chí không biết con uống sữa gì, chưa nấu cho con nồi cháo. Trong nhà tôi không có chuyện đó, chúng tôi đi thì thôi, về nhà là lao vào con.

Huyền về nhà không khác gì osin đâu, quần quật với con, quên hết những ánh hào quang ngoài xã hội. Tôi là người đàn ông, đơn giản thì phải biết chia sẻ với vợ mình. Tất cả những gì liên quan đến đêm là tôi phụ trách hết, từ pha sữa đến cho con ăn tôi đều tự nguyện làm. Tôi chỉ nghĩ rằng cả ngày vợ đã vất vả rồi, đêm bắt cô ấy thức nữa thì mình có phải là thằng đàn ông không. Vợ chồng thì phải có cái tình với nhau. Nếu mình xót xa vợ thì mình sẽ dậy một cách rất tự nguyện và quên hết nhọc nhằn. Cái này tôi nói rất thật.

Tất nhiên không tránh khỏi có lúc bực mình, quát tháo vì con nhưng chính điều đó làm gắn bó tình cảm gia đình chúng tôi. Nhiều đêm con ốm, tôi cởi trần trùng trục lau mồ hôi cho con, đến gần sáng con ngủ thì mình cũng mệt đờ. Vậy mà ngày hôm sau con hết sốt, nhìn nó cười rạng rỡ là mình thấy hết mệt mỏi luôn, rất kỳ lạ.

- Ngoài chia sẻ việc nhà, anh chị hỗ trợ nhau trong nghề nghiệp thế nào?

- Các chương trình tôi diễn, có điều kiện Huyền đều đi xem để nếu có vấn đề gì thì đóng góp ý kiến cho chồng. Còn tôi bao giờ cũng là khán giả đầu tiên trong các vở diễn mới của Huyền.

Khi chúng tôi kết thúc buổi trò chuyện là kim đồng hồ báo 5h chiều. Anh vội vã đi và không quên thanh minh: "Huyền đang đợi tôi ở nhà hát đấy".

Ca sĩ Tấn Minh tên thật là Huỳnh Tấn Minh sinh năm 1974, tại Nam Định. 16 tuổi, sau khi giành giải cao trong cuộc thi Tiếng hát học sinh – sinh viên, anh rời Nam Định lên Hà Nội thi vào trường nhạc. Trở thành thủ khoa của khoa thi năm 1990, hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội, Tấn Minh đã theo học 8 năm và tốt nghiệp hệ đại học thanh nhạc Hà Nội năm 1998.

Được biết đến như người hát khúc tình ca lãng mạn của Phú Quang, Tấn Minh sau đó ghi dấu thành công với các sáng tác của nhạc sĩ trẻ Đỗ Bảo. Người ta gọi anh là ca sĩ Bức thư tình đầu tiên.

Tấn Minh là nam ca sĩ sáng giá của Hà Nội. Anh đã ra mắt 3 album, chủ yếu hát các ca khúc của Phú Quang và Đỗ Bảo. Tháng 12 tới anh sẽ cho ra mắt album thứ XX  với các sáng tác mới nhất của Đỗ Bảo.

Tấn Minh chia sẻ: "Tôi hát nhạc Phú Quang tính đến nay đã 15 năm. Ngày xưa, khi còn ở Nhạc viện, tôi được Phú Quang mời đến thu âm các ca khúc của chú ấy. Bài hát đầu tiên của Phú Quang tôi đã hát là bài Chiều hoang. Đến nay thì tôi không nhớ mình đã hát bao nhiêu ca khúc của chú Quang nữa. Tôi thích sức lãng mạn của Phú Quang, dù đau đớn cỡ nào nhạc Phú Quang vẫn có lối thoát chứ không bị u mê.

Còn nhạc Đỗ Bảo lãng mạn nhưng nó là sân chơi của con người thời đại này, hát nhạc của Bảo thấy cuộc sống đang hiện hữu. Tôi tự tìm đến Đỗ Bảo ­­năm 2000, khi tích cóp được 100 triệu đồng để làm album đầu tiên. Ngày người ta gửi đến chiếc đĩa đầu tiên từ nhà in, Bảo đã phóng từ phòng thu Tây Hồ về nhà tôi ở Thành Công, cả hai rất hồi hộp. Bức thư tình đầu tiên là một trong những ca khúc đầu tiên Bảo trình làng với tư cách nhạc sĩ nên khi nghe CD này cả hai anh em cảm thấy như vợ vừa sinh cho mình một cậu con trai, nhìn nó vừa lạ, vừa quen lại đầy cảm xúc. Hài lòng, sung sướng nhưng do tính Đỗ Bảo kiềm chế, nên hắn chỉ tủm tỉm cười, hơi bẽn lẽn. Bỗng nhiên cả hai anh em thốt lên một câu: Giống nhỉ (tức nghe nó văn minh, có hơi thở thời đại).

Dù cộng tác 5 năm, tôi mới hát khoảng 5 bài của Bảo nhưng kỳ lạ là khi chỉ ra "đây mới là Đỗ Bảo" thì người ta sẽ nhớ tới các ca khúc mà tôi hát.

Thực ra thì tôi cũng vẫn hát nhạc Hồ Hoài Anh, Phạm Duy, nhưng Phú Quang và Đỗ Bảo là hai kho tàng âm nhạc để tôi tự khám phá và vượt qua chính mình".

Theo Mốt và Cuộc sống

 

 

Theo Mốt và Cuộc sống

Bạn có thể quan tâm